Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những điểm mới về bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1.9.2021
Thứ năm: 18:51 ngày 19/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 7.7.2021, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.

Cụ thể, điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH quy định: "Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;..."

Như vậy, trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng… thì tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.

Bổ sung trường hợp người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con

Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung trợ cấp một lần khi sinh con đối với lao động nam. Cụ thể, trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện theo quy định thì được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật BHXH.

Việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con với lao động nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con như sau:

- Sinh con hoặc nhận con nuôi trước ngày 15 của tháng: Tháng sinh con hoặc nhận con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH: Tháng sinh con hoặc nhận con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Đồng thời, bổ sung Điều 10, với nội dung: “Lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật BHXH, trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

Thay đổi mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi

Đây cũng là một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 06 năm 2021. Khoản 6 Điều 1 Thông tư này ghi nhận: Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Theo đó, chế độ thai sản được tính theo số lượng con mà lao động nữ sinh ra, không kể còn sống hay đã chết. Còn tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BLĐTBXH đang áp dụng hiện nay, lao động mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản chỉ giải quyết đối với con còn sống, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ vẫn được tính theo số con được sinh ra.

Bổ sung một số quy định liên quan đến trợ cấp tuất

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm quy định liên quan đến việc xét tuổi của thân nhân người lao động để hưởng chế độ tuất hằng tháng. Thời điểm xem xét tuổi trong trường hợp này được xác định là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết, nếu hồ sơ không có ngày tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh để tính tuổi, làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.

Thông tư này cũng nêu rõ, thân nhân người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn được hưởng trợ cấp theo quy định.

Ngoài ra, người lao động đang tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH đồng thời là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, khi chết thì thân nhân của người đó được lựa chọn giải quyết chế độ tử tuất với mức hưởng cao hơn của một trong hai đối tượng trên khi chết.

Điều kiện hưởng lương hưu với người bị tước quân tịch hoặc danh hiệu Công an nhân dân

Khoản 13 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 5 vào Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: “Người lao động quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH bị tước quân tịch hoặc tước danh hiệu công an nhân dân thì điều kiện hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH)”.

Như vậy, trường hợp bị tước quân tịch hoặc danh hiệu công an nhân dân, nếu đáp ứng đủ các điều kiện như với người lao động bình thường thì được hưởng lương hưu (trong khi đó, nếu không bị tước quân tịch, danh hiệu công an nhân dân thì những người này có thể về hưu trước tuổi tới 5 năm theo khoản 2 Điều 54 Luật BHXH).

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Từ ngày 1.1.2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động 2019.

Việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật BHXH được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, trong đó, căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Bổ sung quy định hưởng lương hưu hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà có từ đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc không theo đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được áp dụng quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở.

Việc xác định số năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% được căn cứ vào thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động.

Sửa đổi khoản 4 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH: Lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH

Lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH, bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối trước khi nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề cao nhất (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí làm cơ sở tính lương hưu.

b) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều này.

c) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối để tính lương hưu vừa có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề, vừa có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề thì tính theo quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp trong quá trình đóng BHXH có khoảng thời gian đóng bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề cao hơn tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản 1 Điều này (được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí) để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Bổ sung khoản 3a sau khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần

Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 1 tháng 10 năm 2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Đối với người lao động có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mà hưởng BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1.9.2021.

Tuấn Thanh

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục