Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xung quanh việc xét thăng hạng giáo viên:
Những điều bất cập
Thứ tư: 04:42 ngày 21/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ hội có thể sẽ được trao đều nhau cho cả giáo viên và cán bộ quản lý, nếu việc đánh giá hồ sơ được thực hiện bài bản, nghiêm túc và đồng bộ giữa các trường trong tỉnh. Vì sau khi hồ sơ được xét đạt theo quy định, người dự xét còn phải tham gia khoá bồi dưỡng để đạt chứng chỉ nghiệp vụ ở hạng sẽ được công nhận.

Như tin đã đưa trên báo Tây Ninh, vấn đề đang được giáo giới hết sức quan tâm là việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (các bậc học từ mầm non đến trung học). Bài báo gần đây nhất (ngày 14.3.2018) thể hiện cái nhìn “cận cảnh” những bất cập xoay quanh việc xét thăng hạng, khẳng định rằng: lợi thế không thuộc về giáo viên mà chỉ rộng đường cho cán bộ quản lý.

Hiện các đơn vị trường học về cơ bản phải thực hiện xong nhiệm vụ triển khai các quy định của ngành đến giáo viên, người dự xét phải tập hợp đủ các hồ sơ, minh chứng nộp về trên, chuẩn bị cho kỳ xét thăng hạng sắp tới.

Ở bậc trung học phổ thông, qua tìm hiểu có thể thấy mỗi trường học triển khai cho giáo viên theo cách hiểu riêng của mình. Có nơi căn cứ vào quy định của từng tiêu chí mà buộc giáo viên phải có minh chứng, không có minh chứng cho một tiêu chí nào thì mặc nhiên không được chấm điểm (cũng đồng nghĩa hồ sơ bị đánh rớt).

Vì theo quy định trong thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hồ sơ dự xét của giáo viên phải đạt 100 điểm. Nếu vượt 100 điểm là ở các trường hợp có điểm cộng thêm nhờ vào thành tích từ cấp tỉnh, cấp trung ương. Có trường lại xem xét một cách bao quát nội dung quy định qua thông tư và khá “mở” để giáo viên được rộng đường.

Cụ thể là ở tiêu chuẩn về Nhiệm vụ của giáo viên (Thông tư 28 ngày 30.11.2017 của Bộ- quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập) có ghi về minh chứng như sau: Bao gồm bản nhận xét của đại diện ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong trường có xác nhận của hiệu trưởng và các minh chứng (nếu có) dự báo về khả năng thực hiện được các nhiệm vụ (ở thứ hạng dự xét).

Cũng ở thông tư trên, mục “Nguyên tắc xét thăng hạng” có ghi rằng: Giáo viên dự xét thăng hạng phải có đủ hồ sơ và các minh chứng theo quy định. Đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan thì minh chứng là xác nhận của cơ quan sử dụng giáo viên về năng lực của giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó.

Với cách hiểu này, một số trường tiến hành xác nhận cho giáo viên về khả năng (dự báo) thực hiện được, còn trong hiện tại thì... chưa thực hiện được. Ví dụ, các tiêu chí (trong tiêu chuẩn Nhiệm vụ): “Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên” hoặc “Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên trung học phổ thông dạy giỏi hoặc giáo viên trung học phổ thông chủ nhiệm giỏi cấp trường trở lên” không phải giáo viên nào cũng đạt được.

Lý do là nhà trường không phát động phong trào, chưa kể là nếu có phong trào cấp trường thì giáo viên (không kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn) sẽ không bao giờ có tên trong danh sách ban giám khảo. Tuy nhiên, ban giám hiệu một số trường vẫn thống nhất xác nhận, dự báo về khả năng giáo viên sẽ thực hiện được nhiệm vụ này (trong tương lai, nếu được giao nhiệm vụ). Nhờ có sự xác nhận này, giáo viên đủ điều kiện hưởng trọn điểm chấm trong hồ sơ.

Có khác một chút, theo chia sẻ của một giáo viên có khá nhiều thành tích đang giảng dạy tại một trường phổ thông khá có tiếng, anh bị “vướng” tiêu chí “Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên” vì anh dạy môn phụ. Do vậy, mặc dù minh chứng về bằng khen, giấy khen của anh không thiếu, nhưng điểm “cứng” trong hồ sơ của anh lại không đạt đủ 100.

Về thành tích của giáo viên, có thể thấy từ việc tham gia các phong trào giáo viên mới có thành tích. Nhưng theo chia sẻ của nhiều giáo viên thì phong trào mà nhà trường phát động không nhiều, số lượng danh hiệu cũng luôn bị khống chế theo tỷ lệ, do vậy, cơ hội với họ thấp hơn các đồng nghiệp ở những trường được phân hạng cao hơn.

Theo quan sát, việc xét hồ sơ đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên ở các trường đã thể hiện sự không đồng nhất, thiếu đồng bộ; bởi có trường nếu xét thành tích thì không nhiều nhưng do cách hiểu tinh thần thông tư (như đã nói ở trên) thì “phần cứng” trong điểm chấm hồ sơ là 100. Ngược lại, có giáo viên vì vướng 1-2 tiêu chí mà... bị loại ngay tại đơn vị.

Chia sẻ thêm về tâm tư, nguyện vọng của mình, nhiều giáo viên mong rằng lãnh đạo phải là người nắm vững và giải thích, hỗ trợ họ trong việc phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của ngành. Theo quy định về việc xét thăng hạng thì:

- Giáo viên trong các cơ sở giáo dục tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức trước ngày 31 tháng 12 năm 2018 chưa yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (...).

- Trong thời hạn tối đa 1 (một) năm kể từ ngày công bố kết quả xét thăng hạng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng giáo viên có trách nhiệm cử giáo viên đã tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tham dự khoá bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét.

- Trường hợp giáo viên được cử đi bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét mà không tham gia khoá bồi dưỡng hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền không bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng và không bảo lưu kết quả kỳ xét đã tham dự.

Như vậy, cơ hội có thể sẽ được trao đều nhau cho cả giáo viên và cán bộ quản lý, nếu việc đánh giá hồ sơ được thực hiện bài bản, nghiêm túc và đồng bộ giữa các trường trong tỉnh. Vì sau khi hồ sơ được xét đạt theo quy định, người dự xét còn phải tham gia khoá bồi dưỡng để đạt chứng chỉ nghiệp vụ ở hạng sẽ được công nhận.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ thì: Việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật (Thông tư 28). Nếu nói về quyền lợi được hưởng so với cán bộ quản lý, giáo viên ít có cơ hội hơn và việc xét thăng hạng nghề nghiệp cũng chính là một cơ hội tăng thu nhập với họ, là động lực với họ trong nghề.

Theo tìm hiểu, nhiều giáo viên dự xét có hệ số lương dao động từ 3.0 đến 3.99. Trong khi đó, nhiều cán bộ quản lý hiện đã ở mức lương “vượt khung” và được cộng phụ cấp thâm niên, vượt khung theo quy định.

P.T

Tin cùng chuyên mục