Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xung quanh những quy định mới ở bậc Tiểu học:
Những điều các bậc phụ huynh cần lưu ý
Thứ tư: 06:38 ngày 03/12/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Các bậc phụ huynh cũng không nên “bắt” con em phải đi học thêm, phải luyện chữ, luyện thi... mà cần dành thời gian để vui chơi, trò chuyện, chăm sóc… giúp con em mình được học tập, làm quen với kỹ năng sống.

Từ năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục có nhiều thay đổi trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử... ở các cấp học khác nhau. Trong đó việc đổi mới kiểm tra và việc cấm giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học đang được các trường thực hiện. Tính hiệu quả của việc thay đổi này như thế nào chưa thể đánh giá được trong ngày một ngày hai, thậm chí là một vài năm.

Và kết quả có đạt được hay không không chỉ phụ thuộc vào sự chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục, sự thực hiện nghiêm túc và sáng tạo của giáo viên mà còn phụ thuộc vào sự đồng tình hưởng ứng của học sinh và phụ huynh học sinh. Có những vấn đề mà phụ huynh học sinh cần biết để giúp đỡ con em mình trong việc thực hiện những quy định mới trong nhà trường.

Trẻ em như búp trên cành (Ảnh: Đ.V.T)

Đầu năm học 2014 - 2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) quy định về việc đánh giá đối với học sinh tiểu học. Quy định này thể hiện sự thay đổi toàn diện về việc đánh giá học sinh tiểu học so với trước đây.

Trong đó nêu rõ nguyên tắc, nội dung, cách thức, tổng hợp và sử dụng kết quả đánh giá để xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học. Căn cứ Thông tư 30, việc đánh giá học sinh tiểu học dựa trên 4 nguyên tắc có thể tóm tắt như sau: đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (coi trọng việc động viên khuyến khích); đánh giá toàn diện; đánh giá có sự kết hợp giữa giáo viên với cha mẹ học sinhđánh giá sự tiến bộ của học sinh (không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho các em).

Nội dung đánh giá tập trung vào: đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực; đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh. Cách thức thực hiện là đánh giá thường xuyên trong suốt năm học và định kỳ ở cuối học kỳ 1 và cuối năm.

Những năm trước đây, bài làm của học sinh được đánh giá bằng cách cho điểm, còn từ năm nay- thầy cô không cho điểm mà chỉ ghi nhận xét. Việc thay đổi cách đánh giá từ cho điểm sang ghi nhận xét thực sự là điều khó khăn, gây áp lực cho giáo viên bởi các thầy cô phải đọc bài của học sinh kỹ hơn, lại phải vắt óc suy nghĩ, lựa chọn lời nhận xét sao cho phù hợp.

Hiện nay, một số giáo viên đã có “sáng kiến” dùng dấu gỗ hoặc ký hiệu sao, hoa, mặt cười... thay cho lời nhận xét. Dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về “sáng kiến” như thế. Còn việc đánh giá vào cuối mỗi học kỳ đối với các môn học như Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ... được thực hiện bằng bài kiểm tra định kỳ.

Bài kiểm tra này được giáo viên sửa lỗi, nhận xét ưu khuyết điểm và cho điểm theo thang điểm 10. Tổng hợp kết quả cuối học kỳ, cuối năm là hoàn thành hoặc chưa hoàn thành cho các môn học, đạt hoặc chưa đạt cho mức độ hình thành và phát triển kỹ năng, phẩm chất...

Với cách đánh giá này, trong những năm đầu, học sinh và phụ huynh sẽ có phần bỡ ngỡ, khó hình dung nhưng có lẽ rồi cũng sẽ quen dần. Mục đích chính của sự thay đổi này là không lấy điểm số mà lấy sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh làm căn cứ, qua đó không tạo ra áp lực ganh đua giữa học sinh này với học sinh khác, thay vào đó là sự hợp tác, cộng tác, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.

Cùng với Thông tư 30, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 5.11.2014 yêu cầu các trường thực hiện những quy định: nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, khuyến khích học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp đối với các trường, lớp dạy 2 buổi/ngày.

Riêng đối với trường, lớp dạy 1 buổi/ngày thì chỉ giao bài tập về nhà bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày. Kể từ năm học này, ngành giáo dục không tổ chức thi học sinh giỏi, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các sân chơi trí tuệ.

Các trường cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho phụ huynh biết để phối hợp thực hiện. Chỉ thị trên ra đời được dư luận nhìn nhận là kịp thời nhằm giảm áp lực cho học sinh tiểu học và phụ huynh các em, bởi các em học sinh lứa tuổi này còn quá nhỏ, cần có thời gian vui chơi và giải trí; không nên tạo áp lực ganh đua để giành thứ hạng cao trong học tập.

Vì thế các bậc phụ huynh cũng không nên “bắt” con em phải đi học thêm, phải luyện chữ, luyện thi... mà cần dành thời gian để vui chơi, trò chuyện, chăm sóc… giúp con em mình được học tập, làm quen với kỹ năng sống. Bác Hồ đã căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Các em cần được phát triển bình thường, người lớn không nên “đốt cháy giai đoạn” để rồi “lợi bất cập hại”.

DIỆU MAI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục