Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những điều ít biết về ngày kỷ niệm Chiến thắng ở nước Nga
Thứ hai: 09:01 ngày 09/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày Chiến thắng ở Nga không chỉ là ngày lễ của một quốc gia đơn lẻ, nó là một phần của lịch sử thế giới, trong đó những sự kiện tàn khốc đã được ngăn chặn - một ngày gắn kết mọi người lại với nhau.

Lễ duyệt binh kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng phátxít tại thủ đô Moskva (Nga), ngày 9/5/2021. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Có rất nhiều ngày lễ quan trọng trong lịch sử của Liên Xô và Nga, nhưng ngày kỷ niệm Chiến thắng phátxít được tổ chức hằng năm vào ngày 9/5, chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Nga.

Ngày này đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, và năm nay, mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ kỷ niệm 77 năm ngày lễ quan trọng này. Tuy nhiên, lịch sử về ngày lễ Chiến thắng cũng có nhiều điều thú vị mà ít người biết đến.

Lý do Nga kỷ niệm Chiến thắng vào ngày 9/5

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu vào ngày 22/6/1941 và vào ngày 8/5/1945, văn kiện cuối cùng về sự đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc xã và các lực lượng vũ trang của chế độ này đã được ký kết tại Berlin.

Trong suốt bốn năm của cuộc chiến, hơn 26 triệu công dân Liên Xô đã không trở về nhà, con số này không chỉ bao gồm những người lính hy sinh trên chiến trường, mà còn cả thiệt hại đối với dân thường.

Nhiều người thắc mắc tại sao ở Nga Ngày Chiến thắng lại được tổ chức vào ngày 9/5, trong khi ở nhiều quốc gia khác cũng tổ chức sự kiện này vào ngày 8/5.

Đã có nhiều suy diễn khác nhau liên quan đến vấn đề này, nhưng câu trả lời đúng nhất đó là do chênh lệch về múi giờ. Về mặt chính thức, tài liệu đầu hàng của Đức Quốc xã được ký vào lúc 23h01 ngày 8/5 theo giờ địa phương, nhưng tin chiến thắng đến Moskva thì thời điểm đó đã bước sang ngày 9/5.

Sau đó, thông cáo về chiến thắng của quân đội Liên Xô trước Đức Quốc xã đã được phát thanh viên nổi tiếng của Đài phát thanh toàn Liên Xô Yuri Levitan đọc trên làn sóng điện: “Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại do nhân dân Liên Xô tiến hành chống lại quân xâm lược Đức Quốc xã đã kết thúc thắng lợi, nước Đức hoàn toàn bị đánh bại.”

Điều đáng chú ý là vào Ngày Chiến thắng đầu tiên không có cuộc diễu hành hoành tráng như ngày nay, cũng không có dải băng Thánh George, không có hoa cẩm chướng, không có Trung đoàn Bất tử.

Ngày hôm đó, tất cả người dân ra khỏi nhà của họ, chào đón nhận những vị khách, sắp xếp các bữa tiệc với những bài hát và điệu múa, và tất nhiên, tiếp tục chờ đợi sự trở về của những người lính sống sót từ mặt trận. Điểm nhấn của lễ kỷ niệm kết thúc bằng màn bắn pháo hoa hoành tráng ở Moskva.

Lịch sử về các cuộc duyệt binh

Tuy nhiên, cuộc duyệt binh mừng chiến thắng năm 1945 vẫn được tổ chức nhưng nó không diễn ra vào ngày 9/5/1945 mà là vào ngày 24/6/1945. Sự kiện do Nguyên soái Georgy Zhukov chủ trì, Nguyên soái Konstantin Rokossovsky chỉ huy đội ngũ duyệt binh với tổng số 35 nghìn người. Sau đó, các cuộc diễu hành quân sự như vậy đã không được tổ chức trong 20 năm, cho đến năm 1965.

Hơn nữa, vào thời điểm đó Ngày Chiến thắng cũng không còn được coi là một ngày lễ chính thức. Mọi người đi làm vào ngày 9/5 như những ngày làm việc bình thường trong tuần. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không ngăn cản việc tổ chức các lễ hội trên khắp Liên Xô.

Vì vậy, cuộc Diễu hành Chiến thắng lần thứ hai được tổ chức vào năm 1965, và những cuộc duyệt binh quy mô lớn tiếp theo đã diễn ra vào các năm 1985, 1990, 1995 - từ thời điểm này, cuộc duyệt binh thường được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Chiến thắng phátxít.

Đội hình xe chiến đấu của hệ thống pháo phản lực hạng nặng TOS-1 trong đội hình duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, Moskva (Nga) ngày 9/5/2021. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Ngày nay, đây là một sự kiện quy mô lớn được diễn tập kỹ lưỡng, được đông đảo người dân theo dõi trên đường phố và truyền hình trực tiếp trên truyền hình và Internet.

Lễ duyệt binh Chiến thắng bao gồm trình diễn sức mạnh quân sự, cả thiết bị quân sự trên bộ và trên không, cuộc diễu hành của các đơn vị khác nhau của lực lượng quân đội, sinh viên của các cơ sở giáo dục quân sự và đơn vị vũ trang trực thuộc tổng thống.

Theo thời gian, Lễ duyệt binh Chiến thắng không chỉ được tổ chức trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, mà còn ở tất cả các thành phố anh hùng, các quân khu và một số thành phố lớn khác ở Nga.

Hoa cẩm chướng và ruybăng Thánh George

Ngày Chiến thắng có một số thuộc tính cần thiết, bao gồm hoa cẩm chướng đỏ và ruybăng Thánh George. Theo phong tục, người ta thường tặng hoa cẩm chướng cho các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cũng như đặt chúng trên các đài kỷ niệm.

Loài hoa này từ lâu đã trở thành biểu tượng của chiến thắng, gợi nhớ đến Hồng quân bất khả chiến bại. Ngoài ra, hoa cẩm chướng được coi là loài hoa khá “ngoan cường,” có thể làm hài lòng người nhìn ngắm trong vài ngày.

Cũng trong Ngày Chiến thắng, hầu như mọi người đều đeo dải băng Thánh George, nhưng không phải ai cũng nghĩ về ý nghĩa của nó và cũng có nhiều cách giải thích về ý nghĩa hình tượng của dải băng này. Ruybăng gồm hai màu: cam và đen. Màu cam tượng trưng cho ngọn lửa, và màu đen tượng trưng cho khói. Đó chính là ý nghĩa chân thực ban đầu của ruybăng Thánh George.

Ruybăng này cũng được sử dụng trong hệ thống phần thưởng, huân huy chương của Liên Xô và là dấu hiệu phân biệt đặc biệt cho các binh sỹ. Giờ đây, dải ruy băng Thánh George được đeo như một dấu hiệu tưởng nhớ chủ nghĩa anh hùng của những người lính Xô Viết và chiến thắng trước chủ nghĩa phátxít.

Phút mặc niệm, pháo hoa chào mừng và bài hát chính

Truyền thống về một khoảnh khắc im lặng để mặc niệm những người đã hy sinh ngoài mặt trận được bắt đầu vào năm 1965. Sau đó, vào Ngày Chiến thắng, vào lúc 18h ngày 9/5 theo giờ Moskva, một phút im lặng của toàn nước Nga đã được thông báo trên đài phát thanh và truyền hình.

Trong những năm gần đây, nguyên thủ quốc gia Nga thường tuyên bố một phút im lặng trong bài phát biểu của mình tại Lễ duyệt binh Chiến thắng. Và trong đúng một phút giọng nói lắng xuống, động cơ ngừng gầm rú, để người dân trên khắp nước Nga tưởng nhớ những người đã khuất.

Một phần không thể thiếu của ngày lễ Chiến thắng là pháo hoa chào mừng (salut), được tổ chức hàng năm kể từ năm 1945. Vào thời điểm đó, đó là một màn pháo hoa hoành tráng được phóng lên bầu trời Moskva từ hàng nghìn khẩu pháo phòng không.

Đội bay Su-25 kết thúc phần trình diễn không quân tại lễ duyệt binh tại Moskva, ngày 9/5/2021. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Ngày nay, mức độ hoành tráng của các màn bắn pháo hoa tăng lên theo từng năm ở mọi thành phố của Nga. Vào lúc 22h ngày 9/5, pháo hoa bắt đầu nổ ầm ầm trong 10 phút, cả bầu trời được chiếu sáng bởi hàng triệu tia lửa rực rỡ nhiều màu sắc.

Chương trình Ngày Chiến thắng cũng bao gồm một buổi hòa nhạc lễ hội. Và bài hát Ngày Chiến thắng được hàng triệu người yêu thích chắc chắn sẽ vang lên trên tất cả các sân khấu của cả nước Nga. Lời bài hát do cựu chiến binh Vadim Kharitonov sáng tác, phần âm nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc trẻ David Tukhmanov.

Điều đáng chú ý là bài hát được viết 30 năm sau chiến tranh, và trước khi được phổ biến thành công trên toàn quốc, nó đã phải trải qua một chặng đường khó khăn. Lúc đầu, sáng tác đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà chức trách chính thức, và sau đó việc biểu diễn bị cấm hoàn toàn.

Nghệ sỹ trẻ Lev Leshchenko đã tạo ra một “cuộc đời thứ hai” cho bài hát. Nam ca sỹ đã cố tình biểu diễn sáng tác này tại buổi hòa nhạc cá nhân của mình ở Alma-Ata và cả hội trường đã vỡ òa trong tràng pháo tay.

Sau đó, Leshchenko đã không được phép biểu diễn ca khúc này tại các sự kiện chính thức trong một thời gian dài, nhưng nghệ sỹ này nung nấu quyết định tìm cách “lách” lệnh cấm. Anh đã biểu diễn bài hát Ngày chiến thắng tại buổi hòa nhạc kỷ niệm Ngày của lực lượng Công an, được truyền hình trực tiếp.

Đúng như dự đoán, bài hát đã tạo được tiếng vang lớn. Và sau đó, có câu chuyện truyền miệng rằng, tại một trong những buổi chiêu đãi sau cuộc duyệt binh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã nói với tác giả Vladimir Kharitonov rằng: “Chúng tôi sẽ không như vậy nữa, Volodya, và mọi người sẽ hát bài hát của anh.”

Đó là câu chuyện về bài hát Ngày Chiến thắng và thật khó có thể tưởng tượng nếu Ngày Chiến thắng mà không có âm hưởng của bài hát này được vang lên.

Trung đoàn bất tử

Một truyền thống khác được hình thành trong vài năm gần đây làm cho Ngày Chiến thắng thêm phần ý nghĩa chính là phong trào Trung đoàn Bất tử. Đây là hoạt động diễu hành của người dân qua các đường phố của thành phố với chân dung của các cựu chiến binh.

Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Tomsk và ngày 9/5/2012 và sau đó được phổ biến ở nhiều thành phố khác ơ nước Nga. Tháng 9/2015, hoạt động “Trung đoàn bất tử của nước Nga” chính thức được đăng ký là một phong trào chính trị-xã hội-dân sự.

Đến nay, hoạt động này không chỉ được tổ chức ở mọi thành phố của Nga mà còn ở nước ngoài. Trong các năm 2020 và 2021, các hoạt động Trung đoàn bất tử được tổ chức trực tuyến do tình hình lây lan đại dịch COVID-19.

Ngày nay, nhiều người trẻ thậm chí không thể tưởng tượng được cha ông của họ đã phải chịu đựng những đau thương và kinh hoàng đến mức nào, nhưng không thể phủ nhận những năm tháng chiến tranh đã ảnh hưởng tuyệt đối đến mọi gia đình trên đất nước Liên Xô rộng lớn trước kia.

Ngày lễ kỷ niệm chiến thắng phátxít là dịp người dân Nga tri ân những người đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), chiến thắng quân đội phátxít Đức. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Đối với Liên bang Nga, ngày Chiến thắng nhằm mục đích tập hợp người dân và nhắc nhở họ rằng đất nước đã từng tồn tại qua chiến tranh khốc liệt nhất và đánh bại chủ nghĩa phátxít. Ngoài ra, những ký ức về những sự kiện khủng khiếp thời kỳ đó không nên để xảy ra một lần nữa.

Ngày càng có ít các cựu chiến binh của Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại mỗi năm. Và, người Nga quan niệm rằng nếu bạn biết một trong số họ, thì hãy đến thăm không chỉ vào Ngày Chiến thắng mà cả những ngày bình thường trong tuần, quan tâm, giúp đỡ, hỏi han cuộc sống của họ và hãy trao truyền những điều tốt đẹp như vậy cho con cái của mình.

Cũng cần nhớ rằng Ngày Chiến thắng không chỉ là một ngày lễ của một quốc gia đơn lẻ, mà nó là một phần của lịch sử thế giới, trong đó những sự kiện tàn khốc đã được ngăn chặn. Đây là một ngày thực sự gắn kết mọi người lại với nhau./.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục