BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những điều không thể sẻ chia

Cập nhật ngày: 13/04/2011 - 07:52

Những cảnh đời vừa bi ai vừa trái khoáy được kể ra trong bài này do người viết tình cờ ghi nhận được trong một lần tham gia với đoàn công tác cùng với các ngành chức năng. Vì lý do tế nhị, xin phép không nêu tên tuổi và địa chỉ của họ.

Khi bước vào nhà anh S, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy trên bàn thờ nhà anh có bức ảnh chân dung một phụ nữ. Người phụ nữ còn rất trẻ và rất đẹp! Khi đoàn đến, nhà không có ai ở nhà. Căn nhà không có cửa nên từ ngoài sân có thể quan sát toàn bộ phía trong. Một lúc sau, người em của chủ nhà, nhà ở gần bên bước sang tiếp đoàn. Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi mới biết người phụ nữ trên bàn thờ chính là vợ của anh S. Vì sao chị ấy chết sớm thế? “Chị dâu tôi bị chồng đâm chết” – người tiếp chuyện chúng tôi trả lời nhẹ nhàng nhưng giọng đượm buồn! Anh nhớ lại…

Một phút nóng giận, cả đời trả giá

Ngày ấy, anh chị lấy nhau ai cũng bảo họ đẹp đôi, có điều là nhà hai bên đều nghèo, nghèo lắm. Anh chị có với nhau hai đứa con, một trai, một gái. Hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định. Đời sống kinh tế càng gặp khó khăn hơn khi cả hai đứa con của họ bắt đầu đến trường. Tích cóp mãi, hai vợ chồng cũng dành được một món tiền nho nhỏ. Một buổi chiều, khi người chồng kết thúc một ngày đi làm thuê về, anh hỏi tiền với ý định muốn đi mua sắm ít đồ dùng sinh hoạt thì chị vợ trả lời: đã trả nợ hết rồi! Mặc dù chị đã giải thích về các khoản nợ nhưng anh chồng không tin, mà nghi vợ mình đã lấy tiền đi đánh bài. Thế là giữa hai vợ chồng xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội. Trong lúc “cơn điên” lên đến đỉnh điểm, anh chồng đã lấy dao đâm vợ một nhát chí mạng! Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng chị đã không qua khỏi! Tám năm tù là mức án đã có lượng hình của toà đối với người chồng mang tội giết người.

Mẹ chết, cha đi tù, hai đứa trẻ chia nhau một ở với bên ngoại và một ở với bên nội.

Sau khi chấp hành xong bản án, người chồng, nay đã được trả tự do. Ngày ngày anh ta đi làm thuê, làm bất kỳ việc gì để có tiền nuôi sống bản thân. Hiện tại người đàn ông này đang sống cô quạnh một mình trong ngôi nhà một thời từng vang vọng tiếng cười vui của những đứa trẻ.

Trên bàn thờ có 3 nải chuối, những trái chuối chín đã ngả từ màu vàng sang màu đen. Phía bên là nơi đặt bức ảnh chân dung người vợ xấu số. Trong ảnh, chị vẫn mỉm cười…

Ông Lâm Tấn Đông, Thường trực HĐND tỉnh tặng quà cho một cụ già sống neo đơn (ảnh chỉ có tính minh hoạ)

Nghèo tình thương...

Năm nay, cụ M đã được 83 tuổi. Cụ ông đã mất từ lâu, hiện cụ M sống một mình trong căn nhà tồi tàn, chính xác phải gọi đó là túp lều. Theo như cụ M kể thì hai ông bà sinh được tám người con, trai gái đủ cả. Con lớn lên, cụ cũng dựng vợ gả chồng đàng hoàng. Khi được hỏi: sao không đến sống với con cháu cho vui, cụ M chỉ nói ngắn gọn: “con cái đứa nào cũng nghèo, không muốn làm phiền chúng nó!”. Không biết cụ có nói thật hay không nhưng nét mặt, ánh mắt của cụ có vẻ buồn rười rượi. Cụ M đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước. Thỉnh thoảng, những người con của cụ cũng ghé thăm và biếu mẹ vài cân gạo. Thức ăn hằng ngày có lúc cụ tự đi mua có lúc nhờ láng giềng mua giùm.

Tạm biệt cụ bà, tôi cứ tự hỏi: không biết vì sao có đến gần một chục người con ruột mà cụ không sống với ai? Tại cụ khó tính quá hay là con cái cụ chưa tròn bổn phận làm con đối với mẹ? Trong lúc nói chuyện, tôi thấy cụ M là người vui tính, ăn ở ngăn nắp, vườn tược được quét dọn sạch sẽ. Lúc chúng tôi ra về, cụ còn nói: “cán bộ tỉnh về chăm tập luyện thể dục để khoẻ như tui”! Túp lều nơi cụ ở có vẻ hoang vắng, đường đi ngoằn ngoèo, chỉ có mấy nóc nhà. Lỡ ra, lúc trái gió trở trời, cụ có chuyện gì không hay thì khó ai phát hiện kịp!

Cho dù vì lý do gì thì chuyện gần cả chục người con mà không thể lo lắng, chăm sóc một mẹ già, liệu có chấp nhận được không?

... Nghèo cả nhân cách

Đơn độc đã buồn nhưng sống với con mà con cái không ra gì thì có khi lại càng buồn hơn. Hoàn cảnh của cụ H đúng là như thế. Năm nay ngoài 70 nhưng cụ H trông già hơn người đã 80. Cụ H đang sống với một anh con trai, năm nay có lẽ suýt soát 50 tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ. Hai mẹ con sống trong một ngôi nhà cũ, tồi tàn và rất mất vệ sinh. Khi vừa từ trên xe bước xuống để vào nhà, một số thành viên nữ đi cùng đoàn chúng tôi đã phải ngoảnh mặt đi nơi khác, chỉ vì người đàn ông trong ngôi nhà đang điềm nhiên “tè” ngay tại hiên nhà mình. Sặc sụa mùi rượu, anh ta chỉ lắp bắp được một vài tiếng, điệu bộ khật khà khật khưỡng. Không khí xung quanh ngôi nhà và cả bên trong nhà khai ngấy mùi nước tiểu. Cụ H có hai người con, một đã có gia đình riêng, thỉnh thoảng có đến cho mẹ một ít tiền hoặc vài ký gạo. Chính quyền địa phương cũng quan tâm thăm hỏi, tặng quà cụ vào dịp tết nhất. Một ông cán bộ phường cho biết, cứ ai cho gạo là anh con trai của cụ lại lấy đem bán để có tiền uống rượu!

***

Nghèo về vật chất, xã hội có thể sẻ chia. Nhưng nghèo tình thương, nghèo nhân cách thì không ai có thể thông cảm. Đáng trách là có những người lại chọn cho mình cách sống như thế.

Đ.V.T