Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những điều thú vị ở Trường Long Hoà, Trà Vinh

Cập nhật ngày: 14/12/2010 - 10:16

Trường Long Hoà là một xã ven biển của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đây là địa phương có tiềm năng về du lịch và có những huyền tích được nhiều người biết.

Ở Trường Long Hoà, người ta kể rằng ngày xưa, trên đường chạy trốn sự truy nã của Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bôn tẩu đến nơi này. Ông đã được người địa phương cho ăn một thứ nước mắm rất ngon chưa từng nếm, đó là nước mắm rươi. Ông còn được thưởng thức “món lạ miền Nam” là đuông Chà là chiên, nướng... Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh hoài nhớ hai thức ăn này và ra lệnh địa phương phải tiến nộp lên kinh. Từ đó nước mắm rươi được gọi là “nước mắm ngự” hoặc “nước mắm tiến vua”.

Tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hoà còn có 3 huyền tích khác. Thứ nhất là ngôi mộ cổ mà người ta trân trọng gọi “mộ Quận chúa”. Mộ tọa lạc trên mảnh đất rộng chừng 500m vuông nằm giữa đầm cây cỏ rậm rạp. Mộ có vòng thành bên ngoài. Khu mộ chừng 80m vuông được xây bằng đá, hiện phủ rêu xanh. Đây có thể là mộ em hoặc chị vua Gia Long.

Gần mộ Quận chúa là Lầu Bà ở xóm dưới. Lầu được trùng tu kiên cố năm 2008. Tọa lạc trên diện tích khoảng 3.000m². Phần Lầu Bà rộng chừng 8mx20m, gồm 2 tầng. Tầng trệt thờ Bà Chúa Xứ, tầng lầu thờ cốt Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương. Theo ông từ Năm, tên thật là Nguyễn Ngọc Long thì nơi đây là nơi thờ Bà Triệu Thị Trinh. Theo truyền thuyết dân gian nói rằng xưa kia, có 2 sắc phong anh em Bà Triệu bị trận bão lớn từ Bắc trôi dạt tấp vào tận đây. Nhân dân đưa 2 sắc ra biển nhưng vẫn lại trôi tấp trở vào. Nghĩ sắc chọn đây làm nơi thờ tự, họ cử người ra Thanh Hoá xem và lấy kiểu đền thờ Bà Triệu về đây xây cất. Lầu Bà xây dựng trước năm 1945, sau đó bị hư hỏng được trùng tu lại bằng lá. Ông từ Năm còn giải thích rằng: Bà Cố Hỷ Thượng Động có ngôi vị lớn hơn hết trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Bà là hiện thân của Bà Triệu nên rất được bà con nơi đây tín ngưỡng. Hằng năm, lễ cúng Bà diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch, thu hút hàng chục ngàn người, kể cả người dân một vài tỉnh lân cận, đến chiêm bái. Lễ diễn ra 2 ngày 1 đêm với nhiều nghi thức trang nghiêm, long trọng.

Bên kia hương lộ, ở xóm trên có đình Triệu Quốc Đạt. Đình này còn có tên gọi đình Triệu Quốc Công, Triệu Công Minh hoặc Triệu Minh Công. Ông từ Tư Cảnh, tên thật là Nguyễn Văn Cảnh cho biết lai lịch đình có phần dị bản: Xưa kia, nơi đây là biển. Năm nọ miền Bắc bị lũ lụt lớn, có 2 bài vị trôi tấp vào đây, nhân dân đưa trở lại biển nhưng không thành. Xem bài vị biết một cái thờ Bà Triệu, cái kia thờ anh Bà là Triệu Quốc Đạt. Cho là ý các ngài muốn ở lại đây nên họ cử người ra Bắc xem lấy kiểu đền về thiết kế nơi thờ tự. Qua bao loạn lạc, đình hư hỏng trầm trọng và được xây cất lại tường gạch mái tôn như hiện tại từ năm 2009 với bảng đề: “Đình thần Triệu Minh Công”.

Cả 3 huyền tích này đều được truyền miệng từ rất lâu đời ở địa phương đang chờ các nhà khoa học, khảo cổ học nghiên cứu; tuy nhiên, hiện nay vẫn có thể coi là điểm nhấn thu hút khách đến Trà Vinh nếu được tôn tạo và quảng bá rộng rãi.

Trước đây, nói tới du lịch Trà Vinh, người ta nghĩ ngay tới biển Ba Động. Đã có thời bãi biển này là niềm tự hào của dân Trà Vinh thông qua câu thơ: “Biển Ba Động nước xanh cát trắng”. Sau thời gian thu hút khá nhiều khách tham quan, thư giãn, ngày nay khu du lịch này đã ngày một vắng khách, vì bãi bị sóng biển xâm thực trầm trọng. Cho nên khi bước lên những tảng đá xanh và rọ sắt chằng giữ bảo vệ bờ biển, khách tham quan rất e ngại, sợ gặp sự cố!

Ngày xưa, ở Trường Long Hoà có một điểm dành cho các quan lại và thành phần giàu có bản xứ đến nghỉ ngơi, thư giãn. Bãi này được gọi là Nhà Mát. Hiện nay, Nhà Mát được tái sinh, khai trương và đi vào hoạt động từ Quốc khánh 2.9.2010. Khu du lịch có nhiều nhà và chòi được cất bằng cây và lá rừng, dáng đẹp và lạ mắt. Bãi tắm thoai thoải, ra tới nửa cây số nước chỉ ngang ngực. Bãi biển dài 15 cây số được các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền... Nằm nghỉ trên những chiếc ghế bố thoải mái, khách du lịch thưởng thức hương vị của những món hải sản. Trong đó có những món ẩm thực mới có ở đây như: bún cá Ninh Hoà, bánh căn Cam Ranh, bánh xèo miền Trung, cá nanh heo nướng, lẩu mực sữa, gỏi sứa...

K.D (st)