Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những đoá hoa lặng lẽ giữa đời
Thứ tư: 10:24 ngày 20/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ở tỉnh ta, nhiều năm qua có một số người dạy học thiện nguyện. Có người là giáo viên nghỉ hưu, có người là công chức và có cả nhà sư đứng ra truyền dạy con chữ cho trẻ em. Họ như những đoá hoa lặng lẽ giữa đời.

Nhà sư dạy học

Từ năm 2020 đến nay, vào thời gian hè là Chùa Chung Rút (ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) tổ chức lớp học tiếng Khmer miễn phí cho các em học sinh địa phương. Nhờ lớp học tình thương này, nhiều trẻ em biết đọc, biết viết thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình. 

Lớp học do sư San Văn Xiên ở Chùa Chung Rút đứng lớp. Lớp học được xây dựng kiên cố trong sân chùa. Trong lớp có đầy đủ bàn ghế học sinh, bàn, ghế giáo viên, phấn, bảng, đèn, quạt, có thể dạy cùng một lúc cho khoảng 40 học sinh. 

Hằng ngày, lúc 15 giờ các em bắt đầu vào lớp. Sư San Văn Xiên viết chữ Khmer lên bảng, sau đó, thầy hướng dẫn các em viết vào tập và đọc to những nội dung trên bảng. Sau 1 tiết học tập, các em ra chơi. Trong giờ nghỉ giải lao, các em ăn, uống, chạy, nhảy đùa giỡn trong sân chùa. Sau 15 phút nghỉ ngơi, học trò lại vào lớp tiếp tục tiết học cuối cùng trong ngày.

Sư San Văn Xiên ở Chùa Chung Rút đứng lớp.

Nhà sư kể, ở đây có hai lớp học. Lớp dành cho các em học sinh cấp ba hoạt động vào buổi tối hằng ngày; lớp dành cho các em học sinh nhỏ dạy vào buổi chiều mỗi ngày. Hiện nay, lớp học cấp THPT tạm thời ngưng hoạt động, vì hầu hết các em bận phụ việc đồng áng với gia đình, chỉ còn lớp dạy các em học sinh cấp một, cấp hai. 

Các em đến đây học hoàn toàn miễn phí, đối với những em học sinh hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền mua sách vở, các sư chịu trách nhiệm mua sách vở cho. “Chủ yếu cho các em biết đọc, biết viết tiếng Khmer. Miễn các em chịu học là được rồi”- Sư nói.

Những ngày hè vừa qua, khi chúng tôi đến thăm lớp học tình thương này, có 26 em học sinh nam nữ độ tuổi cấp hai đang chăm chú viết bài. Em Thị Mỹ Linh, ngụ ấp Hòa Đông A cho biết, em vừa học xong lớp 5, chuẩn bị năm học mới vào lớp 6. 

Từ lúc học lớp 1, hè năm nào em và nhóm bạn trong xóm cũng đến đây học thêm tiếng Khmer. “Nhờ được thầy tận tình dạy dỗ mà em biết đọc, biết viết khá thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình”- cô học trò nhỏ nói.

Cựu giáo viên yêu nghề

Hơn 20 năm nay, ở khu phố 5, phường 3, TP Tây Ninh có một lớp học tình thương, do cô Phạm Thị Xuân mở dạy. Từ lớp học này, nhiều em học sinh bị bệnh tự kỷ, DOWN, khuyết tật đã biết đọc, biết viết và nhờ đó, có công ăn việc làm.

Cô Xuân nguyên giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (TP. Tây Ninh). Năm 2004, sau khi về nghỉ hưu, cô Xuân tham gia Hội Chữ thập đỏ tại địa phương. Năm 2009, trong một lần đi điều tra xã hội trên địa bàn phường 3, cô nhận thấy có nhiều trẻ em cá biệt thích được đi học nhưng không có nơi nhận nuôi dạy. Thế là cô quyết định sang nhượng phần đất nhỏ mở lớp dạy học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Xuân dạy toán cho các em học sinh đặc biệt.

Lớp học có diện tích khoảng 4 x 6 mét, được ngăn chia ra từ một phòng ở trong căn nhà của cô Xuân. Trong lớp được trang bị đầy bàn, ghế, phấn, bảng, đèn, quạt, máy lạnh, đồ dùng dạy học. Thời gian đầu mở lớp, chỉ có 3 em đến học, sau đó số lượng học sinh tăng lên 6 em, lúc cao điểm, có đến 26 em. Mùa hè vừa qua, khi chúng tôi đến tham quan, lớp có 20 học sinh, trong đó, 18 em đi học thường xuyên, số còn lại dao động, do các em đang trong quá trình trị bệnh. Học sinh nhỏ nhất mới 8 tuổi, số còn lại từ hơn 10 tuổi đến 30 tuổi. Hầu hết học sinh đều thuộc dạng đặc biệt như mắc bị bệnh DOWN, động kinh, tăng động, tự kỷ, chậm phát triển, nạn nhân chất độc da cam v.v….

Chủ nhân lớp học tình thương kể, lớp luôn được quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức, ban, ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo tặng bàn ghế, bảng; đơn vị thi công đường giao thông ở địa phương, xây nhà vệ sinh cho các em; Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần đến tặng ti vi, máy lạnh, máy may cho lớp; Công ty CP in Hoàng Lê Kha gửi tặng mỗi năm vài trăm quyển tập. Các trường học gửi cho sách giáo khoa. Hằng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh có 4- 5 lần tặng sữa tươi, sữa hộp cho các em...

Đối với các em học sinh nghèo, mỗi tháng cô Xuân vận động mạnh thường quân hỗ trợ 10 kg gạo hoặc thùng mì. Những dịp tết trung thu, Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6, các em đều được tặng quà. Trước khi xảy ra dịch Covid- 19, còn có một số mạnh thường quân đến đây tổ chức nấu bữa cơm trưa cho các em.

Em Nguyễn Thiên Phúc, cao khoảng 1,7m, khi mới đến học, trung bình 2 ngày em bị lên cơn động kinh/lần. Hiện nay bệnh tình của em đã giảm. Trong khi chờ phụ huynh đến rước, Phúc ngồi hát cho chúng tôi nghe một số bài hát được cô Xuân dạy, như “Cả nhà thương nhau”, “Con cò bé bé” v.v

Từ tháng 9 đến nay, cô Xuân bị bệnh, lớp học tạm ngưng hoạt động. Hiện tại cô đang về quê ở miền Bắc trị bệnh. “Hiện giờ bệnh tình đã thuyên giảm, dự kiến khoảng giữa tháng 12 sắp tới, cô sẽ trở về Tây Ninh mở cửa dạy học trở lại”- cô Xuân cho hay.

Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn mở lớp dạy học miễn phí

Hơn 26 năm qua, cô Trần Thị Nhung, 66 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mở lớp học tình thương ở khu phố 4, phường 3, TP. Tây Ninh.

Cô Nhung nhớ lại, hơn 26 năm trước, trong xóm có một vài trẻ em yếu môn tiếng Anh, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm, phụ huynh đưa các em đến gia đình cô Nhung nhờ dạy kèm. Thương trẻ em nghèo hiếu học, năm 1997, lớp học tình thương ra đời. 

Lớp học tình thương
Lớp học tình thương của cô Nhung.

Ban đầu chỉ có 5 em học sinh lớp 6 cắp sách đến lớp. Thời gian đầu, lớp học chỉ hoạt động dưới mái hiên nhà với bàn ghế nhựa. 10 năm sau học sinh tăng lên 70 - 80 em, hiên nhà không còn đủ chỗ che mưa che nắng cho các em. Năm 2014, cô Nhung đầu tư xây dựng một lớp học trong sân nhà để các em có nơi học tập đàng hoàng.

Ông Huỳnh Thanh Quang, 54 tuổi, ngụ phường Ninh Sơn có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bản thân ông đi làm thợ hồ thuê, vợ ông kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. 

Nhiều năm trước trong quá trình bán vé số, vợ ông biết được ở khu phố 4, phường 3 có lớp học tình thương của cô Nhung nên đã xin cho người con trai của vợ chồng anh theo học. Nhờ học tiếng Anh ở đây từ lớp 7 đến lớp 12, con trai của ông đã thi đậu vào đại học chuyên ngành tiếng Anh. 

Ba năm nay, ông tiếp tục đưa con gái út tên Huỳnh Thị Thế An, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (phường Ninh Sơn) đến lớp học tình thương của cô Nhung để được bồi đắp thêm kiến thức ngoại ngữ. “Tôi rất biết ơn cô giáo. Nếu không có lớp học tình thương này, hai đứa con của vợ chồng tôi không biết làm sao để học thêm tiếng Anh”, ông Quang bày tỏ.

Với sự đóng góp của mình, cô Nhung được Hội Khuyến học TP. Tây Ninh nhiều lần khen thưởng. Năm 2010, nữ lái đò thầm lặng này được Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng.

Giữa cuộc sống bon chen hối hả hiện nay, những người có tấm lòng thiện nguyện nêu trên rất đáng trân quý. Việc làm của những thầy cô giáo chuyên và không chuyên này như những đoá hoa lặng lẽ toả hương thơm giữa đời thường.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục