Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những dốc Thượng núi Bà Đen (tiếp theo)
Thứ năm: 17:48 ngày 20/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chùa Hang, mà tên chữ là Long Châu Tiên Thạch tự có lẽ là vị trí đắc địa thứ hai trong quần thể các chùa núi Điện Bà, sau sân núi có điện Bà và chùa Phật chính (Linh Sơn Tiên Thạch tự).

Tháp mộ sư tổ Kim Tiên - Huệ Mạng.

Đắc địa đến nỗi đến năm 2019, khi nghiên cứu mở tuyến cáp treo công nghệ mới nhất lên chùa và lên đỉnh núi thì Sungroup cũng không thể tìm ra nơi nào khác đặt ga cáp treo. Vậy mới có nhà ga chùa Hang 4 tầng lầu bê tông cốt thép nằm cheo leo áp sát chùa Hang. Chúng ta hãy cùng hiểu thêm về sự “đắc địa” của nơi các nhà sư xưa chọn làm nơi xây dựng chùa Hang.

Chùa Hang, tương truyền là do sư tổ Kim Tiên - Huệ Mạng thành lập. Người Tây Ninh hầu như ai cũng đã biết danh tiếng của vị sư tổ này qua câu chuyện về ông Đá Nứt. Ông chính là “vị tổ thứ ba của linh sơn tự là Tánh Thiền” trong câu chuyện đã được nhà sưu khảo Huỳnh Minh ghi lại trong sách “Tây Ninh xưa” (Nxb Thanh Niên tái bản năm 2001).

Chuyện rằng: “Ngày xưa, khách hành hương lên núi Điện Bà, muốn viếng chùa Hang, phải đi vòng xuống suối rất cực nhọc khó khăn. Sở dĩ phải đi vòng… là vì giữa đường đi, bị một ông Đá chặn lấp… Tổ chỉ còn cách mong chờ quyền linh của chư Phật, Thánh, Tiên…

Mỗi đêm Tổ đến nơi ông Đá tụng kinh Kim Cang, vừa khấn vái cầu xin ơn trên hoặc dời ông Đá đi nơi khác, hoặc xin ông Đá nứt ra để có lối đi cho bá tánh. Tổ tụng kinh và cầu nguyện đúng 100 ngày, vào ngày chót, một hiện tượng lạ xảy ra là ông Đá nứt đôi, và hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang lối 1,5m…”.

Tin hay không thì tuỳ ở mỗi người! Nhưng rõ ràng hiện nay “ông Đá Nứt” ấy vẫn còn như muốn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. “Ông” nằm ngay trên lối đi từ Điện Bà sang chùa Hang. Có điều, đã có người đắp bồi thêm một khoảng mặt bằng bên ngoài, làm thêm lối đi mới rộng rãi hơn cho du khách. Nên có thể trong dòng khách đông đảo hội xuân có thể bỏ qua mà không thấy. Những người ở núi vẫn luôn tôn thờ ông Đá Nứt. Họ còn lập bàn thờ riêng gần đấy để thờ ông.

Ông Huỳnh Minh kể, ông là vị sư tổ thứ ba. Nhưng chúng tôi đã xem kỹ lại bảng danh sách “liệt vị Tổ sư khai sơn hoá đạo núi Điện Bà” trong sách Ngọn đuốc cửa thiền của Phan Thúc Duy (1957) thấy rằng, ông là vị tổ thứ hai mới đúng. Tổ thứ nhất- Thiệt Diệu- Liễu Quán còn ở đâu đó trên hành trình “Nam tiến”.

Người được coi là tổ sư đầu tiên đến “khai sơn hoá đạo” ở núi Bà Đen là sư tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu, còn được dân gian gọi là tổ Bưng Đỉa. Nguyên do là khi ông mới đến thấy các đồng bưng ven chân núi đỉa bơi lúc nhúc khiến dân tình rất khó khăn khi cải tạo bưng hoang thành ruộng lúa. Tổ mới lập đàn, cầu nguyện hay làm phép gì đó. Đến khi xuất hiện một đôi đỉa chúa rất lớn màu trắng hiện hình và bỏ trốn đi, thì bầy đỉa cũng đi theo. Từ đấy, người dân mới được dễ dàng trong sinh sống, làm ăn.

Theo “Ngọn đuốc cửa thiền” và cả “Tây Ninh xưa”, thì sư tổ Đạo Trung đến núi tu hành vào năm 1763. Đến năm 1794 ông mới rời núi về Thủ Dầu Một lập chùa Long Hưng. Chùa ấy đến nay vẫn còn, có mối quan hệ thân thiết với các chùa núi Bà.

Người kế tục sự nghiệp Phật pháp ở núi tiếp theo chính là sư tổ Tánh Thiền, còn gọi là Kim Tiên- Huệ Mạng. Đến gần đây, chúng tôi mới biết tháp mộ của ngài vẫn còn trên núi Bà Đen. Ở tại một dốc Thượng khác, từ chùa Hang đi xuống động Huyền Môn. Những cabin cáp treo đi lướt qua đây, có thể thấy rõ tháp mộ xây trên một ghềnh đá núi cheo leo kề bên dốc Thượng.

Tháp mộ đã được xây lại với ba tầng tháp có tiết diện hình “lục lăng”, mỗi tầng đều có mái ngói sáu đầu đao trang trí dáng rồng bay. Tại tầng tháp dưới cùng, có cửa như một ngôi miễu nhỏ. Trên đầu đắp nổi một tấm cuốn thư vàng, đắp 3 chữ đỏ: Tổ Huệ Mạng. Bên trong ấy mới chính là ngôi mộ cổ, với tấm bia khắc chữ Hán trên đá núi Bà.

Không ai, kể cả tác giả Phan Thúc Duy lẫn các vị sư trụ trì hiện nay trên núi biết chính xác thời gian Tổ Kim Tiên - Huệ Mạng trụ trì trên núi. Chỉ biết là ông đã trở thành vị sư tổ kế thừa, sau khi vị sư tổ thứ nhất Đạo Trung rời núi vào năm 1794.

Nếu Khu du lịch núi Bà suốt trong quá trình phát triển vẫn bám theo cái tục tâm linh là các ngôi chùa cùng các huyền thoại gắn liền với từng địa điểm; thì khu vực chùa Hang, từ Điện Bà sang tới động Huyền Môn chính là cái lõi của trục tâm linh đó. Không ở đâu có các huyền thoại về sự linh thiêng như ở đây.

Khi mà vừa có “Ông Đá Nứt”, vừa có mộ của người đã làm nên câu chuyện ấy. Sân chùa nhỏ hẹp, dốc đá chênh vênh, nhưng chính lại là nơi các chiến sĩ của quân dân Tây Ninh bám trụ vững chắc giữ núi qua hàng chục năm, bất chấp bom đạn, kể cả bom lửa, bom B-52 nhằm thiêu trụi núi Bà.

Nếu kể thêm cái dốc Thượng từ sau chùa Hang đi lên động núi Ba Cô, thì chùa Hang còn là một ngã ba. Lối về Điện Bà, lối xuống động Huyền Môn và lối đi lên động núi Ba Cô, nay cũng đã có một ngôi chùa tên gọi Quan Âm “toạ thiền” trên đá núi.

Muốn tới Quan Âm tự, phải vòng sau chùa Hang, có một dốc thượng dẫn ta lên. Đường quanh co qua những đá tảng, gốc cây muôn dáng hình kỳ dị. Có những dốc, khi ngước lên nhìn, thấy nản.

Vậy mà không gian đá và cây cứ cuốn hút ta lên. Để khi đã tới cổng rồi, ngước lên thấy ngay một ông Đá Nứt vẫn kiên gan, với vết nứt đôi có thể luồn ngón tay vào, vẫn vững vàng khi tựa vào các tảng đá khác đang rướn mình nâng đỡ.

Dưới cái tảng đá nứt, to cỡ một ngôi nhà cấp 4 ấy, chính là cái động núi ngày xưa, nơi có ba chị em nhà kia quyết dứt “nẻo hồng trần” lên núi tu hành. Câu chuyện chưa xa xôi lắm, mới từ những năm đầu thế kỷ 20 thôi, mà nay nghe đã như huyền thoại.

Ông Đá Nứt ở chùa Hang.

Lên Quan Âm tự, ngoài chùa và động núi, du khách có thể còn được “thưởng hoa lan” trong một ngôi nhà gỗ mái ngói kiểu truyền thống, cất ở sau chùa. Hoa lan đong đưa trước mái với đủ loại lan rừng trổ các màu hoa và hương thơm dịu dàng lan toả.

Thì bên trong lại là các tác phẩm nghệ thuật tạo từ tre, gỗ núi Bà với đường nét, dáng hình sắc sảo, điệu nghệ không kém phần nào với các triển lãm Phật giáo từng có ở các thành phố lớn trung tâm đất nước. Thích thú nhất là chân dung các vị bồ tát, như Sư tổ Đạt Ma hiện lên sinh động qua những gốc tre tàu cỡ lớn, đây là sản phẩm của chính các ni cô trụ trì trên Quan Âm tự- động Ba Cô.

Lên núi, vượt qua những địa điểm vừa kể càng nhận thức rõ điều đã nói. Đấy là các dốc Thượng như những thử thách với con người; mà khi ta vượt qua rồi, bỗng thấy trước mắt mở ra một trang truyện mới. Từng trang truyện của núi Bà cứ thầm thì cùng đá núi, cây rừng kể cho ta nghe từ hiện thực trước mắt đến những trang huyền sử ngày xưa.

Sau những dốc Thượng. Người ta dễ có cảm giác y như nhà văn Biến Ngũ Nhi đã viết sau chuyến lên hội xuân núi Điện Bà vào năm 1921. Rằng: “Tai chỉ nghe tiếng chuông ngân vang núi, chim chóc hót ngọn cây, lời thị phi vắng bặt thì quên hết sự tranh đua trong thế sự, ngỡ mình đã thoát khỏi cuộc phàm trần…”.

Xin khép lại câu chuyện này bằng lời văn của người đã viết từ 101 năm trước.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục