Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những đồng vốn nghĩa tình
Thứ hai: 21:07 ngày 08/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa chụm lửa nồi bánh ít, bà Nguyễn Thị Gô (sinh năm 1953, ngụ ấp Suối Cao A, xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu) vừa cho biết, hồi trẻ bà chuyên đi làm mướn, từ lặt đậu phộng, hái đậu xanh, cắt lúa, bẻ bắp, hái ớt, thu hoạch hoa màu…

Những năm gần đây tuổi đã cao, cộng thêm phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn xã nhường chỗ cho khu công nghiệp, nên công việc nhà nông ngày càng thu hẹp, bà không còn đi làm mướn được nữa. Ðể nuôi sống gia đình, bà Gô chuyển sang nghề gói bánh ít bỏ mối tại chợ xã Phước Ðông.

Ngoài việc gói bánh ít bỏ mối, bà Gô còn nhận gói bánh ít, bánh ú, bánh tét... theo đơn đặt hàng. Lúc mới ra nghề gói bánh, gia đình bà thiếu thốn đủ thứ, có khi khách hàng đặt bánh nhiều bà phải chạy đi vay tiền, hoặc mua thiếu nguyên liệu, có lúc không đủ dụng cụ để nấu bánh...

Biết được hoàn cảnh của bà Gô, năm 2018, Hội LHPN xã Phước Ðông vận động mạnh thường quân giúp đỡ bà 3 triệu đồng làm vốn. Có được khoản vốn này, bà Gô mua thêm dụng cụ và nguyên liệu để phát triển nghề gói bánh. Hiện nay, mỗi ngày bà gói được 300 cái bánh ít bỏ mối cho những người buôn bán nhỏ. Trừ các khoản chi phí, bà Gô có thu nhập từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày. Với khoản thu nhập này, cuộc sống gia đình bà được ổn định hơn trước rất nhiều.

Bà Gô với công việc hằng ngày.

Ngoài bà Gô, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN xã Phước Ðông vận động mạnh thường quân hỗ trợ vốn phụ nữ khởi nghiệp cho gia đình 4 chị nữa, với mức 3 triệu đồng/chị. Nhờ có nguồn vốn này, các chị vượt qua khó khăn. Nhà ở ấp Phước Ðức B, chị Nguyễn Thị Phương làm nghề mua bán phế liệu. Hằng ngày, chị cọc cạch đạp xe đi các nơi tìm mua hàng.

Ðạp xe mệt nhọc, không đi được xa, cũng không thể chở được nhiều đồ, chị Phương luôn ước mơ có được một chiếc xe gắn máy cũ để “làm chân”. Năm 2018, ước mơ của chị thành hiện thực khi các cấp Hội Phụ nữ đã xem xét hỗ trợ chị số vốn 5 triệu đồng để mua xe gắn máy. Nhờ có xe gắn máy, chị Phương đi mua bán phế liệu thuận tiện và có thu nhập cao hơn. Cuộc sống gia đình chị ổn định, chị mua được xe đạp điện cho con đi học.

Gia đình chị Lê Thị Mí, ở ấp Phước Ðức A, sống bằng nghề tráng bánh tráng. Trước đây, chị cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn mua nguyên vật liệu. Năm 2017, Hội Phụ nữ xã và huyện cùng với Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG xem xét cho chị mượn không tính lãi số tiền 15 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Có vốn, gia đình chị Mí mua thêm dụng cụ và vật liệu mở rộng sản xuất.

Từ đó đến nay, mỗi ngày gia đình chị có thu nhập từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng từ nghề tráng bánh tráng. Không riêng gì gia đình chị Mí, ở xã Phước Ðông còn có nhiều hộ làm nghề tráng bánh tráng được hỗ trợ vốn không tính lãi. Cụ thể trong 2 năm 2017 và 2018, Hội LHPN xã và huyện cùng với Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG xem xét cho mượn vốn không tính lãi cho 25 hộ, mỗi hộ 15 triệu đồng (tổng cộng 375 triệu đồng).

Thời hạn cho mượn 2 năm, và trả dần 4 lần (mỗi năm 2 lần). Ðược giúp vốn, những hộ làm nghề tráng bánh rất phấn khởi, ai cũng sử dụng đúng mục đích, mở rộng được sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và hoàn trả khoản tiền theo từng đợt đúng như quy định.

Từ khi xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu có khu công nghiệp đi vào hoạt động, nhiều lao động trẻ đã tìm được việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lao động nữ quá tuổi lao động khó tìm việc làm trong khu công nghiệp. Những đồng vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Phụ nữ xã Phước Ðông đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho họ có thể phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

NGUYỄN MÌ - N.H

Tin cùng chuyên mục