Ba tháng hè là khoảng thời gian khá dài để các em học sinh có thể vui chơi sau một năm học đầy căng thẳng. Nhưng không phải học sinh nào cũng có may mắn được vui chơi thoả thích vào dịp hè. Ở vùng nông thôn, hè là thời gian mà nhiều em phải nỗ lực mưu sinh để có tiền trang trải cho năm học mới.
Giữa trưa, Manh vẫn phải dang tấm thân nhỏ bé ngoài trời nắng cháy trở từng bó chổi đang phơi trên sân, để làm cho chổi mau khô hơn. Nhà Manh nghèo, ba mất sớm, trong căn nhà tình nghĩa chỉ có hai mẹ con côi cút. Mùa hè của Manh không phải là những ngày rong ruổi vui chơi, mà là những ngày ra đồng hoặc lên rừng cùng mẹ.
|
Góc học tập của Kim Manh |
Mỗi ngày hè là mỗi ngày dãi nắng dầm mưa, để có thêm ít tiền mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Nguyện vọng của cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Kim Manh, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Gò Nổi (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành), đơn giản là vậy nhưng em phải lao động cật lực mới có được.
Manh kể: “Lúc mẹ đi làm, em ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Thứ bảy, chủ nhật em cùng mẹ đi rừng chặt chổi. Sau một ngày ở rừng về mệt quá, có bữa em ngủ quên luôn, quên cả học bài, vào lớp bị cô kêu trả bài, xấu hổ quá chừng luôn”.
Hè này, Manh tập tành bó chổi. Những cây chổi nhiều gai nhọn có khi làm em sướt tay rướm máu nhưng Manh vẫn cố gắng để phụ mẹ được nhiều hơn. Hết hè, em đã là học sinh lớp 5 rồi, nên sẽ cần mua nhiều thứ cho năm học mới. Những cây chổi sẽ giúp em có tiền mua tập sách.
Manh cố gắng học để theo kịp bạn bè, nhất là để thực hiện ước mơ sẽ trở thành cô giáo giống như cô chủ nhiệm của em. Sau những lúc làm chổi, em lại dành thời gian ôn bài, tự nhủ là sẽ cố gắng năm sau trở thành học sinh giỏi.
Cũng như Manh, em Trần Thị Tuyết Trinh, cũng là học sinh Trường tiểu học Gò Nổi là con trong một gia đình thuộc diện nghèo theo chuẩn Trung ương. Cả gia đình Trinh đang phải ở đậu nhà người bà con. Ba Trinh đau ốm thường xuyên. Mẹ em vì không chịu nổi cái nghèo, cái khổ nên đã âm thầm bỏ bốn cha con ra đi.
|
Công việc thường ngày của Tuyết Trinh |
Không có mẹ, mới học lớp 4, Trinh đã ý thức được vai trò của mình trong gia đình. Hằng ngày, em dọn dẹp nhà cửa, dạy hai em học để chia sẻ gánh nặng gia đình với cha.
Ba Trinh dù bệnh tật nhưng cũng ráng làm mướn, làm thuê nuôi con. Thấy ba cực nhọc, ba chị em Trinh theo ba đi làm khi thì bẻ ớt, lúc thì hái hàng bông. Tối tối, người cha lại đi soi cá, soi ếch kiếm thêm miếng ăn cho các con.
Thấy ba quá vất vả khổ cực, nhiều lần Trinh có ý định nghỉ học để bớt đi gánh nặng cho cha. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến chuyện đó nước mắt của người cha lại cứ chực trào ra, và Trinh lại nghe theo lời ba dạy phải ráng học để mai này nhờ tấm thân.
Khi chúng tôi đến nhà, Trinh đang chặt củi ngoài sân. Đôi bàn tay nhỏ xíu dùng hết sức lực để tách đôi cây củi lớn hơn tay. Mái tóc của em qua nhiều ngày phơi nắng, phơi mưa đã chuyển sang đỏ hoe. Tuy cực nhọc như vậy nhưng Trinh vẫn cố gắng học. Năm học vừa qua, em được nhận giấy khen và 7 quyển tập. Trinh mừng lắm nhưng vẫn cứ lo năm sau đã là học sinh lớp cuối cấp rồi, liệu có đủ tiền để mua tập sách chuẩn bị cho năm học mới hay không?
Em Phan Thị Mỹ Lộc, lớp 4, Trường tiểu học Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) thì có may mắn hơn vì được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà và mẹ. Khi Lộc chào đời cũng là lúc ba mẹ chia tay nhau. Nay đã 10 tuổi nhưng Lộc vẫn chưa được một lần gặp ba. Khoảng hai ba năm nay, mẹ Lộc xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp Trảng Bàng, Lộc ở nhà với bà ngoại. Bà ngoại gần 60 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên sức khoẻ mỗi ngày một yếu đi. Tuy vậy bà vẫn ráng hết sức mình để lo cho đứa cháu gái tội nghiệp.
|
Hằng ngày, Mỹ Lộc phụ bà phơi lông vịt |
Trong xóm Bình Hoà của Lộc có một cơ sở nhổ lông vịt thuê. Thấy bà cháu Lộc vất vả, người chủ cơ sở cho lông vịt để hai bà cháu phơi bán. Ngày nào Lộc cũng phụ bà phơi lông vịt. Ngày nắng chỉ cần phơi một ngày là khô, còn ngày mưa thì có khi ba bốn ngày mới khô một đệm. Bình quân mỗi tuần, hai bà cháu bán được từ 100.000 đến 120.000 đồng. Lúc chúng tôi đến thăm, bà cháu Lộc còn đang phơi lông vịt ngoài đường. Căn nhà nhỏ chỉ có một cái giường, không cả chỗ cho khách ngồi. Hỏi Lộc học bài chỗ nào, em chỉ cái giường.
Tôi hỏi: Nếu được một điều ước, Lộc sẽ ước gì? Không một giây suy nghĩ em nói liền: “Em muốn mẹ khoẻ mạnh, làm việc tốt, nuôi em đi học để em được làm cô giáo”.
Ngày hè của những học sinh nghèo là vậy- những buổi sáng theo cha, theo mẹ ra đồng hoặc tự mình lăn lộn kiếm sống, mong dành dụm chút ít tiền chuẩn bị cho năm học mới. Con đường đến trường của các em đầy dẫy những nhọc nhằn...
Huệ Trí - Công Luận