Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những giá trị văn hoá của làng Kà Ốt
Thứ bảy: 00:08 ngày 18/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuy đời sống kinh tế phát triển, tính hiện đại lan toả không ít, nhưng Kà Ốt vẫn giữ được dáng xưa của một phum Khmer cổ. Trong ấp còn 20 ngôi nhà sàn được xây dựng theo phong cách Khmer.

Đám rước quanh chánh điện.

Nếu tính từ trung tâm thị trấn Tân Châu chạy theo trục đường 785 tới xã Tân Đông, rẽ qua hướng chợ Kà Tum đến đầu ấp Đông Tiến, xong tiếp tục rẽ trái đi thêm khoảng 1km nữa thì sẽ đến Kà Ốt. Tổng cộng con đường từ Đồng Pal đến Kà Ốt chừng 20km.

Kà Ốt là một ấp tập trung người Khmer sinh sống. Theo điều tra mới nhất, Kà Ốt có 167 hộ dân, trong đó có 159 hộ Khmer và 8 hộ người Kinh, tổng cộng 716 nhân khẩu. Kà Ốt có rất nhiều điểm đặc biệt, từ tên làng cho đến các nếp văn hoá truyền thống.

Kà Ốt là địa danh gốc Khmer, xuất phát từ mộc danh “Đơm K’ot” tức là cây vang, một loài thực vật thân gỗ nhỏ, cao khoảng 5-10m, cho gỗ rất rắn, có màu đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài, được tìm thấy nhiều ở khu vực Đông Nam Á.

Đi một vòng quanh làng Kà Ốt mới thấy thú vị làm sao. Tuy đời sống kinh tế phát triển, tính hiện đại lan toả không ít, nhưng Kà Ốt vẫn giữ được dáng xưa của một phum Khmer cổ. Trong ấp còn 20 ngôi nhà sàn được xây dựng theo phong cách Khmer. Những ngôi nhà sàn này hầu hết được bà con làm từ khoảng ba mươi năm trước, cho đến nay, các gia chủ vẫn giữ gìn hình ảnh đặc thù cho làng ấp, muốn cất một ngôi nhà sàn bằng gỗ là chuyện không hề dễ.

Bên cạnh những ngôi nhà sàn cũ là những ngôi nhà tường mới như pha trộn giữa hiện đại và cổ xưa. Kà Ốt có tổng cộng 6 tổ, nối liền các tổ là những con đường khang trang. Ấp Kà Ốt được chia làm hai phần, giữa là con đường nhựa cắt qua đường 792, và nối liền với ấp Tầm Phô.

Ngoài ra, có một con đường bê tông sau chùa thuộc tổ 1-2, còn tất cả đều là đường đất. Nhà của bà con Khmer hầu hết không xây tường rào, hàng rào chỉ làm mang ý nghĩa tượng trưng, các gia đình không biệt lập mà thể hiện tính cộng đồng rất cao.

Các con đường ngang dọc thường chạy cặp theo ranh đất, hai bên đều có cây phủ bóng mát. Các con đường này do trâu bò đi nhiều năm nên bị khuyết xuống, mùa nắng thì đầy cát, mùa mưa thì tạo thành những đường nước chảy thoát xuống ruộng.

Về văn hoá tín ngưỡng dân gian, làng Kà Ốt theo truyền thống của người Khmer. Nhà nào cũng có một bàn thờ trước sân. Loại bàn thờ này được làm bằng xi măng, đúc dưới dạng một ngôi tháp có chân đế cao hơn 1m.

Thờ Neakta (Ông Tà) thì trong làng có tổng cộng ba ngôi miếu. Neakta chùa được thờ cặp bờ rào của chùa theo hướng Tây - Bắc. Đây là vị tà có nhiệm vụ trông coi mọi việc trong chùa như đề phòng trộm cắp, ma quỷ quấy phá, và phù hộ sức khoẻ cho các sư…

Phía sau ruộng có một ngôi miếu thờ Neakta Srốk (Tà xóm làng), vị tà này có nhiệm vụ cai quản mùa màng và công việc đồng áng của bà con. Lễ cúng Neakta Srốk thường được bà con tổ chức rất long trọng vào dịp trước Tết Chol Chnam Thmay.

Ngoài hai ngôi miếu trên, còn có một ngôi miếu nhỏ ở bên bờ suối Nước Đục. Ngôi miếu này thờ Neakta Prêk (Tà Suối). Vị tà này có nhiệm vụ trông coi nguồn nước, vì nguồn nước vô cùng quan trọng trong nông nghiệp của bà con Khmer xưa nay. Ngoài thờ tà, người Kà Ốt còn thờ Á Rặc. Theo bà con ở đây, Á Rặc được hiểu là vị thần giữ gìn, bảo vệ cho dòng họ gia đình hoặc làng xóm.

Người Kà Ốt còn giữ gìn nhiều nghi lễ liên quan tới Phật giáo Nam Tông Khmer mà trung tâm sinh hoạt chính là ngôi chùa Kiri Sattray Menchey toạ lạc ngay tại đầu làng. Quần thể kiến trúc chùa, tượng toạ lạc trong một khu đất khá rộng, có cả rừng cây và tre rất đẹp.

Ngôi chánh điện được xây trên một nền cao vuông vức, có bậc thang đi lên ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Nhưng hướng chính của ngôi chánh điện vẫn là hướng Đông. Ngôi chánh điện xây theo phong cách các chùa Khmer truyền thống, tuy không có nhiều tầng mái, nhưng vẫn là mái nhọn, lợp ngói, trên có trang trí các đầu rồng trông rất tao nhã.

Phía trước sảnh của chánh điện vẽ một bức tranh trong tích Đức Phật đang chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như trông rất sống động. Bên trong chánh điện bài trí các đồ thờ và các tư thế của tượng Thích Ca Mâu Ni một cách trang nghiêm và đúng theo triết lý văn hoá Phật.

Mặt phía sau chánh điện là bức tranh 5 vị phật, trong đó có 4 vị đã thành quả phật theo thời gian, một vị chưa đắc quả là Di lặc (còn mặc thần phục). Bên trái của ngôi chánh điện là ngôi tháp thờ cốt của các nhà sư đã viên tịch và cốt của phật tử. Có một điều đặc biệt người Khmer ở đây sau khi mất họ không thực hiện nghi lễ hoả thiêu như bà con Khmer ở Tây Nam bộ, mà họ chôn như người Việt, rồi sau đó mới lấy cốt đưa vào chùa.

Sau ngôi chánh điện là khu bài trí các pho tượng. Nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca to lớn trong tư thế kết ấn xúc địa ngồi trên một bệ cao. Phía bên trên là bánh xe pháp luân có tám nhánh căm tượng trưng cho bát chánh đạo. Hai bên tôn tượng là hai con kỳ lân được chạm trổ khá công phu tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ tầng trên. Phía sau là hai tượng Yeak (chằn), một đực và một cái, tay chống chày vồ canh giữ như thần hộ pháp, xua đuổi cái ác cái xấu ra khỏi nơi chánh đạo.

Đâu lưng với tôn tượng Thích Ca là tượng một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Khmer, đó là tượng bà Mẹ Đất, vị thần chứng giám cho sự thành đạo của đức Phật. Sau cùng là bàn thờ chư thiên. Ngôi sala và liêu thất xây lệch ra hai góc sân phía sau chùa trông rất đẹp. Hằng năm, ngôi chùa là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hoá đậm màu sắc của bà con Khmer trong xã như lễ tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sel Dolta, dâng y Kathina… rất đông vui, hoành tráng.

Bên cạnh gìn giữ những giá trị văn hoá tinh thần, chùa Kiri Sattray Menchey còn là nơi lưu giữ những nông cụ cổ xưa của người Khmer. Đó là những cày bừa, liềm cắt lúa, dụng cụ bắt cá, dụng cụ dệt vải, ống lấy nước thốt nốt… và đặc biệt là chiếc xe cà-rẹc (kiểu xe trâu đặc trưng của người Khmer).

Chiếc xe này không phải dùng để vận tải nông sản, mà dùng trong các đám rước lễ xưa kia. Tất cả những đồ vật này không phải dễ tìm. Để có được nó, ban hộ tự và các sư phải qua tận các làng hẻo lánh của Vương quốc Camphuchia tìm kiếm và mua lại, đây là bộ sưu tập có một không hai. Nhà nông ngày nay không còn cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau nữa, các công việc đều được cơ giới hoá gần như hoàn toàn.

Chính vì vậy, những nông cụ cổ truyền không sử dụng thường xuyên nữa, nó như đã hoàn thành sứ mệnh và dần lui vào quá khứ của đời sống hiện đại. Việc sưu tầm, lưu giữ, trưng bày nó không phải chỉ để cho vui mắt, mà còn mang một ý nghĩa giáo dục. Các thế hệ trẻ hôm nay nhìn vào đó có thể hiểu và hình dung được cuộc sống của ông cha mình đã trải qua ngày trước.

Để có gạo thóc, cá tôm, vải sợi, đường thốt nốt… người xưa phải dùng các dụng cụ thô sơ này, bức tranh cuộc sống gian lao không chỉ là hoài niệm mà còn giúp cho mọi người biết yêu thương xóm làng, dòng tộc của mình hơn. Từ đó cố gắng, học tập, rèn luyện để xây dựng gia đình, quê hương mình giàu đẹp hơn.

Xe trâu.

Nếu như người Khmer ở biên giới Châu Thành tự hào với nghề nấu đường truyền thống, người Khmer Hoà Hiệp với nghề tạc tượng, người Khmer Bàu Ếch với điệu Chhay-dăm độc đáo… thì người Kà Ốt tự hào với việc lưu giữ nhiều giá trị văn hoá cổ truyền.

Có đến Kà Ốt mới thấy bà con ở đây sống rất hiền lành thuần hậu, mọi người đều chí thú làm ăn, xóm làng yên bình không có tệ nạn xã hội. Có đến Kà Ốt mới thấy được một già làng Nách Chan luôn tận tâm với mọi người, một trưởng ấp Cao Văn Xây luôn đau đáu với việc xây dựng đời sống xóm làng, một cô giáo Chan Nên hết lòng vì trẻ em… Tất cả họ đều chung tay vì Kà Ốt hôm nay. Có thể nói, Kà Ốt là một ấp văn hoá của miền biên giới Tân Châu.

Bút ký: Đào Thái Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục