Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vượt qua một học kỳ, một lớp học, với các em, không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn cả nghị lực vượt lên chính mình. Có những khi đầu óc căng thẳng với bao ký ức buồn. Song, các em đã nén lại, cố gắng nhìn về phía trước, tiếp tục học bằng hết sức mình.
Em Phạm Huỳnh Châu phụ mẹ cạo hột điều kiếm tiền nuôi em.
Cuối năm 2021, học bổng Nguyễn Thị Bé- người nữ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của quê hương Gò Dầu, được thành lập. Đến năm 2022, lần đầu tiên học bổng dành trao cho 18 em học sinh nữ của 9 huyện, thị xã, thành phố khó khăn về kinh tế và là những trẻ mồ côi, thiếu vắng tình cảm gia đình vì cha mẹ chia tay, sớm phải lo toan mọi chuyện trong nhà... Dù khó khăn, các em luôn cố gắng vươn lên, học tập thật giỏi với ước mơ có một tương lai tươi sáng hơn.
Sẽ là chỗ dựa cho mẹ và chị
Em Phạm Huỳnh Châu (ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh) là một trong hai trường hợp được huyện Gò Dầu xét đề nghị trao học bổng lần này. Huỳnh Châu học lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo. Mẹ của Châu bị nặng tai, giao tiếp khó khăn, nhưng hằng ngày phải chăm sóc chị của Châu bị bệnh bại não.
Nhiều năm qua, việc học của Châu đều do một tay người dì ruột lo, từ việc mua sắm tập vở, đồng phục đến đi họp phụ huynh. “Chị của Châu bị bệnh gần 20 năm rồi. Cháu không làm được gì hết, tôi phải trông chừng, vừa chăm sóc cháu vừa nhận cuốn bánh tráng, cạo hột điều kiếm tiền mua thuốc cho con, mỗi tháng tốn gần 2 triệu đồng. Nhờ có dì út lo phụ từ lúc Châu còn nhỏ, nếu không chắc cháu không được đi học”- mẹ của Huỳnh Châu ngậm ngùi.
Ba mẹ chia tay, chị bị bệnh, mẹ sức khoẻ kém, dì út cũng không giàu có, chỉ là nhân viên của một trường mầm non ở xã. Nhưng vì thương cháu, dì gồng gánh, Châu ý thức được điềuđó nên luôn cố gắng học tập. “Chỉ có học thật giỏi để sau này có tương lai” là những điều Châu nghĩ đến khi ngồi vào bàn học.
“Em mong mẹ và chị khoẻ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này ra trường tìm được việc, lo cho mẹ, cho chị và không phụ lòng người dì đã lo lắng bao lâu nay”- Huỳnh Châu nói.
Cố gắng không để ngoại buồn
Cô bé Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THCS thị trấn Dương Minh Châu có dáng người mảnh khảnh, sống cùng bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ ở khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu. Ba mẹ Nhung chia tay khi em còn nhỏ, mẹ bước thêm bước nữa, để Nhung sống cùng ông bà ngoại. 4 năm trước, ông ngoại mất vì bạo bệnh, bà ngoại cũng yếu dần.
15 tuổi, Nhung đã biết cách chăm sóc cho người bệnh, từ việc tắm rửa, đút ăn và dọn vệ sinh. Có những ngày, mẹ về nhà lo cho bà, nhưng nhiều hôm, chỉ mình Nhung với bà. Trên chiếc giường nhỏ, bà ngoại nằm bên ngoài, em nằm phía trong.
Nằm bên ngoại để theo dõi từng hơi thở của bà, bất cứ cử động nào của bà em đều để ý. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng có những đêm, em cứ thao thức vì tiếng trở mình đau nhức của bà.
Có hôm bà trở nặng, không ngồi dậy được, mọi chuyện vệ sinh cá nhân của bà Nhung đều lo. Không có nhiều thời gian học thêm, về nhà lại lo cho ngoại, nhưng Nhung không để ảnh hưởng đến việc học của mình. Những năm qua, em luôn là học giỏi của lớp.
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung nhiều năm là học sinh giỏi.
“Bà đã lo cho em nhiều rồi. Bây giờ em lớn, em lo cho bà được mà. Em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa, để ngoại vui”- Hồng Nhung bộc bạch.
Mong mẹ khoẻ mạnh
Trong căn nhà nhỏ ở ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, Nguyễn Trương Mỹ Anh đang ôn bài cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trong khi các bạn đồng trang lứa đang làm hồ sơ chuẩn bị bước tiếp vào ngưỡng cửa đại học, thì Mỹ Anh (lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) lại nghĩ đến việc phải đi làm có thu nhập chăm sóc mẹ.
Nói về dự định trong tương lai, Mỹ Anh quay mặt giấu giọt nước mắt chực trào. “Em muốn trở thành phiên dịch viên tiếng Nhật. Nhưng trước mắt, ba mẹ không lo nổi, em sẽ đi làm và học tiếng Nhật. Sau này mẹ khoẻ, em sẽ học lên nữa, chắc cũng không muộn”- Mỹ Anh nói.
Mỹ Anh không còn lựa chọn nào khác khi mẹ em đang bệnh nặng. Nhà không có ruộng đất, nhiều năm qua, ba mẹ Mỹ Anh đi làm ở Bình Dương để kiếm tiền lo cho gia đình. Ba em là lao động tự do, mẹ làm công nhân. Mỹ Anh ở nhà với bà nội và đứa em 5 tuổi cùng người bác bị dị tật bẩm sinh và người cô bệnh tâm thần.
Mỗi tháng, ba mẹ dành dụm tiền gửi về cho bà nội lo cho cả nhà. Dù không dư dả nhưng cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng, trong lần điều trị bệnh Covid-19, bác sĩ phát hiện mẹ em mắc bệnh ung thư. Hơn nửa năm nay, mẹ nhập viện, ba bỏ việc nuôi mẹ ở Bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh, số tiền lo cho mẹ cứ tăng dần.
“Ước mơ duy nhất của em bây giờ là mẹ khỏi bệnh. Phía trước có khó khăn thế nào em cũng sẽ vượt qua” - Mỹ Anh tâm sự.
Em Nguyễn Trương Mỹ Anh với ước mơ trở thành phiên dịch tiếng Nhật
“Em sợ mình đi xa, nội mất”
Căn nhà tình nghĩa ở khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh là nơi bà Võ Thị Năm đùm bọc 2 đứa cháu nội, em Nguyễn Thị Thảo Trinh (lớp 12, Trường THPT Tây Ninh, thành phố Tây Ninh) và em trai đang học lớp 7. Bà Võ Thị Năm là vợ liệt sĩ, năm nay đã 83 tuổi.
Trước đây, cả gia đình Trinh sống cùng bà nội, nhưng ba mẹ Trinh chia tay đã 6 năm. Hằng ngày, ba em hái măng mang về cho bà nội luộc bán, lo cho hai chị em Trinh ăn học. Cách đây 2 năm, lúc Trinh học lớp 10, ba em bị đột quỵ rồi qua đời. Vậy là bà nội vừa làm bà, làm mẹ và cả làm cha, dạy dỗ, nuôi dưỡng 2 đứa cháu.
“Hồi xưa ba của bà bị Tây bắn, bà mồ côi từ năm 6 tuổi. Rồi tới ba tụi nhỏ cũng mồ côi cha. Giờ là tụi nó. Đau lắm. Bà già rồi, không làm gì lo được cho tụi nhỏ, nhưng ở gần trông chừng, đỡ đần được chút ít cho tụi nó. Ở nhà bà bắc giùm nồi cơm, đi học về cũng có cái ăn, chứ không có mình, tụi nó cứ ăn mì gói, bánh mì qua bữa riết sao có sức mà học hành gì được” - bà Năm ngậm ngùi.
Em Nguyễn Thị Thảo Trinh bên bà nội.
Hiện nay, chuyện học của chị em Trinh trông chờ vào tiệm bánh canh xắt của mẹ em bán ở thị xã Trảng Bàng. Nhưng tiền thuê mặt bằng, tiền góp mua vật dụng… tính ra mỗi tháng chẳng còn bao nhiêu. Trinh biết, hoàn thành được chặng đường 3 năm phổ thông là cả sự nhọc nhằn với mẹ. Em muốn mẹ nhẹ gánh lo cho đứa em trai với cả quãng đường dài phía trước.
“Đi học lên nữa chắc là mẹ em không lo nổi đâu. Với lại em cũng không muốn đi xa. Em muốn tìm việc làm gần đây, rồi học thêm tiếng Hoa để thuận lợi tìm việc sau này. Em muốn ở gần nội. Em sợ em đi xa, nội mất, giống ba em”- giọng Thảo Trinh nghèn nghẹn.
Vượt qua một học kỳ, một lớp học, với các em, không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn cả nghị lực vượt lên chính mình. Có những khi đầu óc căng thẳng với bao ký ức buồn. Song, các em đã nén lại, cố gắng nhìn về phía trước, tiếp tục học bằng hết sức mình.
Mong rằng, học bổng Nguyễn Thị Bé sẽ tiếp sức để các em có thêm động lực bước tiếp con đường mình ước mơ; để không em nào vì khó khăn mà dở dang những dự định tương lai.
Học bổng Nguyễn Thị Bé do Hội LHPN tỉnh khởi xướng và nhân rộng từ Hội LHPN huyện Gò Dầu, đồng thời vận động gia đình, người thân của liệt sĩ - Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Bé thành lập và chính thức ra mắt tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV với số tiền ban đầu 1 tỷ đồng.
Đến nay, Hội tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đóng góp nhằm phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức và hội nhập, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và quê hương Tây Ninh.
Học bổng gồm 2 loại:
Học bổng toàn phần: Áp dụng cho các bậc học từ THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học, chương trình/khoá đào tạo, lớp đào tạo nghề. Bao gồm: học phí, cùng một khoản tiền hỗ trợ cho sinh hoạt phí (tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền bảo hiểm, tiền tài liệu, vật dụng học tập và nghiên cứu...).
- Bậc THCS: Không quá 8 triệu đồng/người/4 năm học.
- Bậc THPT: Không quá 12 triệu đồng/người/3 năm học.
- Trung cấp hoặc tương đương: Không quá 12 triệu đồng/người/khoá học.
- Cao đẳng: Không quá 20 triệu đồng/người/khoá học.
- Đại học: Không quá 40 triệu đồng/người/khoá học.
- Chương trình/khoá đào tạo, lớp đào tạo nghề: Không quá 5 triệu đồng/người/khoá học.
Học bổng một phần: Áp dụng cho các bậc học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, chương trình/khoá đào tạo, lớp đào tạo nghề, bao gồm: học phí hoặc một phần học phí hoặc một khoản hỗ trợ nhất định. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Ban Điều hành xem xét, quyết định từng trường hợp, nhưng không vượt quá mức chi học bổng toàn phần.
Ngọc Diêu