Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những hình ảnh quý từ “Ngòi pháo chín tháng giêng”
Thứ sáu: 07:54 ngày 04/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mở đầu phần “Ngòi pháo chín tháng giêng” là 2 bức ảnh chính chụp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bằng thủ bút của Bác Hồ viết ngày 10.12.1946 và bức ảnh toàn cảnh Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Ðại Từ (Thái Nguyên).

Dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2011), Nhà xuất bản Trẻ đã xuất bản tập sách lịch sử bằng ảnh có tựa đề “Ðáp lời sông núi”. Tập sách gồm hơn 500 trang in trên khổ 24x29cm tập hợp hơn 2.000 bức ảnh tư liệu quý cùng các tài liệu lịch sử, trên các phương tiện truyền thông, trong sưu tập của cá nhân, tập thể phản ánh về phong trào thanh niên và hoạt động Ðoàn Thanh niên trên địa bàn Sài Gòn - Gia Ðịnh trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ðây là một công trình đồ sộ đã khắc hoạ toàn bộ những hành động thể hiện lòng yêu nước của nhiều tổ chức thanh niên Việt Nam.

Tập sách ảnh lịch sử “Ðáp lời sông núi” được chia thành 5 phần lớn bắt đầu từ sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi từ miền Trung vào Sài Gòn rồi ra đi tìm đường cứu nước. Riêng phần 3 của tập sách thể hiện rất đậm quá khứ hào hùng của các thế hệ thanh niên sẵn sàng chấp nhận hy sinh đứng lên đáp lời sông núi có tên “Ngòi pháo chín tháng giêng” từ trang 95 đến trang 118. Trong phần này có hơn 100 bức ảnh sống động ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quý giá về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn trong thời kỳ 1946-1954.

Mở đầu phần “Ngòi pháo chín tháng giêng” là 2 bức ảnh chính chụp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bằng thủ bút của Bác Hồ viết ngày 10.12.1946 và bức ảnh toàn cảnh Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2 năm 1950 tại Ðại Từ (Thái Nguyên).

Diễn biến lịch sử của giai đoạn đấu tranh này được chú thích như sau: Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1949, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra chống độc lập giả hiệu của chính quyền thực dân Pháp, đòi độc lập thực sự gắn với khẩu hiệu đòi học bằng tiếng Việt trong các nhà trường. Chi bộ học sinh Sài Gòn quyết định trao cho Trường Pétrus Ký làm nòng cốt tổ chức biểu tình, đưa ra những yêu sách cụ thể và yêu cầu Nha học sinh Nam Việt giải quyết dứt điểm. Thế là từ 7 giờ 30 sáng 9.1.1950, các trường đồng loạt cử phái đoàn đại diện đến Nha học sinh.

Sự kiện này được ghi lại bằng nhiều bức ảnh sinh viên học sinh biểu tình bạo động trên đường phố, phần ảnh cảnh sát đàn áp dẫn đến cái chết của học sinh Trần Văn Ơn. Tiếp theo là hàng loạt bức ảnh về đám tang Trần Văn Ơn và lễ truy điệu được tổ chức nhiều trường học trên cả nước. Có những bức ảnh ghi lại được sự có mặt của những nhân vật quan trọng đến dự đám tang Trần Văn Ơn như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Xuân Ẩn…

Những người này sau là những nhà cách mạng lỗi lạc của đất nước. Có những bức ảnh, các biểu ngữ của học sinh sinh viên trong quang cảnh đám tang lịch sử này như “Bạn dầu thác tên bạn muôn đời còn sống”, “Chết vì nghĩa tinh thần còn đó- Sống vô nhân hồn xác mất đi”. Báo chí thời ấy viết ước lượng lúc bấy giờ có đến 300 ngàn người xuống đường dự đám tang học sinh Trần Văn Ơn tức hơn 1/6 dân số Sài Gòn- Gia Ðịnh lúc ấy (dân số chưa đến 2 triệu người).

Phần “Ngòi pháo chín tháng giêng” trong tập sách ảnh được kết thúc bằng hai bức ảnh tượng đài Trần Văn Ơn tại bờ hồ Trúc Giang thành phố Bến Tre và tượng Trần Văn Ơn tại đường Lý Tự Trọng- thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện lịch sử kể trên quả là một “ngòi pháo” cách mạng của thanh niên Việt Nam. Tại Ðại hội toàn quốc lần thứ I của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2.1950 tại Thái Nguyên đã quyết định lấy ngày 9.1 hằng năm làm ngày truyền thống của học sinh sinh viên Việt Nam.

VĂN TÀI

Tin cùng chuyên mục