Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Những hộ Việt kiều Campuchia trong hồ Dầu Tiếng:Bao giờ ổn định cuộc sống?
Thứ bảy: 05:06 ngày 22/10/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đến nay Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào để tỉnh giải quyết đối với những hộ Việt kiều đang sinh sống bấp bênh trong hồ Dầu Tiếng.

Thời gian gần đây, ai có đi vào hồ Dầu Tiếng theo đường 781 sẽ thấy ven bờ hồ- đoạn thuộc khu vực rừng lịch sử huyện Dương Minh Châu có nhiều căn chòi nhỏ lúp xúp mọc lên không theo trật tự nào. Ngoài ra, cũng còn hàng trăm căn chòi bé nhỏ khác, được dựng tạm bợ theo từng cụm trên đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (thuộc địa bàn huyện Tân Châu), những căn chòi này còn có thể di dời theo mức nước hồ lên xuống. Đó là những căn nhà ở của cư dân Việt kiều từ Campuchia về bám hồ Dầu Tiếng để đánh bắt cá sinh sống.

Việt kiều Campuchia mưu sinh trên Biển Hồ

Từ nhiều năm trước đây, trong hồ Dầu Tiếng có một số dân Việt kiều từ Campuchia tự di dời đến cất chòi thành từng cụm bám hồ để hành nghề đánh bắt cá. Những căn chòi do những di dân này dựng lên thường có mái lợp lá, vách che bằng những tấm bạt, diện tích căn nhà chưa đến chục mét vuông, sàn nhà cao hơn mặt đất chừng năm tấc, được ghép bằng những cây tầm vông làm nơi ăn, nơi ngủ cho cả gia đình. Hầu hết trong những căn nhà thấp lè tè này không hề có bàn ghế, giường tủ, nhìn qua cứ tưởng đây chỉ là những căn chòi do những người làm nghề cá ở, dựng lên trú tạm để đánh bắt cá trong hồ. Chính do sinh sống như vậy mà hầu hết trẻ con ở đây chẳng được học hành, không được chăm sóc y tế như những trẻ con nơi khác. Hầu hết chúng chỉ biết rong chơi, lớn hơn đôi chút thì phụ giúp gia đình những công việc phù hợp.

Theo một số cư dân Việt kiều trong hồ Dầu Tiếng cho biết, trước đây họ đã từng nhiều đời sinh sống ven Biển Hồ ở Campuchia với nghề đánh bắt cá là nghề “cha truyền con nối”. Thế nhưng bên Biển Hồ việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn nên họ đã cùng một số hộ bàn nhau trở về Tây Ninh tìm kế sinh nhai. Nghe nói trong hồ Dầu Tiếng có thể sinh sống bằng nghề đánh bắt được nên vợ chồng con cái bồng trống nhau vào đây. Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam hầu hết các hộ này chẳng có giấy tờ hợp pháp và cũng chẳng có vốn liếng mua đất cất nhà nên phải dựng nhà tạm dọc mép nước làm chỗ dung thân. Một số hộ dân bên Campuchia về trước ở đâu thì dần có thêm nhiều hộ về sau cũng nhập vào thành cụm dân cư. Nước hồ dâng đến đâu thì cụm dân cư dời chòi theo đến đó. Khi nước dâng cao thì dời ra ngoài hồ tìm đại khu đất trống nào đó để đặt chòi ở tạm. Mong muốn của các hộ dân này là có được một mảnh đất đủ để cất chòi làm nơi ở cố định và có nơi ăn học đàng hoàng cho đời con cái sau này bớt cực khổ. Thế nhưng nhiều năm qua, mong ước của những di dân này vẫn chưa đạt được.

Việt kiều Campuchia mưu sinh trong hồ Dầu Tiếng

Thực ra mấy năm trước đây, chính quyền một số địa phương cũng đã nghĩ đến việc ổn định cuộc sống cho những hộ di dân từ Campuchia về. Trong đó cũng có địa phương đưa ra phương án là di dời vào khu tái định cư nào đó hoặc cấp đất cất nhà để tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho những hộ dân này. Thế nhưng tất cả các phương án đều không thể thực hiện được do căn cứ pháp lý quan trọng đầu tiên là giấy tờ chứng minh nguồn gốc của những hộ dân này không có.

Thấy việc đặt tạm những căn chòi “di động” ra khu vực ngoài hồ Dầu Tiếng khi nước dâng cao tạo cuộc sống thuận lợi hơn khi sống trong lòng hồ nên dần có nhiều hộ… ở luôn, phát sinh tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp. Bà Bùi Thị Hải Đường- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu cho biết hiện tại ở khu vực rừng lịch sử đang có đến hơn 40 hộ Việt kiều Campuchia dựng chòi sinh sống. Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch huyện Tân Châu cho biết trên địa bàn huyện cũng có đến hàng trăm hộ dân Việt kiều Campuchia bao chiếm đất lâm nghiệp hoặc đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng dựng chòi sinh sống kiểu giống như vậy. Tất cả những hộ này đều thuộc dạng “3 không”: không có giấy tờ hợp pháp, không có mảnh đất cắm dùi và không được hưởng các phúc lợi xã hội. Trong thời gian gần đây, thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về việc giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp- trong đó có việc di dời các hộ bao chiếm ra khỏi đất lâm nghiệp, một số địa phương chưa biết phải xử lý những trường hợp bao chiếm của những cư dân Việt kiều này ra sao. Nếu đưa những hộ này vào diện tái định cư thì không có căn cứ do các hộ dân Việt kiều Campuchia trở về không có hộ khẩu và những giấy tờ hợp pháp liên quan. Nếu đưa vào diện buộc phải di dời ra khỏi đất lâm nghiệp thì họ đâu có chỗ nào khác để đi. Vì vậy đến nay, chẳng những cuộc sống của những hộ dân di cư từ Campuchia về sinh sống ven hồ Dầu Tiếng vẫn cứ “bấp bênh” mà chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn khi thực hiện chủ trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực quy hoạch lâm nghiệp.

Những căn nhà di động của Việt kiều Campuchia trong khu vực hồ Dầu Tiếng

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc ổn định đời sống cho các hộ dân Việt kiều từ Campuchia trở về chủ yếu là do sự trở về không hợp pháp của họ. Tuy nhiên, có tận mắt chứng kiến cảnh sống của người dân Việt ở Biển Hồ mới hiểu được vì sao họ bất chấp luật lệ để trở về sinh sống trên mảnh đất quê hương. Trong một chuyến tham quan khu Ăngkor tại thành phố Siêm Riệp, chúng tôi có dịp ra thăm hồ Ton Lê Sáp- còn gọi là Biển Hồ. Dọc con kênh dài hơn 3 cây số dẫn ra Biển Hồ có rất nhiều hộ dân sinh sống trong những căn nhà nổi được cất trên những chiếc phao, trong đó có không ít căn là của những Việt kiều sinh sống. Anh hướng dẫn viên người Campuchia cho biết cộng đồng người Việt ở đây hầu hết là nghèo, cha truyền con nối trên căn nhà nổi ọp ẹp và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ. Đất đai không có, học hành không có nên họ chỉ biết bám lấy Biển Hồ để làm kế sinh nhai. Cha ông nhiều đời sinh sống như vậy nên con cháu cũng chẳng biết tìm thêm nghề nào khác để sinh sống. Công nghệ đánh bắt cá của những ngư dân đại gia ở địa phương ngày càng tiên tiến khiến cho lượng cá trong Biển Hồ ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó nhiều Việt kiều chỉ có chiếc xuồng nhỏ và vài ba tai lưới cũ kỹ nên lượng cá đánh bắt được ngày càng ít đi, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Trẻ con người Việt ở khu vực này hầu hết không được học hành. Toàn khu vực chỉ có một trường học tình thương của người Việt với số lượng học sinh không nhiều và trường hoạt động được chủ yếu là nhờ lòng từ thiện của các du khách và người Việt ở quê nhà. Cư dân Việt sống quanh Biển Hồ hầu hết cũng là những hộ “3 không”.

Do cuộc sống dựa vào Biển Hồ ngày càng khó khăn nên có một số ngư dân Việt kiều tự ý bồng trống về Việt Nam tìm kế sinh nhai và điểm đến là hồ Dầu Tiếng, do đây có điều kiện sinh sống gần giống như ở Biển Hồ. Thế nhưng, khi về sinh sống trong hồ Dầu Tiếng, những hộ dân Việt kiều Campuchia cũng không cải thiện được cuộc sống bao nhiêu do vướng mắc về tính pháp lý. Theo một số địa phương thì hiện tại tỉnh đang chờ Trung ương cho ý kiến hướng dẫn về việc hợp thức hoá pháp lý cho những hộ Việt kiều từ Campuchia về. Sau khi có ý kiến hướng dẫn, các địa phương sẽ tiến hành thực hiện để có đủ cơ sở pháp lý bố trí nơi ăn chốn ở ổn định cho những hộ di dân này.

Tuy nhiên, đã qua nhiều năm nhưng đến nay Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào để tỉnh giải quyết đối với những hộ Việt kiều đang sinh sống bấp bênh trong hồ Dầu Tiếng. Cuộc sống của những hộ dân này chẳng biết đến bao giờ mới được ổn định?

Sơn Trần

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục