Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những kẻ chơi cờ giấu mặt sau “chảo lửa” Syria
Thứ ba: 20:55 ngày 17/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo mạng tin GeopolitcalFutures, ngày 16/4, các cường quốc phương Tây có quan điểm rõ ràng rằng Nga phải chịu một phần trách nhiệm về hành động của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, đằng sau những người chơi lộ mặt thì những ai còn giấu mặt sau "thùng thuốc súng" này?

Tuần trước, cuộc không kích bằng tên lửa nhằm một số mục tiêu thuộc chính quyền Syria do Mỹ, Anh và Pháp phối hợp triển khai cũng là lần thứ hai Chính quyền Trump ra lệnh tấn công Syria. Song, chiến dịch này không thể thay đổi cuộc chiến ở nước này.

Sự giằng co của 4 cường quốc

Cuộc tấn công - thực chất xuất phát từ yếu tố chính trị nội bộ của cả Mỹ, Anh và Pháp - càng cho thấy mục tiêu của họ không phải là thay đổi chế độ ở Syria, mà là buộc Nga phải chịu trách nhiệm đối với các hành động của Tổng thống Assad.

Cuộc chiến tại Syria đang chứng kiến sự giằng co của 4 cường quốc. Việc Nga hướng về phía Nam đang được cho là để đánh lạc hướng dư luận về những vấn đề trong nước. Còn nước Mỹ, từ khi tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền, đã 2 lần tấn công Syria. Nguyên nhân là do ông Trump không muốn bị so sánh với người tiền nhiệm Barack Obama - người từng vạch ra “giới hạn đỏ” về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học rồi lại không hành động.

Trong khi đó, Anh đã “đóng đinh” Nga như là "ác quỷ" của châu Âu, tung cú đòn trục xuất ngoại giao và giờ là cuộc không kích tại Syria - động thái được cho là đã làm sao nhãng sự chú ý của dư luận đến tiến trình Brexit đang rất căng thẳng. Còn Pháp là quốc gia đang phải đối mặt với sự bất bình của người lao động cùng với tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Emmanuel Macron lao dốc…

Những người biểu tình phản đối Chính phủ Anh và liên minh tiến hành không kích vào các mục tiêu ở Syria, ngày 16/4.(Nguồn: AP)

Cả 4 cường quốc đều không muốn sa lầy vào một cuộc chiến thực sự. Mỹ tuyệt vọng tìm đường rút khỏi Syria, trong khi Anh và Pháp không sẵn lòng triển khai lực lượng quân sự để hạ bệ Chính quyền Assad và lại càng không có ý định đối đầu quân sự với Nga.

Trong khi đó, Moscow cũng chỉ triển khai quân sự ở mức giới hạn tại Syria, chủ yếu tập trung vào không quân nhằm trợ giúp Chính quyền Assad đánh bại lực lượng nổi dậy, vốn không có khả năng thách thức Nga trên bầu trời.

Cuộc tấn công của Anh, Pháp và Mỹ không phải là chiến dịch kiểu “bão táp sa mạc” và cũng không là tiền đề thúc đẩy chiến tranh thế giới lần thứ ba. Đơn giản đó chỉ là cách mà các thế lực bên ngoài thực hiện điều mà họ luôn làm ở Trung Đông: đẩy những con tốt trên bàn cờ để đe dọa đối thủ và bóng gió với các đối tác cùng phe.

Sóng trước chưa qua, sóng sau đã tới

Trong khi đó, những người chơi thực sự trong cuộc chiến tỏ ra khá lặng lẽ. Israel, nước từng ném bom các mục tiêu của quân đội Syria và lực lượng Iran đóng tại Syria, và được cho là cũng đã nhiều lần cung cấp thông tin tình báo về cơ sở vũ khí hạt nhân của Syria, không hề tham gia vào cuộc chiến vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ bận bịu làm trung gian hòa giải giữa Nga và Mỹ, trong khi Iran dù cho rằng vụ tấn công là hành động tội ác, nhưng vẫn kiềm chế tránh đưa ra những tuyên bố gay gắt.

Nội chiến Syria có thể lan rộng, nhưng không phải do cuộc không kích gần đây mà là do mâu thuẫn về lợi ích giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iran, hay xuất phát từ quyết tâm của Israel nhằm ngăn Iran triển khai quân sự ở Syria hoặc từ chiến dịch tấn công quân nổi dậy của chính quyền của ông Assad.

Các cường quốc phương Tây quả quyết sẽ tiếp tục can dự chừng nào Syria còn sử dụng vũ khí hóa học. Tuy vậy, điểm đáng chú ý là cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng công khai nào chứng minh vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Douma.

Hơn thế nữa, đợt không kích của liên quân xảy ra ngay trước thời điểm các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đặt chân tới Damascus cũng là yếu tố gây nghi ngờ.

Thực tế, giới quan sát cho rằng, chính quyền của ông Assad gần như không có bất kỳ lý do gì để sử dụng vũ khí hóa học ở thời điểm mà họ đang làm chủ Damascus và giành ưu thế rất lớn trên chiến trường.

Rõ ràng, một liên minh chống Nga đã hình thành. Đòn tấn công của phương Tây không thay đổi được cán cân quyền lực ở Syria và cũng chẳng có tác động nào đáng kể đối với cuộc xung đột đang đẩy Syria vào hoang tàn đổ nát.

Hai cuộc chiến đang diễn ra ở Syria: một cuộc nội chiến và một cuộc xung đột trong quan hệ giữa Nga với phương Tây. Đòn không kích Syria là hành động khiến cuộc chiến thứ hai leo thang trong khi cuộc chiến thứ nhất còn chưa thấy dấu hiệu chấm dứt.

Nguồn baoquocte (theo GPF)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục