Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã và đang được các sở, ngành, địa phương triển khai theo đúng chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Những đơn vị đã thực hiện sáp nhập đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Một giờ học của cô và trò Trường tiểu học Hoà Hội, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII), UBND tỉnh đã xây dựng Ðề án thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong các cơ quan chuyên môn và thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong năm 2018.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được kiện toàn theo hướng gọn nhẹ hơn, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị.
Tính đến tháng 6.2018, toàn tỉnh đã giảm được 9 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm từ 741 đơn vị xuống còn 732 đơn vị sự nghiệp công lập. Ðến nay, các đơn vị sau khi được sáp nhập đều kiện toàn tổ chức bộ máy, đi vào hoạt động ổn định và từng bước có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ghi nhận tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đầu năm 2018, Sở này đã sáp nhập Trung tâm Ðào tạo và Huấn luyện thể thao với Trung tâm Thi đấu thể dục thể thao thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Qua đó, giúp giảm được 2 vị trí lãnh đạo, giảm từ 3 phòng, 2 bộ phận trước đây nay chỉ còn 4 phòng. Từ đó đã tập trung đầu mối, nguồn lực khi tổ chức các giải thi đấu của tỉnh, đăng cai giải cấp khu vực, quốc gia, quốc tế và phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện.
Về định hướng trong thời gian tới, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho biết, đơn vị sẽ tập trung vào một số môn thể thao chất lượng cao phục vụ các giải đấu như: điền kinh, võ cổ truyền, Taekwondo, bơi, lặn. Phần còn lại sẽ từng bước xã hội hoá theo hướng chuyển giao đầu tư, quản lý hoặc thu hút các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực thể thao.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 theo Ðề án của tỉnh, hiện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Ðề án thành lập Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hoá tỉnh, Ðoàn Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng. Sau khi triển khai đề án này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ giảm từ 8 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở xuống còn 5 đơn vị; giảm 3 cấp trưởng, 4 cấp phó và giảm 7 phòng, đội.
Các huyện, thành phố hiện nay cũng đã từng bước tổ chức, sắp xếp lại bộ máy. Là một huyện biên giới, Châu Thành cũng đã nhanh chóng triển khai và thực hiện Nghị quyết 19. Châu Thành có 4 đơn vị sự nghiệp và 69 trường học.
“Hiện tại, huyện đang chờ Sở Nội vụ hướng dẫn để thực hiện việc sáp nhập 3 cơ quan Ðài truyền thanh, Thư viện, Trung tâm Văn hoá thể thao theo chủ trương chung của tỉnh”, ông Phạm Văn Quân- Trưởng phòng Nội vụ huyện Châu Thành cho biết.
Riêng trong hệ thống giáo dục, để tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Giám hiệu nhà trường, thầy cô, học sinh trong việc dạy và học, Phòng Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ tổ chức sáp nhập các trường theo tình hình thực tế của địa phương.
Hiện nay, huyện đã sáp nhập 8 trường học trên địa bàn xuống còn 4 trường. Cụ thể: sáp nhập Trường tiểu học Bố Lớn vào Trường tiểu học Hoà Hội thành Trường tiểu học Hoà Hội; Trường tiểu học Biên Giới A và Trường tiểu học Biên Giới B thành Trường tiểu học Biên Giới; Trường tiểu học Bến Trường và Trường tiểu học Bình Lợi thành Trường tiểu học Hảo Ðước; Trường tiểu học Hoà Thạnh và Trường tiểu học Phạm Văn Nô thành Trường tiểu học Phạm Văn Nô. Trong đó, Trường tiểu học Hoà Hội được sáp nhập từ năm học 2017-2018, các trường còn lại bắt đầu sáp nhập vào năm học 2018-2019.
Các trường sau khi sáp nhập đã dần ổn định tổ chức và triển khai tốt các nhiệm vụ năm học mới. Ông Nguyễn Phùng Bảo Trường, Hiệu trưởng trường tiểu học Hoà Hội cho biết, trước đây, Trường có hai điểm: một điểm chính ở ấp Hoà Hội, và một điểm phụ nằm ở ấp Bưng Rò với tổng số học sinh gần 150 em.
Trường tiểu học Bố Lớn ở ấp Bố Lớn, có khoảng 100 học sinh. Các điểm trường cách nhau khoảng 5km. Việc sáp nhập Trường tiểu học Bố Lớn và tiểu học Hoà Hội thành Trường tiểu học Hoà Hội là theo đúng chủ trương những trường có dưới 150 học sinh phải sáp nhập lại để tinh gọn bộ máy.
“Thời điểm sáp nhập cũng là lúc Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của Trường tiểu học Bố Lớn nghỉ hưu nên tổ chức bộ máy lãnh đạo không có nhiều xáo trộn. Về công tác giảng dạy, học sinh vẫn đi học ở điểm trường gần nhà, các giáo viên của Trường tiểu học Bố Lớn tiếp tục dạy học ở đây, chỉ khác là điểm phụ của Trường tiểu học Hoà Hội mà thôi”, thầy Trường- Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoà Hội cho biết.
Theo Phòng Nội vụ, các trường còn lại sẽ sáp nhập theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2018-2021 sẽ thực hiện giảm còn lại 60 trường; giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm còn lại 53 trường.
Với mục tiêu đến năm 2021, Tây Ninh giảm 71/741 đơn vị sự nghiệp công lập, việc hợp nhất, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được các sở, ngành, địa phương thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, lộ trình. Các đơn vị được sáp nhập có điểm chung về chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế.
Song song với đó, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công nhằm đổi mới tổ chức và quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
Phương Thuý - Ngọc Diêu