Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những khán đài trống ở V-League
Thứ sáu: 16:26 ngày 06/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Siêu Cup không khán giả. Vòng 1 V-League 2020 cũng thế. Dù là tình huống bất khả kháng trong mùa dịch Covid-19, một khởi đầu như vậy có thể gợi lên nhiều điều.

Công Phượng (số 21) và các đồng đội ở TP HCM mừng bàn thắng vào lưới Hà Nội ở trận tranh Siêu Cup. Ảnh: Đức Đồng.

Tính đến khi khai mạc V-League 2020 tuần này, mùa giải của bóng đá Việt Nam bắt đầu sau bốn tháng nghỉ hoàn toàn. Còn nếu tính cụ thể thời gian thi đấu của một cầu thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam, theo thông lệ mỗi tuần vào sân một lần, thì tối đa một cầu thủ chuyên nghiệp được đá bóng trọn vẹn chỉ 30 ngày (khoảng 30 trận đấu nếu tính cả Cup Quốc gia), bằng một nửa so với các cầu thủ nhà nghề ở châu Âu. Con số này mâu thuẫn với quy tắc thông thường: nền bóng đá càng yếu thì càng phải thi đấu nhiều hơn mới có cơ hội rút ngắn khoảng cách với những nơi phát triển. 

Vì mật độ thi đấu của làng cầu nội địa quá ít, nên ngay khi trận Siêu Cup diễn ra không khán giả, chẳng mấy ai thực sự tiếc nuối. Ngày khai mạc V-League cấm khán giả cũng không sao. Thậm chí, nếu phải dời V-League thêm một tháng nữa, cũng không vấn đề gì đối với đa phần người hâm mộ Việt Nam. Xem bóng đá chưa phải, hoặc chưa đạt đến mức gọi là nhu cầu giải trí của người dân như cách người ta nôn nao đếm ngược chờ bóng lăn dù chỉ là đội U22 đá ở SEA Games. Còn muốn cho CĐV có thói quen đi xem bóng đá, thì phải tạo ra được sự thường xuyên.

Đấy là vấn đề của nền bóng đá Việt Nam. Các nhà quản lý có thể nghĩ ra hàng loạt sáng kiến, thậm chí can thiệp thô bạo vào nhịp điệu thi đấu của V-League để phục vụ nhu cầu tập trung cho đội tuyển quốc gia, bao gồm đội trẻ U23. Nhưng từ năm 2014, chưa có một giải pháp nào để nâng cao chất lượng V-League, thúc đẩy sự phát triển của các CLB, đặc biệt là yếu tố hạ tầng bao gồm sân bãi và đào tạo.

Cái gọi là "giải pháp" duy nhất cho đến nay có tác động mạnh đến V-League lại được thực hiện theo một cách cực đoan nhất, đó là việc bầu Đức đưa nguyên đội U19 lên đá V-League vào năm 2015. Dù quan điểm "đá đẹp, thua cũng được" của HAGL gây nhiều tranh cãi, đi ngược quy tắc chuyên nghiệp, nhưng trên thực tế, nó có tính gợi mở về cách làm trong việc thay đổi V-League. Chí ít, từ năm 2015 đến 2017, "những đứa trẻ bầu Đức" đã giúp V-League tăng đến hơn 30% lượng khán giả so với trước đó.

Cuối năm 2014, trước khi chia tay bóng đá Việt Nam, chuyên gia Nhật Bản Tanaka Koji đã có báo cáo tổng kết và đề xuất một vài giải pháp thay đổi chất lượng của V-League. Trong báo cáo của ông, thời gian bóng lăn trung bình ở Việt Nam chỉ là 44 phút, kém xa con số 65 phút ở châu Âu và 55 phút ở Nhật Bản. Đá ít, câu giờ nhiều, bạo lực và cãi vã trên sân thì triền miên, đó là những lý do khiến khán giả không muốn đến sân. Ông Koji cũng tin rằng V-League cần thay đổi thể thức thi đấu để tạo thêm động lực cho các CLB. Thời gian thi đấu quá ít chỉ đẩy khán giả rời xa sân bóng.

Trước ông Koji, năm 2010, trong một cuộc hội thảo do ban tổ chức V-League tổ chức, HLV đội tuyển Việt Nam khi đó Henrique Calisto cũng nhắc đến việc thay đổi thể thức để tăng thời gian thi đấu, giúp các CLB có thể sử dụng cầu thủ hiệu quả hơn. Theo phân tích của Calisto, các CLB đang phải trả lương một năm nhưng sử dụng lao động chỉ vài tháng. Nhiều đội bóng còn ký hợp đồng ngắn hạn theo từng giai đoạn thi đấu với các cầu thủ ngoại vì sợ tốn kém, nên cứ hết giải là mất người, không ổn định lực lượng.

Gần 10 năm qua, tính từ lúc các ông bầu "nổi dậy" để thành lập công ty VPF, chưa từng có ý tưởng nào để cải tổ hệ thống thi đấu nội địa. Táo bạo nhất có lẽ là ý tưởng của bầu Kiên khi ông đòi lập ra giải đấu Super Liga chỉ chừng 7-8 đội bóng có thực lực để "chơi riêng" với nhau. Sự "sáng tạo" đó không thể thành hiện thực, dễ vi phạm qui định FIFA, nhưng chí ít đó cũng là lần duy nhất có một giải pháp được nhắc đến.

Thi đấu theo thể thức nào là chuyện nội bộ của các nền bóng đá. Có những nơi như Argentina, Mexico chia giải vô địch thành hai giai đoạn, tổng cộng đến hai lượt đi, hai lượt về nhằm tăng số trận thi đấu trong năm. Có những nơi tổ chức thêm các giải đấu Cup, kết hợp với thành tích của giải vô địch quốc gia, mục tiêu vẫn là tăng số trận và thúc đẩy tính hấp dẫn ở mỗi trận đấu. Riêng tại Việt Nam, công tác tổ chức vẫn làm theo cách "đến hẹn lại lên". 

Đó là điều đáng tiếc. V-League cần phải tự thay đổi bởi chính những người đang tham gia cuộc chơi thay vì chờ những cái gọi là "hiệu hứng" hay "cú hích" từ thành tích đội tuyển quốc gia. Hãy giả sử, nếu V-League vẫn đá không ai xem thì đội tuyển thất bại, tương lai của giải đấu này sẽ ra sao?

Lấy ví dụ như mùa 2019, năm đỉnh cao của bóng đá Việt Nam thì lượng khán giả trung bình mùa chỉ đạt 7.128 người mỗi trận, tức là còn kém hơn mùa 2015 (bình quân 7.400 mỗi trận). Nhưng con số tăng của 2019 thực ra lại chủ yếu đến từ hai sân bóng là Hàng Đẫy (Hà Nội) và Thiên Trường (Nam Định), chiếm đến 35% tổng khán giả, tương tự mùa 2018. Còn ở góc độ CLB, các trận đấu có sự tham gia của hai đội Hà Nội và HAGL vẫn chiếm đa số lượng khán giả, theo thống kê thì những lần hai đội này đi sân khách, lượng khán giả sẽ tăng từ 80% cho đến 200%.

Cụ thể như bình quân sân Thiên Trường là 15.000 người mỗi trận, thì đến cuộc đối đầu Nam Định – HAGL, là gần 30.000 người. Bình quân một trận đấu của Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất chỉ là 3.700 người, nhưng trận đấu với HAGL là 11.000 người, tăng đến 300%.

Nỗ lực của một vài CLB thì khó mà thay đổi cả hệ thống thi đấu, công trạng của HLV Park Hang-seo cũng chẳng làm cho khán giả đến sân xem V-League nhiều hơn, nếu bản thân những người điều hành không mạnh dạn trong việc tìm cách thay đổi.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục