BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những kỷ lục mưa lũ liên tục được thiết lập 

Cập nhật ngày: 11/09/2024 - 08:46

Lúc 5h sáng 10/9, lũ trên sông Thao ở Bảo Hà (Lào Cai) và Yên Bái đã vượt mức lịch sử năm 2008 và 1968 gần 1m. Hàng loạt kỷ lục mưa lũ được thiết lập đi cùng với hệ lụy khủng khiếp mà con người phải gánh chịu.

Mực nước sông lên cao nhất trong lịch sử

Vào 5h sáng 10/9, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lên tới 35,22m, vượt qua kỷ lục lịch sử được thiết lập vào 56 năm trước. Nhưng ngày hôm qua, kỷ lục này liên tục bị phá bỏ.

Về diễn biến lũ trên các sông, cơ quan khí tượng cho biết lúc 5h sáng nay (11/9), lũ trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai tiếp tục xuống chậm. Tại Yên Bái đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Còn tại Phú Thọ và Hà Nội đang lên.

Lũ trên nhiều sông đạt mức lịch sử, gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân.

Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên, còn sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống. Dự báo trong 12 giờ tới (đêm nay đến sáng mai), lũ trên sông Hồng tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử, còn tại Phú Thọ lên mức báo động 2 (BĐ2).

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh lên mức BĐ2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh ở mức trên BĐ3 là 1,7m vào sáng 11/9 sau đó xuống chậm, tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức trên mức BĐ3 là 0,5m vào sáng nay sau đó xuống.

Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3, lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3, còn lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử, tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2, trên sông Hồng tại Hà Nội ở đạt đỉnh vào trưa 11/9 mức BĐ2 và trên BĐ2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3, tại Vụ Quang lên nhưng vẫn ở trên mức BĐ3 vào trưa nay sau đó xuống.

Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên ở mức BĐ3 và trên BĐ3, lũ trên sông Thương BĐ chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2, lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3 và lũ trên sông Hoàng Long xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3.

Trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức BĐ3 và trên BĐ3.

Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, lũ lớn có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Do nước lũ vẫn duy trì ở mức cao, các vùng trũng thấp ven sông tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình tiếp tục chìm trong nước lũ.

Diễn biến mưa lũ những ngày tới còn phức tạp

Mực nước sông Hồng dâng cao, đêm 10/9, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ký ban hành Lệnh Báo động lũ. Theo đó, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (qua Long Biên) hồi 23 giờ 30 phút ngày 10/9/2024 là 10,50 m (mực nước báo động II là 10,50 m).

Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội ban hành Lệnh Báo động II trên sông Hồng vào hồi 23 giờ 30 phút ngày 10/9/2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, trong 2-3 ngày tới, diễn biến mưa lũ ở miền Bắc còn rất phức tạp do sự hình thành một xoáy thấp ngay trên đất liền gây mưa từ 70-140mm, có nơi trên 370mm cho khu vực trung du, vùng núi trong 10-11/9; Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 10-12/9 mưa từ 120-250mm, có nơi trên 600mm.

Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo (Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia) lưu ý hiện các thông tin về tình hình lũ được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các đài khí tượng thủy văn khu vực, đài tỉnh đã cung cấp thông tin hàng giờ về đợt lũ. Người dân cần theo dõi thông tin dự báo tiếp theo về lũ và những vùng ngập lụt có thể xảy ra để có thể chủ động nắm bắt và phòng tránh.

Khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đều có phương án ứng phó, đề nghị người dân tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và những yêu cầu của chính quyền địa phương để di dời đến những nơi an toàn nhất có thể.

Miền Bắc đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử do hoàn lưu của siêu bão YAGI, sau đó là liên tiếp những hình thái gây mưa nguy hiểm như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới phát triển ngay trên đất liền. Tổng lượng mưa trong những ngày qua ở vùng núi Bắc Bộ là đặc biệt lớn, nhiều nơi có thể phá vỡ mức kỷ lục trong lịch sử.

Nguồn suckhoedoisong