BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những lá chắn trên tuyến đầu chống dịch 

Cập nhật ngày: 27/02/2021 - 00:48

BTN - Ðã hơn một năm, các lực lượng tuyến đầu vẫn đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19, chưa một phút ngơi nghỉ. Ðội ngũ y, bác sĩ- những người ngày đêm làm việc, trực tiếp đối mặt rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng họ luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Từ những chốt chặn bình yên...

Những ngày cuối tháng 2, tại các cửa khẩu, nhân viên trạm kiểm dịch y tế ngày ngày cùng lực lượng Biên phòng, Hải quan túc trực để sàng lọc, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập từ phía bên kia biên giới.

Tại cửa khẩu Kà Tum (Tân Châu), kiểm dịch viên Lê Văn Minh đang hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát việc sát khuẩn phương tiện khi đi qua cửa khẩu. Anh Minh cho biết, đã 2 năm làm kiểm dịch viên ở đây. Mỗi tua trực thường quay vòng một tuần.

Theo quy định, mỗi tuần nhân viên được nghỉ 2 ngày, nhưng kể từ khi triển khai công tác phòng chống dịch Covid- 19, thời gian nghỉ ít hơn. Anh nói: “Lúc dịch bệnh Covid-19 xảy ra, dù có chút lo lắng nhưng vẫn không hoang mang, bình tĩnh thực hiện các biện pháp chống dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người qua lại biên giới”. Hơn một năm nay, công việc có tăng, nhưng với anh đó là niềm vui vì góp phần phòng chống dịch, không để sót lọt những trường hợp có nguy cơ  nhiễm bệnh.

Bác sĩ Bùi Thị Phương Thảo, phụ trách Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tân Biên) cho biết, mỗi ngày, lượt người qua lại khá đông, nhưng đa phần là chuyên chở hàng hoá. Từ khi có dịch bệnh, chị Thảo cùng các đồng nghiệp làm việc từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, chỉ có khoảng một tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi, ăn trưa. Chị Thảo cho biết, so với trước, lượng công việc tăng gấp bốn, năm lần, nhưng mọi người đều làm việc với tinh thần rất cao.

Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc với người dân khi đến khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Theo bác sĩ Trần Phước Ðoàn, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều có các trạm kiểm dịch y tế. Trung tâm cũng thành lập hai đội xử lý nhanh để tăng cường khi có tình hình phức tạp.

Thời gian qua, nhân viên các trạm hướng dẫn khai báo y tế, sát khuẩn phương tiện, thực hiện các biện pháp an toàn cho người qua lại biên giới và lấy mẫu, test nhanh các đối tượng có nguy cơ. Theo đánh giá của bác sĩ Ðoàn, các nhân viên tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có tần suất làm việc cao. Tại đây có hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày, thường có những người đi từ các vùng có nguy cơ cao trở về.

Các trường hợp bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Tây Ninh thời gian qua đều được phát hiện, xử lý ngay tại cửa khẩu, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên kiểm dịch tại cửa khẩu rất lớn. “Ðiều chúng tôi mừng nhất chính là được bảo đảm các biện pháp an toàn về phòng chống dịch bệnh, nên những nhân viên tại các Trạm kiểm dịch dẫu có tiếp xúc với bệnh nhân vẫn được an toàn, không bị lây nhiễm” - bác sĩ Ðoàn nói thêm.

Không chỉ tại các cửa khẩu, trong nội địa, nhiều cán bộ, nhân viên y tế tập trung cho công việc phòng, chống dịch bệnh. Bệnh viện Ða khoa tỉnh, mỗi ngày có hai đội trực sàng lọc tại các cổng của bệnh viện.

Tại cổng phụ Bệnh viện Ða khoa tỉnh, các nhân viên túc trực để hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo nhiệt độ mỗi khi có người đến bệnh viện. Nguyễn Keen (nhân viên Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội) đã qua 3 đợt tham gia trong đội trực sàng lọc, chia sẻ: “Công việc của chúng tôi là cố gắng để dịch bệnh không lây lan, không gây hoang mang cho người dân. Lúc đầu khi nhận nhiệm vụ tôi có chút lo lắng. Nhưng vì đây là nhiệm vụ chung của toàn ngành và được gia đình động viên tôi cố gắng hơn, đến giờ thì làm việc với tâm lý hoàn toàn thoải mái rồi”.

Là một điều dưỡng trẻ, Trần Thị Phương Ngân xung phong tham gia đội sàng lọc:  “Lúc đầu tôi cũng hơi băn khoăn vì sợ dịch bệnh. Nhưng nghĩ lại, việc mình mình không làm thì ai làm. Bây giờ, qua 5 lần tham gia trực, tuy vẫn còn chút lo lắng nhưng đã quen việc nên thấy thoải mái hơn”- Ngân nói.

Những thành viên đội trực sàng lọc, khi vào ca họ phải khoác lên người những bộ đồ bảo hộ, thời tiết mát mẻ còn thoải mái, khi nắng nóng rất khó chịu. Nhưng vì công việc, họ luôn cố gắng. Nhưng có những nguy cơ tiềm ẩn khi mỗi ngày tiếp xúc không ít người.

Chưa kể có người quá nóng tính nên đã có hành vi bạo lực, hành hung cả nhân viên trực sàng lọc. “Lúc đầu, do mọi người chưa hiểu rõ được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên thiếu hợp tác, nhưng bây giờ mọi người đã hiểu hơn, ý thức phòng bệnh của người dân được nâng lên. Chúng tôi thấy vui lắm”- Nguyễn Keen chia sẻ.

Bác sĩ Phương Thảo trong ca trực tại Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tân Biên).

Ðến hy sinh thầm lặng

Hơn một năm qua, kể từ khi tiếp nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, những khung rào chắn trở thành sự ngăn cách giữa Khoa Nhiễm Bệnh viện Ða khoa tỉnh và những khu khác. Ðến bây giờ khi mọi việc đã vào khuôn khổ, bớt đi sự hoang mang lo lắng, Khoa Nhiễm cũng dần quen với sự thầm lặng, tách biệt của mình.

Những nhân viên ở đây luôn hết lòng với công việc chăm sóc, điều trị những ca bệnh. Công việc, mà cách đây một năm, thỉnh thoảng làm họ có chút chạnh lòng vì sự xa lánh của mọi người. Có thể nói, ngoài sự vất vả, các y, bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở Khoa Nhiễm từ lâu vốn chịu nhiều rủi ro khi phải tiếp xúc với các nguồn bệnh dễ lây nhiễm như sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tay chân miệng, cúm… và bây giờ là dịch Covid-19.

Ðã mấy chục năm trong nghề, từng tiếp xúc với nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau, nhưng chưa bao giờ bác sĩ Huỳnh Văn Ðệ, Trưởng Khoa nhiễm Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh cùng đồng nghiệp phải chịu nhiều vất vả, căng thẳng như với cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Ðệ cho biết: “Dịch Covid-19 có tính chất nghiêm trọng, phức tạp hơn rất nhiều. Sự nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, áp lực cho sự an toàn của bệnh viện, nhân viên y tế là thách thức đối với đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế ở Khoa”.

Kiểm dịch viên tại cửa khẩu Chàng Riệc (Tân Biên) hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp an toàn.

Hơn một năm qua, toàn bộ Khoa Nhiễm bước vào những ngày trực căng thẳng, chia ca làm việc, căng mình trực chiến. Trong đó, các thành viên trong Ðội biệt phái- trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 rất vất vả, họ là những người túc trực suốt trong khu cách ly đặc biệt để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Suốt một năm, họ gần như ít có thời gian cho gia đình, không tiếp xúc với bên ngoài, cuộc sống phần nào bị đảo lộn, không hưởng được cái tết trọn vẹn bên gia đình. Nhưng xác định đây là nhiệm vụ, nghề mình đã chọn nên đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế vượt qua nỗi lo, luôn đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.

Theo bác sĩ Ðệ, qua một năm dài căng mình chống dịch, có gian khó, vất vả nhưng phấn khởi là  11 ca dương tính Covid-19 được điều trị thành công, đó là niềm vui của ngành Y tế Tây Ninh nói chung, đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện nói riêng.

Qua thành công trong việc điều trị, những lo lắng bước đầu đã nhường chỗ cho sự tự tin, lăn xả vào công việc, hết lòng vì bệnh nhân. Những kiến thức, kinh nghiệm đã có, Khoa luôn sẵn sàng trực chiến, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Nhiễm -BVÐK triển khai nhiệm vụ công tác.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, bên cạnh các bác sĩ, điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc người bệnh. Có hơn 8 năm công tác, chị Nguyễn Thị Hằng- điều dưỡng Khoa Nhiễm chia sẻ, khi chọn nghề, chị hiểu được đặc thù của công việc mình đang làm. Cũng chính vì thế, từ lúc dịch bệnh bùng phát, chị không ngần ngại tham gia vào đội biệt phái điều trị bệnh nhiễm Covid-19. Mặc dù chuẩn bị tâm lý thật tốt, song ban đầu chị Hằng khá lo lắng khi tiếp xúc với ca dương tính.

Ngoài nỗi sợ lây nhiễm, công việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng vất vả, nặng nề hơn. Ðồng thời do phải trực dài ngày, tránh tiếp xúc, xa gia đình, chị nhớ con nhỏ, đôi lúc còn chịu sự kỳ thị, né tránh của mọi người, khiến chị thấy buồn tủi.

Theo chị Hằng, nhờ được lãnh đạo bệnh viện, trưởng khoa, đồng nghiệp động viên, chị cảm thấy tự tin, an tâm hơn. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của người điều dưỡng, chị quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Chị Hằng nói: “Mỗi khi một bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh xuất viện ra về, tôi cảm thấy rất vui, càng thấy ý nghĩa của công việc mình đang làm, yêu nghề hơn, đó là động lực giúp tôi gắn bó với công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Thái Bình- Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa bày tỏ: “Tôi mong dịch qua mau để mọi người trở lại công việc bình thường, ổn định cuộc sống. Mong đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm sức khoẻ, giữ gìn nhiệt tâm với nghề. Trong mùa dịch này, mong các cấp lãnh đạo, nhân dân tiếp tục tin tưởng vào hoạt động của ngành Y tế, mong sự chia sẻ, thấu hiểu của mọi người”.

Thêm một năm nữa, ngày kỷ niệm nghề với những người thầy thuốc không có lễ dâng hương, không được gặp nhau chúc mừng. Chắc chắn có chút chạnh lòng. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, mỗi ngày qua, những người “chiến sĩ áo trắng” cùng động viên nhau, cùng cố gắng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Vi Xuân-Châu Pha