Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2022, có 2 lão nông mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng tre lấy măng. Thời điểm đó có người cho rằng những lão nông này phí công khi chọn cây tre làm kinh tế.
Những búp măng chất lượng ở vườn tre tứ quý của ông Võ Văn Tiếp.
Ông Võ Văn Nối- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang, huyện Bến Cầu cho biết, từ trước đến nay người dân trên địa bàn xã chỉ quen sản xuất các loại cây trồng truyền thống như lúa, mì, các loại hoa màu; chăn nuôi heo, bò và các loại gia cầm, hiệu quả kinh tế không cao. Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân lãi không nhiều, nhất là những hộ có diện tích đất ít rất khó phát triển kinh tế gia đình từ nghề nông.
Năm 2022, có 2 lão nông mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng tre lấy măng. Thời điểm đó có người cho rằng những lão nông này phí công khi chọn cây tre làm kinh tế. Thế nhưng, chưa đầy năm, những gốc tre tứ quý của ông Võ Văn Tiếp và Nguyễn Văn Dũng ở ấp Cao Su bắt đầu mọc rất nhiều măng, cho thu nhập đáng kể.
Ông Võ Văn Tiếp (74 tuổi) cho biết, gia đình có 17.000 m2 đất nông nghiệp, hằng năm ông sạ 2 vụ lúa, nếu lúa trúng và có giá, trừ các chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.
“Làm ruộng bao nhiêu năm mà không khá, đã ngoài 70 tuổi rồi thì chắc không thể làm giàu, nhưng tôi nghĩ mình phải thay đổi, thoát khỏi các cây trồng truyền thống xem có khá hơn không.
May sao chú xem trên mạng Facebook thấy một nông dân ở xã Cầu Khởi trồng tre lấy măng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên rủ chú Dũng đi tham quan, tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm. Tới nơi, thấy vườn tre mê quá và nghe ông chủ vườn nói rất có hiệu quả về kinh tế nên chú quyết định mua giống về trồng”- ông Tiếp chia sẻ.
Sau chuyến tham quan thực tế, ông Tiếp mua 150 cây tre giống tứ quý về trồng trên diện tích 2.000 m2. Với niềm tin thành công từ trồng tre lấy măng nên ông dành nhiều thời gian tìm hiểu qua sách, báo về cách chăm sóc, thu hoạch để tre phát triển và cho măng tốt liên tục. Ông đã nghiên cứu và tự chiết cành trồng thêm 100 gốc, đến nay đã hơn 1 năm và hiện cho thu hoạch lứa măng đầu tiên.
Ông Tiếp cho biết, 150 gốc tre ông trồng năm 2022 mỗi tháng thu hoạch 10 lần, mỗi lần được 50 kg, thương lái đến nhà thu mua 15 ngàn đồng/kg (có thời điểm 25 ngàn đồng/kg). Đối với vườn tre trồng năm 2023, mỗi ngày ông thu hoạch từ 5-10 kg măng để vợ ông bán lẻ ở chợ.
Tính bình quân với giá 15 ngàn đồng/kg măng, mỗi tháng ông thu nhập trên 10 triệu đồng. Chỉ với 3.000m2 đất trồng tre lấy măng, mỗi năm ông Tiếp thu nhập trên 120 triệu đồng, gấp 4 lần trồng lúa trên diện tích 17.000m2.
Vườn tre tứ quý của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng.
Vườn tre nhà ông Nguyễn Văn Dũng (60 tuổi) rộng 5.000m2, trồng cùng thời điểm với tre của ông Tiếp. Do trồng trên đất gò nên năng suất măng không bằng vườn của ông Tiếp, nhưng so với trồng mì hay lúa thì lợi nhuận tăng gấp 2, 3 lần.
Những năm ông Dũng trồng mì, sau 6 tháng lãi 10-15 triệu đồng. Trồng măng cũng bằng diện tích trồng mì nhưng mỗi tháng ông thu nhập trên 15 triệu đồng. Theo ông Dũng, trồng tre lấy măng công chăm sóc rất nhẹ, không phải làm cỏ, không xịt thuốc trừ sâu, mỗi năm bón phân hữu cơ 3 lần và bón vừa đủ để dưỡng thân tre mẹ. Do vậy, người trồng không phải mất công “thăm đồng” hằng ngày như trồng lúa.
Nhưng để cây tre phát triển tốt, cho măng quanh năm, điều quan trọng mà ông Dũng và ông Tiếp chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế đó là kỹ thuật cắt măng. Không được cắt măng cao hơn mặt đất, nếu gốc măng còn lại quá cao thì những mục măng mọc sau bị trồi lên mặt đất nhiều hơn, măng sẽ không đạt chất lượng. Ngoài ra, phải ủ rơm hoặc lá tre vào gốc để giữ ẩm. Vào mùa nắng phải tưới đủ nước để tre luôn xanh tốt thì mới có nhiều măng.
Theo ông Võ Văn Nối- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang, hiện nay trên địa bàn có một hộ trồng tre lấy măng nhưng hiệu quả không cao do chăm sóc không đúng cách. Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hội thảo giới thiệu các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao, trong đó có trồng tre lấy măng.
Ngoài kiến thức từ các chuyên gia ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức tham quan thực tế để bà con học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trồng tre lấy măng nhằm cải thiện kinh tế gia đình cho hội viên, nhất là những hộ có diện tích đất ít, đất trồng lúa, mì hoặc các loại hoa màu kém hiệu quả sẽ chuyển đổi trồng tre lấy măng.
Gia Huy