Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðối chiếu với các sử liệu Tây Ninh, thì hai ông chính là Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú- những đảng viên đầu tiên của nhóm Ðảng Giồng Nần. Ðây cũng là nhóm Ðảng đầu tiên có trên đất Tây Ninh, ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương (CSÐD) ra đời năm 1930.
Khu di tích Giồng Nần.
Thư viện tỉnh có bộ sách Tù nhân Côn Ðảo (1930-1945). Ba tập to dày cỡ mấy nghìn trang khổ lớn, mà chỉ chép những dòng tên… Sách do tác giả Bùi Văn Toản- qua nghiên cứu các hồ sơ lưu trữ mà tập hợp lại; Nxb Thanh Niên và Báo Thanh Niên phối hợp xuất bản năm 2010.
Cả ba tập sách đều có bản danh sách tù nhân người Tây Ninh. Danh sách trong tập 1 có 16 người, tập 2 có 10 người và tập 3 là 8 người có ngày sinh ở khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những tên làng tên đất đã từng nghe, không lạ. Như Phước Chỉ, Lộc Hưng, Tà Păng, Hàm Ninh Hạ…
Trong danh sách ở tập 1 có hai dòng tên người nghe rất quen với những người từng đọc sử Tây Ninh. Ðấy là số thứ tự 1.337: Trương Văn Chân, sinh 1895, quê Giai Hoà, Tây Ninh. Còn ở dòng thứ tự 1.344 là Trương Văn Phu, sinh 1903, cũng quê Giai Hoà, Tây Ninh.
Chữ Giai Hoà chắc viết nhầm từ địa danh Giai Hoá, tên một tổng Tây Ninh dưới thời triều Nguyễn và thuộc Pháp. Các ông này đều bị đưa ra xét xử tại Toà đại hình Sài Gòn, với tội danh “vận động lật đổ chính quyền” và bị kết án 5 năm tù ở, 5 năm biệt xứ.
Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm giữa địa ngục trần gian ấy, các ông đã hy sinh. Trương Văn Chân mất ngày 29.8.1942. Sau đó gần 2 tháng, ngày 23.10.1942, ông Trương Văn Phu cũng qua đời.
Ðối chiếu với các sử liệu Tây Ninh, thì hai ông chính là Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú- những đảng viên đầu tiên của nhóm Ðảng Giồng Nần. Ðây cũng là nhóm Ðảng đầu tiên có trên đất Tây Ninh, ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương (CSÐD) ra đời năm 1930.
Tập hợp các trang sử vàng của cách mạng Tây Ninh, bản “lý lịch di tích khu lưu niệm cơ sở Ðảng đầu tiên tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” có nội dung tóm tắt lại như sau: “Võ Văn Lợi, một thanh niên yêu nước quê Hóc Môn Bà Ðiểm, nguyên là lính tập đã bỏ ngũ, đem theo súng đạn trốn về vùng Giồng Nần từ năm 1929, vừa làm ăn sinh sống vừa tuyên truyền, tập hợp quần chúng về lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp.
Bốn thanh niên tích cực người địa phương được giác ngộ đầu tiên là hai anh em Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú và Trần Văn Luông, Nguyễn Văn Viết. Sang năm 1930, ông Lợi được kết nạp Ðảng CSÐD tại Bà Ðiểm và trở lại Giồng Nần gây dựng phong trào cách mạng.
Cũng từ đây, tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên được hình thành. Ðồng chí Lợi sau đó bị Pháp truy bắt và kết án tù chung thân đày ra Côn Ðảo. Nhóm thanh niên Giồng Nần bắt liên lạc với tổ chức Ðảng ở Ba Ti (biên giới Campuchia) và được chi bộ Ba Ti kết nạp đảng viên Cộng sản, ngoài 4 thanh niên nói trên còn có Ðặng Văn Son và Nguyễn Văn Ðộ quê ở Bến Cầu.
Nhóm Ðảng Giồng Nần trở lại, len lỏi giữa các làng của tổng Giai Hoá như Long Khánh, Long Giang, Long Chữ… xây dựng phong trào tranh đấu”.
Từ các vạn cấy, vạn cày, nhóm Ðảng đã lập nên Nông hội đỏ. Trên bia đá của nhà lưu niệm Nông hội đỏ đặt tại di tích Giồng Nần còn lóng lánh vàng tươi 12 dòng tên. Trong đó có 5 người của dòng họ Trương, đứng đầu là Trương Văn Tàu và sau cùng là Trương Thị Lẹ (trong bản lý lịch di tích đã viết sai thành Trương Thị Lệ).
Trong các tên tuổi kể trên có đến 5 người trong một gia đình họ Trương- gia đình ông Trương Văn Tàu. Các con trai và gái của ông Tàu lần lượt là Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú và cô Út chính là Trương Thị Lẹ.
Bà Trần Thị Tỏ, vợ ông Phú, con dâu ông Tàu cũng là một hội viên của Nông hội đỏ. Chính là họ Trương ở Giồng Nần đã kế thừa truyền thống quật cường của các bậc tiền bối họ Trương trên miền đất Tây Ninh và Nam bộ.
Ðấy là Trương Ðịnh- “Bình Tây đại nguyên soái” dân phong và sau đó là Trương Quyền- con trai ông cũng từng lập nhiều chiến công đánh Pháp lẫy lừng trên đất Tây Ninh những năm 1866-1867.
Mặc dù nay đã có đường 786 bê tông nhựa đưa ta về Long Vĩnh, xã có trong lòng điểm son chói đỏ Giồng Nần, nhưng xin đến với Giồng Nần bằng chính con đường các bậc cha ông đã đi thuở trước.
Ðó là theo sông Vàm Cỏ Ðông, tới đoạn đối diện Bến Ðình, Trường Tây gặp rạch Giồng Nần, từ vàm rạch đi vào thêm hơn hai cây số đã thấy ngay những mái đỏ tươi của khu di tích. Ông Trương Ðịnh Quang- con trai ông Trương Văn Chẩn bảo: khu di tích được xây trên chính nền nhà của ông nội ông (Trương Văn Tàu) mà các thế hệ sau đồng lòng hiến tặng.
Nhà bia kỷ niệm nhóm Ðảng đầu tiên quay mặt ra bến Ðường Xuồng, là điểm cuối cùng của con rạch. Ðất vườn trên giồng đã đầy ắp cao su.
Ðất ruộng hai bên bến sông cũng đã miên man đồng lúa. Gần 200 năm trước, đất này- theo sách Ðại Nam Thực lục: “Phía Tây huyện Quang Hoá (bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ) là rừng Quang Hoá”.
Sách Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức viết trước năm 1820 mô tả: “Gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm…”. Dòng họ Trương cùng các lưu dân tứ xứ đến đây tự khi nào chẳng rõ mà cả miền Long Vĩnh, Giồng Nần nay đã mườn mượt cao su và đầy ắp lúa đồng bưng.
Chỉ biết xã Long Vĩnh ngày nay- thôn Long Vĩnh thời xưa đã có từ rất sớm, ngay sau khi miền đất Tây Ninh được định danh chính thức là phủ Tây Ninh vào năm 1836. Khi ấy, thôn Long Vĩnh còn thuộc tổng Hàm Ninh, phủ Tây Ninh. Ðến thời Pháp thuộc, ngày 24.12.1873, Long Vĩnh mới thuộc về tổng Giai Hoá.
Rừng hoang thành ruộng rẫy. Cảnh xưa có lẽ chỉ còn trên rạch Giồng Nần, cũng là lối người xưa đi tìm đất mới. Chuyện cũ kể rằng, từ Vàm Cỏ Ðông luồn rừng chèo ghe đi tới, gặp ngay một dải đất giồng, nơi có nhiều loại dây leo có củ nần (hay củ nầng), có thể dùng làm thức ăn để cầm cự cho đến lúc đồng bưng hoang thành ruộng rẫy.
Vậy là Giồng Nần thành tên gọi. Cho đến tận bây giờ, vẫn có thể cảm nhận sự hoang vu của rạch Giồng Nần. Những cây gừa đã sống bao năm thả những bộ rễ xù xì kiên trung bám đất. Chấp chới trên cao là những đọt lá cây săng máu đỏ tươi.
Ðây đó tràm vàng thả bóng trước sân những ngôi nhà tạm bợ của người nuôi vịt hoặc trông coi lúa. Ðó đây thanh thản những chiếc xuồng con, đạp chèo bằng chân của người đi cắt cỏ nuôi trâu.
“Ðất nghèo nuôi những anh hùng”. Câu thơ này đúng với đất Giồng Nần, nay thuộc về ấp Long Ðại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Miền đất được sinh thành từ rất sớm mà chưa nghe ai nói tới đình làng. Có lẽ khu di tích này lập nên, mới có những mái đầu tiên kiểu đình làng Nam bộ. Nhìn ra trước sân, có một cây dầu vút cao đã sum suê bóng toả.
Lại nhớ đến người cha lẫm liệt Trương Văn Tàu thuở trước. Ba người con gái và con dâu của ông đã được Nhà nước vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng. Hai người con trai liệt sĩ là Trương Văn Chẩn và Trương Văn Phú đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Ðảo. Cả hai đều đã được tặng bằng Tổ quốc ghi công ngày 13.2.1978 do Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ký.
Cơ sở Ðảng đầu tiên. Nhóm (hay tổ) Ðảng đầu tiên trên đất Tây Ninh. Hạt nhân của những phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng đầu tiên trên đất Tây Ninh. Những liệt sĩ Giồng Nần cũng có thể là những liệt sĩ đầu tiên trên miền đất Tây Ninh trung dũng kiên cường, quê hương căn cứ địa suốt hai thời kỳ kháng chiến.
TRẦN VŨ