Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự:
Những lời “gan ruột của Dân”
Thứ hai: 08:09 ngày 28/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Việt Nam, theo báo cáo của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 6,82% và đại biểu tin tưởng rằng cả năm nay tăng trưởng trên 7%.

- Mấy hôm nay chắc ông nhà báo không làm sao rời mắt khỏi các trang báo, trang mạng có thông tin về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Thủ đô chớ hả?

- Vừa gặp nhau là ông hỏi ngay chuyện ấy, chắc chắn là ông cũng theo dõi kỹ diễn tiến kỳ họp, vậy ông có điều gì tâm đắc để bày tỏ với Bàn Dân không?

- Dĩ nhiên phải có rồi. Trước hết là việc Quốc hội đã bầu chọn Chủ tịch nước đúng “ý Đảng, lòng Dân”, tiếp đến là chuyện Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với những nội dung đã làm được trong năm nay và sẽ làm trong năm tới phải nói là thật “nức lòng, hởi dạ” dân mình đó ông!

- Bàn Dân hoàn toàn tán thành nhận định của ông về hai chuyện “quốc gia đại sự” ấy. Nhưng ông có thể chia sẻ rõ ràng hơn với Bàn Dân về nội dung mà ông cho là “nức lòng, hởi dạ” dân mình ấy không?

- Được chớ, nhưng mà… tôi không đủ lời lẽ để nói lại, để phân tích cho ông nghe, nên tôi xin mượn lời các vị đại biểu Quốc hội để chia sẻ với ông.

- Vâng, mượn lời ai cũng được, miễn nói trúng ý ông muốn chia sẻ là tốt thôi.

- Theo ý kiến của một vị đại biểu, là chuyên gia kinh tế có uy tín ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua là nỗ lực rất đáng tự hào của cả hệ thống chính trị, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn mà chúng ta duy trì được sự ổn định và bảo đảm được cân đối lớn cùng nhiều cân đối khác.

Về tăng trưởng kinh tế, đại biểu cho rằng hiện nay, kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng trực diện bởi những bất ổn nên đã bắt đầu chững lại. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung của cả thế giới dự báo thấp hơn so với năm 2023.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%; WB dự báo tăng trưởng các nước trong khu vực như: Thái Lan 2,8%, Indonesia 5%, Philippines 5,8%...

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 6,82% và đại biểu tin tưởng rằng cả năm nay tăng trưởng trên 7%.

Một điểm sáng nữa là thành tựu xuất khẩu, tăng 15,4%, trong khi chi phí logistics toàn cầu tăng cao, giá cả thế giới liên tục biến động, tăng giảm bất thường về giá dầu, giá vàng. Đối với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2024 tăng cao 10,7%, đại biểu cũng cho đó là một điểm sáng.

Ông đại biểu ấy còn nói một câu mà tôi cảm thấy hết sức tự hào: “Mặc dù thế giới bất ổn, dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi chính sách lãi suất quốc tế. Có những nơi dòng vốn chảy ra, ở Việt Nam thì dòng vốn chảy vào”. Đặc biệt là thông tin “chúng ta chọn lọc để định hướng dòng vốn vào những nơi cần thiết, tập trung ưu tiên vào công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn…”, ông thấy có phải là quá hay, quá “cập nhật theo dòng thời đại” không nào!

- Ông đại biểu ấy nói rất chí lý, nhưng dù sao cũng là làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của thành tựu. Còn Bàn Dân thì đọc được ý kiến của một vị đại biểu khác, phân tích sâu hơn về những khía cạnh đáng chú ý có liên quan đến các thành quả ấy!

- Cái này hay thiệt à nghen, ý kiến thế nào, đại biểu nào phát biểu vậy ông?

- Ý kiến của ĐBQH Tô Lâm, Tổng Bí thư của Đảng ta, phát biểu tại phiên thảo luận tổ hôm 26.10. Cụ thể là Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân”. Tổng Bí thư khẳng định, nhìn chung, thành tựu kinh tế - xã hội thời gian qua đạt được là rất lớn.

Chúng ta ngày càng có kinh nghiệm, hướng vào sản xuất, kinh doanh với những con số rất đáng mừng. Nhưng nhìn vào thực chất cũng còn những vấn đề rất lo, do đó, phải nhìn vào những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân.

Tổng Bí thư lưu ý một số địa phương hiện phát triển rất tốt nhưng nếu có dự án lớn rút là “chới với”, hay có sự cố gì đó thì không gượng dậy được. Do đó, ngoài đạt các chỉ tiêu, con số trước mắt thì phải nhìn vào sự phát triển bền vững.

Tổng Bí thư còn nói đến những vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, kết quả thời gian qua là đáng mừng, nhưng vẫn chưa thực sự thực chất. Theo Tổng Bí thư là phải có sự quan tâm ngay từ cơ sở.

Nhiệm vụ đó là của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục hay y tế. Đề cập vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư chỉ rõ, đây là tình trạng người dân bức xúc. “Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng sao cứ đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc.

Vậy ai chịu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí, nếu doanh nghiệp không làm thì phải thu hồi theo quy định. Vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm. Đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân”…

Ông thấy đó, những vấn đề người đứng đầu Đảng ta đặt ra đúng là “gan ruột của Dân” đấy chứ!

 Bàn Dân

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh