Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những lưu ý khi chuyển hoặc nhận nhầm tiền qua tài khoản
Thứ bảy: 00:01 ngày 11/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước khi hoàn tất khâu xác thực mã OTP, nên kiểm tra kỹ lại mã số tài khoản, ngân hàng và họ tên của người cần chuyển để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Ông S đang giữ chứng từ giao dịch phiếu hạch toán với thông tin chưa cụ thể, gây khó khăn trong việc viết đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Với sự phát triển nhanh chóng của ứng dụng công nghệ số, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, việc chuyển tiền qua ứng dụng Internet Banking của các ngân hàng được mọi người ưa chuộng bởi giao dịch nhanh chóng, tiện lợi. Thế nhưng, tiện lợi này cũng có rủi ro khi việc chuyển tiền qua nhầm tài khoản, sai tên người thụ hưởng, gây rắc rối cho khách hàng.

Chuyển tiền nhầm...

Ngày 13.11.2022, ông S (ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) sử dụng điện thoại thông minh để chuyển số tiền 3 triệu đồng cho người thân thông qua dịch vụ Internet Banking của một ngân hàng. Tuy nhiên, tại thời điểm thao tác trên máy điện thoại, ông S bấm sai số tài khoản của người cần chuyển tiền, dẫn đến việc số tiền trên được chuyển vào tài khoản của một người khác tên L.

Phát hiện việc chuyển tiền nhầm, ngày hôm sau ông S đến chi nhánh của ngân hàng tại tỉnh Tây Ninh để cung cấp các thông tin liên quan, đồng thời yêu cầu ngân hàng hỗ trợ can thiệp để ông L chuyển trả lại số tiền 3 triệu đồng.

Chi nhánh ngân hàng có cung cấp cho ông S chứng từ giao dịch phiếu hạch toán - mẫu EB-HT. Trên chứng từ này chỉ thể hiện mã số tài khoản của ông L là sử dụng chung ngân hàng với ông S, họ và tên theo kiểu chữ viết tiếng Anh mà không có số điện thoại hay địa chỉ cụ thể của ông L.

Cũng theo ông S, khi cung cấp chứng từ nêu trên, nhân viên của chi nhánh ngân hàng cho hay do ông L không có thiện ý trả lại số tiền, nên ông S cần liên hệ cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, ông S thắc mắc về việc vì sao phía ngân hàng không hỗ trợ ông chuyển hồ sơ vụ này qua cơ quan có thẩm quyền giải quyết, mà lại hướng dẫn ông tự liên hệ? Vì ông S không biết chính xác họ tên, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của ông L thì làm sao viết đơn để gửi cho cơ quan có thẩm quyền?

Những quy định cần lưu ý

Nhằm hỗ trợ thông tin về các quy định liên quan đến vấn đề trên cho ông S nói riêng và khách hàng của ngân hàng nói chung, ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh đã chia sẻ một số nội dung đáng quan tâm như sau:

Tại Điều 15a Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19.8.2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán. Theo đó, thời gian tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại, ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng.

Trường hợp khách hàng chuyển tiền nhầm tài khoản, cần liên hệ với ngân hàng để thông qua ngân hàng quản lý tài khoản của người nhận nhằm thực hiện xác minh đối với người nhận tiền. Nếu người nhận tiền xác nhận và hoàn trả khoản tiền nhận nhầm thì ngân hàng sẽ thực hiện quy trình thu hồi và hoàn trả cho khách hàng.

Trong trường hợp người nhận tiền không hợp tác, không trả lại tiền hoặc không liên lạc được với người nhận tiền, ngân hàng quản lý tài khoản của người này sẽ thông báo lại cho bên ngân hàng đã chuyển tiền trước đó (do lỗi của khách hàng thao tác nhầm) để trả lời, hướng dẫn khách hàng trình báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Khoản 3 Điều 15a Thông tư nêu trên có quy định, trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn); đồng thời, thông báo bằng văn bản cho khách hàng về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại.

Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thoả thuận với khách hàng về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.

Cũng tại khoản 4 Điều 15a đang đề cập, trong trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng và các bên liên quan không thoả thuận được hoặc không đồng ý với quá trình đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Riêng về phía người nhận được tiền do chuyển nhầm, theo quy định của Luật Dân sự năm 2015, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đáng lưu ý, việc người nhận tiền chuyển nhầm nhưng không trả lại số tiền này, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…) có quy định rõ về việc xử lý đối với hành vi này. Ngoài ra, tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Như vậy, ông S có thể tham khảo các nội dung mà ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh đã chia sẻ ở trên để thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật. Khách hàng sử dịch vụ Internet Banking của ngân hàng cần hết sức thận trọng khi thực hiện thao tác chuyển tiền.

Đặc biệt, trước khi hoàn tất khâu xác thực mã OTP, nên kiểm tra kỹ lại mã số tài khoản, ngân hàng và họ tên của người cần chuyển để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí là khó hoặc không lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm.

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ thì phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác; tại điểm b khoản 4 Điều này cũng có quy định buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục