Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những mái nhà “tình nghĩa quân – dân”
Thứ tư: 11:24 ngày 01/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ năm 2019, Bộ CHQS Tây Ninh đã triển khai xây dựng những mái nhà tình nghĩa quân – dân. Năm nay, theo kế hoạch, 21 căn nhà sẽ được xây dựng và bàn giao cho người dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn còn khó khăn về nhà ở.

Giữa tháng 5.2020, gia đình anh Nguyễn Hoa Tấn Đạt ở ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là vừa được Ban CHQS huyện Dương Minh Châu bàn giao căn nhà “Tình nghĩa quân dân”. 

Đại diện Ban CHQS xã Chà Là cho biết, Đạt từng tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2012, ra quân năm 2014. Trong thời gian đi nghĩa vụ, ba mẹ của Đạt lần lượt bệnh và mất đi. Ra quân, Đạt một mình làm lụng, kiếm tiền trang trải những khoản nợ trước đây của gia đình. Dù chăm chỉ, nhưng ước mơ về một ngôi nhà khang trang làm nơi thờ cúng ba mẹ còn quá xa xôi.

Ban CHQS huyện Dương Minh Châu tặng quà cho gia đình anh Nguyễn Hoa Tấn Đạt.

Chia sẻ với hoàn cảnh của Đạt, Ban CHQS huyện Dương Minh Châu đã phối hợp với Uỷ ban MTTQVN huyện vận động siêu thị Co.opmart Dương Minh Châu 40 triệu đồng, UBND xã Chà Là hỗ trợ 40 triệu đồng từ quỹ vận động xây nhà Tình nghĩa quân – dân 40 triệu đồng do Công ty TNHH Xuân Cầu tài trợ.

“Khi có tiền hỗ trợ xây nhà, tôi được địa phương vận động bỏ thêm tiền để cất căn nhà cho tươm tất. Tôi đã mượn thêm của người thân cùng ít tiền của gia đình được 50 triệu đồng.

Ngoài ra, tôi còn tận dụng những tấm tôn cũ, cây cũ để đỡ tiền mua”, anh Đạt nói. Bản thân là thợ hồ nên anh Đạt cũng tham gia xây dựng, đỡ phần tiền công thợ hơn 1 tháng. “Có vầy là mừng lắm rồi, tôi sẽ cố gắng làm để vài năm nữa có dư, tô tường cho vững chắc luôn”, anh Đạt chia sẻ.

Dự kiến ngày 15.7 tới đây, vợ chồng anh Cao Văn Sà Rút và chị Cao Thị Vonl ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh sẽ được bàn giao căn nhà mới từ chương trình xây nhà tình nghĩa quân dân do Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS thành phố vận động xây tặng.

Cả nhà anh Sà Rút gồm 6 người sống chung trong căn nhà chật chội, thấp tè. Chị Cao Thị Vonl cho biết, nhà có 2 công đất dưới chân núi, mỗi năm làm 1 vụ nên cũng chẳng thấm vào đâu. Chủ yếu cả nhà đi làm mướn để sống. Hơn 3 tháng nay, vợ chồng anh còn nhận nuôi bò rẻ của người quen, hy vọng có thêm khoản thu nhập lo cho gia đình.

Nói về tiền xây nhà, chị Cao Thị Vonl cho biết "Tỉnh cho 80 triệu đồng, vợ chồng tôi với con mượn bỏ phụ vô 70 triệu đồng nữa. Tôi tính tô bên trong với lót nền thôi. Có nhà vầy mừng lắm rồi: Bình thường xây nhà không có được đâu. Ăn còn không đủ nữa mà”.

Chị Cao Thị Vonl bên ngôi nhà đang xây dựng.

“Ở ấp Thạnh Đông, các đối tượng nghèo và cận nghèo hiện nay đã được chăm lo xây tặng nhà đại đoạn kết. Số nhà còn lụp xụp chủ yếu là những hộ khó khăn. Khi có chương trình xây nhà tình nghĩa quân dân, địa phương chúng tôi thống nhất xây nhà cho vợ chồng anh Sà Rút – là đồng bào dân tộc Khmer.

Hiện địa phương đang tập trung nguồn lực để phấn đấu 3 năm nữa ấp Thạnh Đông không còn hộ khó khăn về nhà ở”, ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Thạnh Đông cho biết.

Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Trị và bà Nguyễn Thị Lắm ở ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đã được vào ở nhà mới hơn 2 tháng nay. Bà Lắm cho biết, bà năm nay 70 tuổi, ông 80 tuổi. Ông từng có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến, và có người chị gái là liệt sĩ đã hy sinh vào năm 1968.

Bà Lắm cho biết thêm, khoảng 3 năm trước bà còn đi làm thêm chỗ này chỗ kia, nhưng từ khi sức khỏe xuống, bà phải ở nhà. Chi phí trong nhà chỉ dựa vào 2 người con gái, “nhưng tụi nó cũng chẳng khấm khá gì”.

Ngôi nhà chưa được quét vôi. Vật dụng bên trong chỉ có tấm ván, bàn thờ tổ tiên được đưa từ nhà cũ ra. Phía sau vẫn còn trống hoác. Nhưng, với ông bà, đó là niềm vui, là mơ ước của cả đời người.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Trị và bà Nguyễn Thị Lắm được Bộ CHQS tỉnh trao vào dịp 30.4

“Cả đời vợ chồng tôi sống trong căn nhà gỗ, mái tôn cất từ mấy chục năm nay. Nay vách, cột đều xiêu vẹo hết. Cũng định sửa sơ lại ở tạm, thì địa phương xét tặng nhà. Họ hàng nội ngoại 2 bên, mỗi người cho một ít, cộng thêm chút tiền dành dụm cả đời của 2 vợ chồng mới làm được căn nhà như này. Coi như ước mơ cuối đời có cái nhà đã toại nguyện rồi”, bà Lắm bộc bạch.

Những mái nhà “tình nghĩa quân - dân” như tên gọi đã thể hiện sự gắn kết, chia sẻ của lực lượng vũ trang với người dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo, cùng chung tay xây dựng Tây Ninh ngày một đi lên.

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục