BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những mảnh đời trong “Không ai qua sông” 

Cập nhật ngày: 26/05/2017 - 09:58

BTNO - “Không ai qua sông” là tập truyện ngắn của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư, do NXB Trẻ xuất bản năm 2016. Vẫn là giọng văn miền Tây mộc mạc, đượm buồn, tác giả lại một lần nữa kể cho độc giả những câu chuyện về cuộc đời, con người vô cùng cảm động và day dứt.

Tập sách có cả thảy 13 truyện ngắn. Đó là 13 câu chuyện chứa đựng nhiều mảnh đời khác nhau nhưng thực ra cùng chung một phận người phải oằn vai gánh bao nhiêu khắc nghiệt, chua cay mà cuộc đời đổ xuống.

Một Thầm có “đôi chân vàng”, chinh phục biết bao quãng đường dài trong các cuộc thi điền kinh, chiến thắng biết bao nhiêu giải trong nước, quốc tế nhưng không thể nào chạy đến được trái tim của người mẹ. Có chăng, đó chỉ là cái bờ vực mong manh của một hố sâu bí mật nơi cõi lòng bà mẹ.

Một Tím cứ ôm hoài mối hận từ cái tuổi 15 xa xôi về một kẻ cưỡng bức giấu mặt. Đeo chiếc nút áo lên cổ, Tím hằng mong mỏi có một ngày mình tìm được kẻ thủ ác năm xưa nhưng nào ngờ chính những mải miết ấy đã làm cô lướt qua nhiều cơ hội hạnh phúc cho mình.

Một Ngò cũ kỹ, héo úa, cứ loay hoay nhặt nhạnh những ủi an từ niềm vui thưa thớt mà cuộc đời trao tặng. Ngò chật vật sống, chật vật yêu, để rồi cũng chật vật hết sức níu giữ người đàn ông bên cạnh mình. Một Trọng vì đời trớ trêu, vì mặc cảm, vì những tự ái, dằn vặt... đã phải khổ sở rời xa tình yêu của đời mình. Như dây diều đứt. Chao nghiêng.

Một Thiếp, thấp thỏm với lòng yêu con da diết nhưng phải đứng ở xa mà len lén nhìn con. Rồi một Tây, Vĩnh, Cao Bồi, Nhí... Bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận cứ đan cài vào nhau như những ngọn lửa mà hầu hết ánh cháy đều mang sắc xót xa. 

Trong tập truyện, ngoài nội dung, điều đọng lại trong lòng người đọc còn là giọng kể rất đặc biệt của Nguyễn Ngọc Tư. Vẫn dùng những câu ngắn, dứt khoát, giọng nghe như lạnh lùng, đứng ngoài câu chuyện nhưng kỳ thực nhà văn lại hơn ai hết thấu hiểu, đồng cảm và thương các nhân vật của mình.

Không thương sao mà ngay trong những tình tiết nhỏ, tác giả cũng có thể xé lòng người đọc bằng những câu, những chữ rất nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Không thương sao mà có thể biết được chừng ấy những tâm tư, tỏ tường chừng ấy trở trăn, nghe rõ chừng ấy tiếng thở dài của từng nhân vật. Nguyễn Ngọc Tư không chỉ đang kể chuyện mà chị còn như sống cùng câu chuyện ấy đến tận cùng. 

Đọc “Không ai qua sông” sẽ thấy, “chất” Nguyễn Ngọc Tư không lẫn vào đâu được. Cái nét riêng ấy có chút gì đó giản dị nhưng không kém sâu lắng, bất ngờ mà không quá phô trương, câu từ phong phú nhưng không màu mè, lê thê... Sở dĩ những câu chuyện mà chị viết được người đọc nhớ mãi là bởi chị luôn chăm chút đến từ chi tiết nhỏ. Đầu tiên là cái tên. Không phải vô tình mà đa số những cái tên nhân vật trong truyện Nguyễn Ngọc Tư viết đều có ngụ ý riêng.

Quay ngược trở lại với tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim là “Cánh đồng bất tận” với hai nhân vật chính là hai chị em Nương, Điền. Hai cái tên này đều mang nghĩa là đất, là ruộng, là những gì gắn bó thân thương nhất. Phải chăng đây ấp ủ niềm mong ước nhỏ nhoi của những người trong cuộc về một ngày mai không còn lênh đênh, trôi nổi; một ngày mai có mảnh đất để mà trồng cụm hành, cây ớt; một mảnh đất để sống nương tựa cùng người thân, người thương...

Ở “Không ai qua sông”, vẫn cái lối đặt tên nhân vật ấy; những Lì, Ngò, Tím, Cao Bồi, Thầm... tác giả đã thì thầm với người đọc về tính cách của họ, cuộc đời và những sóng gió họ đã và sẽ trải qua. Trong từng mảnh đời mà Nguyễn Ngọc Tư ghi lại, dù có chua xót, khổ cực đến mức nào vẫn thấy thấp thoáng niềm tin, sự lạc quan, nguồn hy vọng dường như chưa bao giờ tắt.

Như Ngò trong “Mây mưa”, vẫn hy vọng rồi mình sẽ có con để cuộc sống bớt đi tủi buồn. Còn Vĩnh trong “Đi thật xa mới đến nhà bạn cũ” thì cuối cùng cũng nghe theo tiếng lòng tìm lại đứa con rơi ngày nào mặc dù biết trước khó khăn sắp tới phải đối mặt...

Còn bao nhiêu mảnh đời là bấy nhiêu phận người cố ngoi lên giữa vũng bùn số phận được Nguyễn Ngọc Tư khéo léo tạo thành từng mảnh ghép, ghép thành những bức tranh cuộc đời đầy những gian truân nhưng vô cùng sinh động.

Sách đang có tại Thư viện tỉnh Tây Ninh.

Yến Nhi