Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) thị trấn Trảng Bàng (huyện Trảng Bàng) đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm trợ giúp, chia sẻ khó khăn với người nghèo ở địa phương, trong đó có hai mô hình “Góc yêu thương” và “Bếp yêu thương”.
Người dân đến nhận quần áo cũ từ “Góc yêu thương”.
“Góc yêu thương” do Hội LHPN và Ðoàn Thanh niên Thị trấn phối hợp thực hiện từ cuối tháng 1.2017 với phương châm hoạt động “Ai thừa đến cho - Ai thiếu đến nhận”.
Mô hình này kêu gọi mọi người cùng quyên góp, chia sẻ quần áo và các đồ dùng sinh hoạt gia đình cho người nghèo. Ðịa điểm đặt “Góc yêu thương” là nhà riêng của chị Lê Thị Thông Vị- Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn, tại khu phố Gia Huỳnh.
Ban đầu, để có nguồn hàng dự trữ cho “Góc yêu thương”, chị Vị đã bỏ công vận động và thu được một số lượng lớn quần áo, vật dụng cũ từ Ðài Phát thanh - Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Sau này, chị đã quyên góp được nguồn quần áo cũ từ người dân trên địa bàn. Từ đó, nguồn hàng của “Góc yêu thương” lúc nào cũng đầy đặn. Không chỉ góp quần áo cũ, nhiều người còn cho cả chăn, màn, dụng cụ học tập, đồ dùng gia đình... tuy đã cũ nhưng chất lượng còn tốt có thể tiếp tục sử dụng được lâu dài, đôi khi có người còn cho cả đồ mới.
Bà Ðặng Thị Kỷ, 59 tuổi, nhà ở khu phố Gia Huỳnh, người thường nhận quần áo cũ từ “Góc yêu thương” hào hứng chia sẻ: “Hôm nay, cô nhận được một cái mền còn rất mới nên vui lắm.
Kỳ nào cô cũng đến với “Góc yêu thương” để nhận quần áo cũ cho các con của cô. Tuy nói là đồ cũ nhưng chất lượng còn tốt lắm, có khi còn nhận được những vật dụng mà cô chưa bao giờ mua nổi nên cô rất thích mô hình này”.
“Góc yêu thương” được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các hội viên của Hội LHPN cũng như nhiều người dân ở thị trấn Trảng Bàng. Nó đã dần trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp sinh sống trên địa bàn.
Chị Vị hy vọng, mô hình này sẽ được duy trì và ngày càng nhân rộng ra các nơi khác để có thể giúp đỡ nhiều người nghèo hơn- không chỉ riêng trên địa bàn Thị trấn.
Sau thành công của mô hình “Góc yêu thương”, chị Vị và các hội viên tích cực của Hội LHPN thị trấn Trảng Bàng tiếp tục cho ra đời mô hình mới- “Bếp yêu thương”. Mô hình này bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 6 vừa qua và diễn ra đều đặn vào sáng thứ bảy hằng tuần.
Ban đầu, qua khảo sát trên địa bàn 4 khu phố, chị Vị quyết định thực hiện kỳ đầu tiên của mô hình “Bếp yêu thương” với 80 suất ăn sáng cho 80 người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi bệnh tật, neo đơn. Thế nhưng, sau 6 kỳ hoạt động, số đối tượng cần phục vụ đã dần tăng lên.
Ðến nay, “Bếp yêu thương” đạt con số 130 suất ăn/kỳ. Các đối tượng phục vụ của “Bếp yêu thương” trải đều cả 4 khu phố và còn sang cả xã An Hoà.
Tuy là bếp ăn từ thiện, nhưng không vì thế mà đại khái, qua loa. Ngược lại, các bà, các chị, các cô “đầu bếp” luôn kỹ lưỡng, chỉn chu trong từng khâu- từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến.
Bà Trần Thị Cháp, 64 tuổi, thường trú tại khu phố Gia Huỳnh- đầu bếp chính của “Bếp yêu thương” chia sẻ: “Phải nấu cho ngon, vì sợ nấu không ngon, lần sau đem cho người ta không lấy.
Vì vậy, khi đi chợ tôi toàn lựa đồ tươi ngon, có khi giá cả lên cao, tiền chợ không đủ, các bà các cô tự bỏ thêm tiền mỗi người một ít để mua cho đầy đủ nguyên liệu, như vậy món ăn nấu ra mới ngon, để người ta ăn rồi còn muốn nhận nữa!”.
Những suy nghĩ như thế đã giúp bữa ăn của “Bếp yêu thương” không chỉ luôn bảo đảm về khẩu phần mà còn ngon miệng. Ðể thực hiện mô hình này, chị Vị đã kêu gọi sự đóng góp của các hội viên phụ nữ và cả cộng đồng thông qua mạng xã hội Facebook.
Sau mỗi kỳ “Bếp yêu thương” hoạt động, chị đều thay mặt Hội thông báo, công khai minh bạch số tiền quyên góp và chi phí đã sử dụng cho bếp ăn trên Facebook.
Sự minh bạch này gúp cho các mạnh thường quân cũng như các hội viên yên tâm, tin tưởng sự đóng góp, ủng hộ của mình đã đến đúng nơi, đúng chỗ và đúng mục đích.
Ngọc Bích