Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sư đoàn 5:
Những mốc son tiêu biểu trong 10 năm đánh Mỹ (1965-1975)
Thứ ba: 23:05 ngày 21/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trải qua 10 năm đánh Mỹ, Sư đoàn 5 và 18 tập thể (gồm 5 trung đoàn, 7 tiểu đoàn, 6 đại đội), 12 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Một buổi sinh hoạt truyền thống của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 5 năm 1973.

Ngày 23.11.1965, tại vùng núi Mây Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sư đoàn 5, Quân khu 7 được thành lập. Từ năm 1965 đến 1975, lịch sử Sư đoàn 5 trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi phải đụng độ với các đơn vị sừng sỏ của Mỹ được trang bị “tận răng”.

Kế thừa, phát huy truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, cùng ý chí giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, Sư đoàn 5 liên tục lập nhiều chiến công vang dội, ghi dấu những mốc son trong lịch sử vẻ vang suốt chặng đường 10 năm đánh Mỹ (1965-1975).

Mốc son đầu tiên trong lịch sử Sư đoàn 5 in đậm những chiến công trong hai năm đầu thành lập (1965-1967). Giai đoạn này, Sư đoàn 5 tác chiến chủ yếu trên địa bàn huyện Đất Đỏ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.

Những cán bộ, chiến sĩ thế hệ đầu tiên của Sư đoàn đã tự hào vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu, đập tan nhiều cuộc hành quân càn quét của quân Mỹ, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế có lợi cho cách mạng Miền Nam. Những chiến công vang dội, liên tiếp đó đặt nền móng vững chắc, xây nên truyền thống “Đoàn kết, trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù” của Sư đoàn.

Phát huy thắng lợi ban đầu thành lập, Sư đoàn tiếp tục tiến công trong mọi tình huống, mọi điều kiện chiến trường và mọi đối tượng tác chiến trong tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Kết thúc đợt 3 tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sư đoàn vinh dự được Bộ Tư lệnh Miền tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” và Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì. Các đơn vị Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 88, Trung đoàn 33, Tiểu đoàn 22ĐKZ, Tiểu đoàn 31 QY được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Bước sang giai đoạn 1969-1972 chiến đấu trên địa bàn Long Khánh, Bình Phước và dọc tuyến biên giới giáp 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 lại đánh dấu một mốc son về sự trưởng thành nhanh chóng, vượt bậc của Sư đoàn với khả năng tác chiến tập trung cấp trung đoàn, sư đoàn, đánh tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn và chiến đoàn địch.

Đặc biệt, chiến công tiêu diệt Chi khu Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 4.1972. Tổng kết chiến dịch, Sư đoàn 5 vinh dự được nhận cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” của Quân uỷ, Bộ Chỉ huy Miền và Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì, có 4 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Quân giải phóng miền Nam.

 Giữa năm 1972 đến giữa năm 1973, Sư đoàn 5 rời chiến trường miền Đông cơ động về tác chiến trên chiến trường Tây Nam bộ. Mặc dù chưa quen tác chiến ở địa bàn sông nước, song, bằng ý chí quyết tâm cao độ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã tổ chức hành quân với khí thế sôi nổi, thi đua lập công đầu xuất sắc.

Chiến đấu ở địa hình mới, Sư đoàn 5 đã dựa chắc vào Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; tạo thế trận hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và LLVT địa phương; chủ động nghiên cứu, thay đổi cách đánh phù hợp theo phương châm “tinh gọn” về lực lượng, “cơ động linh hoạt, đánh chắc thắng”. Kết quả một năm chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ, Sư đoàn 5 đã tiêu diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn địch, 16 đại đội nguỵ quân Sài Gòn, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 6 xe thiết giáp và giải phóng 6.000 dân.

Những thành tích của Sư đoàn giai đoạn 1969-1973 không những tiếp tục khẳng định sự trưởng thành, ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần dũng cảm, yêu nước, lòng trung thành với Đảng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn mà còn có ý nghĩa góp phần cùng toàn quân và toàn dân ta thực hiện sách lược “vừa đánh vừa đàm”, giành thắng lợi quyết định trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris của Đảng, Nhà nước ta.

Từ giữa năm 1973 đến tháng 2 năm 1975, Sư đoàn được lệnh cơ động từ đồng bằng khu 8 về chiến đấu tại Tân Biên, Tây Ninh, rồi lại trở lại lần lượt chiến đấu trên địa bàn Châu Thành, Tây Ninh, Mộc Hoá, Kiến Tường làm nhiệm vụ mở rộng hành lang Vàm Cỏ Tây, sẵn sàng cắt lộ 4 khi có thời cơ. Trong giai đoạn này, mặc dù liên tục cơ động trên địa bàn rộng, song Sư đoàn đã phối hợp LLVT địa phương đánh tiêu diệt trên 2.000 tên địch, san bằng, bức rút 25 đồn, bốt, hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ 20 xã, 220 ấp, giải phóng 33 vạn dân.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, CBCS Sư đoàn 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chia cắt lộ 4, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long An, vinh dự được góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc chặng đường đánh Mỹ, nguỵ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tổng kết thành tích 10 năm tham gia đánh Mỹ, Sư đoàn 5 đã đánh gần 1.000 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 94.812 tên địch. Trong đó, có 4.992 sĩ quan cấp uý và cấp tá. Bắt sống 23.611 tên địch, trong đó có 1 đại tá, 10 trung tá.

Sư đoàn tổ chức đánh tiêu diệt 3 chiến đoàn, 2 trung đoàn, 21 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn Thái Lan, 6 tiểu đoàn nguỵ, Lonnon; 7 chi đoàn xe bọc thép, 3 giang đoàn, 109 đại đội).

Sư đoàn đánh quỵ và đánh thiệt hại nặng: 6 sư đoàn (5, 7, 9, 18, 22 nguỵ) và Sư đoàn 25 (Tia chớp nhiệt đới Mỹ), 4 lữ đoàn (Lữ dù số 1 nguỵ, Lữ 1, 3, 16 Lonnon), 9 chiến đoàn, trung đoàn, liên đoàn; 38 tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn Mỹ), 14 chi đoàn xe bọc thép. Diệt và bức rút, bức hàng 374 đồn bốt (1 tiểu khu, 47 chi khu, yếu khu, phân khu).

Thu 32.017 súng các loại (có 477 khẩu pháo từ 57- 175 ly); 450 xe quân sự, 18 tàu thuyền, 917 máy thông tin, hàng trăm ngàn tấn đạn; bắn cháy và phá huỷ 1.075 xe quân sự (có 427 xe tăng xe bọc thép); bắn chìm, bắn cháy 56 tàu xuồng chiến đấu; bắn cháy và phá huỷ 494 kho xăng dầu, lương thực thực phẩm, 446 khẩu pháo các loại. Giải phóng 1 thị xã và tỉnh lỵ tỉnh Long An, 6 chi khu quân sự (Lộc Ninh, Tuyên Nhơn, Thủ Thừa, Bến Lức, Bến Tranh, Tân Hiệp) 6 thị xã, thị trấn và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, hơn 1 triệu dân được giải phóng.

Trải qua 10 năm đánh Mỹ, Sư đoàn 5 và 18 tập thể (gồm 5 trung đoàn, 7 tiểu đoàn, 6 đại đội), 12 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; được Quân uỷ, Bộ Tư lệnh Miền tặng 16 chữ vàng “Đoàn kết, trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng Mỹ - nguỵ” (ngày nay đổi là: “…đánh thắng mọi kẻ thù”, thành 17 chữ vàng).

Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục