Hiện nay, hầu hết ai cũng chán ngán
những thứ bánh kem, bánh ngọt du nhập từ trời Tây, người ta lại muốn tìm về
hương vị xưa của miếng bánh cổ truyền thơm thảo đất kinh kỳ.
Chẳng cầu kỳ, rực rỡ, những chiếc
bánh bé xinh như gói cả sự đảm đang, khéo léo của người con gái Tràng An.
Với người trẻ thuộc thế hệ của pizza, fastfood, những cái tên
bánh Gấc, bánh Mảnh cộng, bánh Củ cải…dường như thật xa lạ. Nhưng với những ai
đã mang trên đầu hai thứ tóc, các món bánh đầy hoài niệm ấy lại là niềm nhung
nhớ khôn nguôi, là con đường dẫn về những ký ức một thời thơ trẻ.
Ngày xưa, trong mâm cỗ cúng tất niên
của người Hà Nội, không thể nào thiếu mâm bánh với những chiếc bánh Gấc đỏ tươi,
bánh Chín tầng mây sặc sỡ, bánh Tô Châu, bánh Mảnh cộng, Củ cải trắng ngần, bánh
Dành dành vàng óng ả…Nhìn mâm bánh, nếm thử hương vị ngọt ngon, có thể đoán biết
được tài nữ công gia chánh của cô con gái hay bà chủ nhà khéo léo. Miếng bánh
ngọt ngào tuổi thơ và cũng làm nên duyên bao đôi lứa. Mỗi loại bánh một hương
vị, một cái ngon riêng biệt chẳng lẫn vào nhau. Bánh Gấc dẻo mềm cái dẻo của nếp
cái hoa vàng, thơm ngậy hương thơm đặc trưng của gấc và ngọt bùi nhân đậu xanh,
dừa tươi, mứt bí, hạt sen…
"Thịt" Gấc thổi xôi ăn chóng ngán,
nhưng khi trộn vào bột nếp thành món bánh Gấc sao hấp dẫn đến thế. Ngày Tết, bên
cạnh chồng bánh chưng xanh ngắt có đĩa bánh gấc đỏ tươi, cái màu đỏ của may mắn
thịnh vượng như đang mỉm cười, như thu hút mọi người nếm thử. Giờ đây, những món
bánh xưa của Hà thành đã trở thành của hiếm. Những người được ăn bánh khi còn là
một đứa trẻ nay cũng đã qua tuổi hoa niên.
K.D (st)