Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những mùa xuân còn mãi
Thứ ba: 19:20 ngày 12/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở cái tuổi gần 90, ông Đào Ngọc Tân, ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, Dương Minh Châu vẫn còn giữ vẹn nguyên những ký ức về một thời tham gia kháng chiến.

Trong ngôi nhà tình nghĩa vẫn còn thơm mùi sơn mới tại ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, bà Hà Thị Kim Em, 74 tuổi, đưa tay lau từng giọt mồ hôi khi sắp xếp đồ đạc trong nhà. Bà cười móm mém khi nhắc tới niềm vui có căn nhà mới. Năm 2009, bà Kim Em từ Đồng Tháp lên sống nhờ ở nhà người quen. Nhưng nay bà đã có căn nhà riêng của mình để nương náu khi tuổi già. Bà Kim Em làm nghề buôn bán trái cây, hiện sống cùng đứa cháu trai.

Bà Kim Em và tấm bằng khen thưởng của mình.

Tuy tuổi cao nhưng bà Kim Em vẫn còn nhớ như in một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi của mình. Bà không sao quên được ký ức về những lần thoát khỏi trận càn của quân giặc, về lần ném lựu đạn thất bại bị địch bắt, hay những đợt vận động quần chúng tham gia kháng chiến nơi quê nhà huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp… Đó là những kỷ niệm và niềm tự hào của người chiến sĩ cách mạng đi qua chiến tranh khốc liệt.

Năm 16 tuổi, bà Kim Em tham gia cách mạng. Năm 1963, khi 19 tuổi, bà Kim Em bị địch bắt giam sau lần ném lựu đạn vào đồn không thành công. Bà nhớ lại: “Đó là vào ngày 28 tết năm 1963, tôi bị bắt khi làm nhiệm vụ tại quê nhà”. Dù thoát án tử vì địch không đủ chứng cứ, bà vẫn bị giam ở nhà tù Cao Lãnh. Và bà đã phải trải qua những cái tết trong nhà tù của địch.

Trong hai năm, bà Kim Em bị chuyển đến các nhà tù Chí Hoà, Thủ Đức, nếm trải những cực hình tra tấn dã man, tàn khốc của quân thù. Đến giờ khi nhắc lại, bà vẫn cảm thấy ghê rợn, nước mắt tuôn rơi. “Nhưng lạ lắm cháu ạ, lúc đó bà không hề thấy sợ và luôn tự nhủ mình phải giữ vững khí tiết cách mạng, không khai báo gì cả”- bà Kim Em nói.

Trong những ngày lao tù, được đồng chí, đồng đội động viên. Bà cảm thấy vơi bớt nỗi đau thể xác và nỗi nhớ nhà. Bà kể, lúc đó, những người lớn trong gia đình đều tham gia cách mạng, ở nhà chỉ còn những đứa em nhỏ dại nên không ai vào thăm nom. “Tết năm đó ở trong tù, tôi được những đồng chí, đồng đội chung cảnh ngộ chia sẻ miếng bánh, bộ đồ. Mọi người có quà bánh, quần áo mới đều chia sẻ cho nhau, để ai cũng được vui tết”.

Theo bà Kim Em, những ngày tết, những người trong tù được “thảnh thơi”, ít bị tra tấn. Mọi người có cơ hội tổ chức sinh hoạt tập thể, cất cao lời ca tiếng hát. Dẫu việc này diễn ra ngắn ngủi nhưng bà Kim Em cũng thấy rất ấm lòng. Nhớ đến cái tết thứ hai trong nhà tù Thủ Đức, bà Kim Em chia sẻ: “Sau những lần được gặp nhau ngắn ngủi, về lại buồng giam, ai cũng buồn, cũng khóc. Những kỷ niệm ấy đã qua hàng chục năm nhưng tôi vẫn không thể nào quên được”.

Cũng tại ấp Hội An, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tôi còn gặp vợ chồng cựu chiến binh Phan Đức Hoà và Phan Thị Bình, quê Hương Khê, Hà Tĩnh để nghe về những cái tết xa nhà của họ.

Cùng được sinh vào năm miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), ông Hoà, bà Bình lớn lên trong thời kỳ mới. Năm 1974, ở cái tuổi 20 phơi phới, trong không khí lớp lớp, người người lên đường tòng quân vì sự nghiệp thống nhất đất nước, có ông Hoà và bà Bình. Cả hai cùng đăng ký vào Bộ Tư lệnh công binh, ông Hoà được phân công vào đội kỹ thuật sửa chữa xe phục vụ chiến đấu. Còn bà Bình chuyển vào Quân khu 4 làm công tác thủ kho. Sau ngày giải phóng, bà Bình phục viên, còn ông Hoà tiếp tục công tác đến năm 1985.

Thời gian trong quân ngũ, không được đón tết cùng người thân, ông Hoà có được niềm vui khi đơn vị tổ chức những hoạt động vui chơi, ăn tiệc mừng, thi hái hoa dân chủ… Ông Hoà nói: “Ngày tết, chúng tôi phải trực gác nên thường ăn tết sớm hơn mọi người”. Còn với bà Bình, trước khi đăng ký vào Bộ Tư lệnh công binh, bà đã có một năm dài đi Thanh niên xung phong ở chiến trường Lào.

Bà tham gia công việc tải lương xuyên rừng Trường Sơn, mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày. Bà được ăn tết giữa rừng Trường Sơn. Bà Bình nhớ lại: “Lúc ấy, đón tết giữa rừng sâu, tôi nhớ nhà lắm, còn trẻ nên dễ khóc. Tết năm ấy không đủ đầy, vẫn đậm tình đồng đội và đó là kỷ niệm tôi nhớ hoài suốt thời tuổi trẻ”.

Vợ chồng cựu chiến binh Phan Đức Hoà và Phan Thị Bình.

Năm 1986, vì cuộc sống ngoài quê vất vả, hai ông bà dắt nhau vào Tây Ninh sinh sống, lập nghiệp tại xã Tân Hội cho đến ngày nay. Từ bàn tay trắng, cần cù lao động, tích cóp, họ cũng đã lo được cho các con mình cuộc sống đủ đầy. Giờ đây, hai ông bà có thể thảnh thơi cùng tham gia công tác xã hội. Thỉnh thoảng khi ngồi nhớ lại, cả ông Hoà và bà Bình cho rằng cái tết thời chiến dẫu không đủ đầy như bây giờ nhưng vẫn rộn rã tiếng cười và niềm vui. Nhờ vậy, bây giờ họ có những câu chuyện hay để kể cho con cháu nghe.

Ở cái tuổi gần 90, ông Đào Ngọc Tân, ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, Dương Minh Châu vẫn còn giữ vẹn nguyên những ký ức về một thời tham gia kháng chiến. Ông Tân tham gia cách mạng khi bước vào tuổi 18 với lòng căm thù giặc sâu sắc. Ông vẫn còn ám ảnh bởi những trận chiến khốc liệt mà ông từng tham gia ở vùng Châu Thành và rừng lịch sử Dương Minh Châu. Ông nhớ về nỗi mất mát, tiếc thương khi người bạn thân của ông hy sinh vào một ngày giáp tết, hay trong một phiên gác tết ông đã bị thương vì giặc rải bom.

Ông Đào Ngọc Tân, 89 tuổi.

Nhiều năm xa nhà, ở chiến khu, ông Tân luôn đau đáu mong một ngày đất nước bình yên. Ông nhớ: “Hồi đó, dân trong vùng Phước Ninh nghèo lắm, nhưng rất quý chúng tôi. Ngày tết sum vầy, ấm áp, giúp chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà. Mà nói nhớ, chứ còn nhà đâu mà về, giặc phá nát rồi còn gì”.

Ngày ấy, những người lính như ông Tân thường phải ăn tết trước để đến những ngày tết canh giữ bình yên cho người dân vui xuân đón tết. Đó là một trong những điều mà ông Tân luôn cảm thấy tự hào khi kể cho cháu con nghe mỗi khi xuân về, tết đến.

V.X

Tin cùng chuyên mục