Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cùng với nhịp sống đang ngày một hối hả, tục cho chữ, xin chữ dịp đầu xuân đã và đang trở thành “sợi chỉ” vô hình gắn kết giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến các giá trị “chân – thiện – mỹ”.
1. Cho chữ đầu xuân – hướng tới giá trị “chân – thiện – mỹ”
Mỗi độ xuân về, Tết đến, “phố ông đồ” nơi Hồ Văn, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa – Hà Nội) lại tấp nập người xin, cho chữ. Những nét chữ còn nguyện vẹn mùi mực được các thư pháp gia hay còn gọi là “ông đồ” viết trên nền giấy dó, giấy điệp. Cho chữ, xin chữ ngày đầu xuân đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hồ Văn, điểm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám dịp đầu xuân năm mới – khi Hội chữ Xuân được tổ chức, là một trong những điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa đặc sắc của du khách trong và ngoài nước.
Mọi người đến đây để tham quan khu di tích, đắm mình trong những điệu hát cũng như gửi ước mơ của mình qua con chữ mà các “ông đồ” nơi đây viết tặng. Cho chữ, xin chữ đã trở thành điểm nhấn văn hóa ở nơi đây. Trưa 7-2 (tức mùng 3 Tết), khuôn viên Hồ Văn rộng lớn đông kín du khách. Mọi người đến đây, ai cũng hồ hởi.
Dãy lán dành cho các “ông đồ” cho chữ, nghiên bút, giấy dó, giấy điệp đã được bày ngay ngắn. Người ra vào tấp nập. Mọi người đến đây đều mong rằng có được con chữ do các “ông đồ” viết ứng với điều may mắn, vận hội mới mà mình muốn có trong năm mới. Chị Nguyễn Hải Hiền, nhà ở quận Long Biên (Hà Nội) cùng người thân đến với “phố ông đồ” Hồ Văn để xin chữ.
Đông người dân đến xin chữ trong khu vực Hồ Văn trong ngày mùng 3 Tết.
Vừa tốt nghiệp một trường đại học ở nước Anh, mong muốn của chị Hiền trong năm mới là được chuyển tiếp lên học cao học. Chị Hiền muốn xin chữ “thuận” để việc học cao học trong năm tới sẽ được thuận lợi. “Ông đồ” Nguyễn Văn Quý trong trang phục khăn xếp, áo dài sau khi nghe lời đề nghị của chị Hiền liền nhập tâm, chậm rãi cầm chiếc bút lông thảo từng nét chữ mềm mại trên nền giấy điệp. Nét chữ thảo đến đâu, mùi hương thơm của mực viết lại dấy lên đến đấy.
Trực tiếp viết và cho chữ, câu đối nơi Hồ Văn đến nay đã được hơn 5 năm, nên “ông đồ” Nguyễn Văn Quý hiểu khá rõ tâm lý của người xin chữ ngày đầu xuân. Theo “ông đồ” Nguyễn Văn Quý, mọi người đến đây xin chữ khá đa dạng. Có người xin chữ “phúc”, chữ “đức”, chữ “lộc”, chữ “an”… hoặc có người lại muốn xin chữ “duyên”, chữ “khang”, chữ “trí” v.v...
Tuy xin các chữ khác nhau, song tựu trung, mọi người đều muốn những con chữ mà mình mang về treo trong nhà sẽ góp phần giúp ước vọng của mình thành hiện thực. Cũng chính vì thế nên các em học sinh và gia đình đang có con em ngồi trên ghế nhà trường thường xin chữ “đăng khoa”, “đỗ đạt”, “thành công” v.v...
Cùng với nhịp sống đang ngày một hối hả, tục cho chữ, xin chữ dịp đầu xuân đã và đang trở thành “sợi chỉ” vô hình gắn kết giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến các giá trị “chân – thiện – mỹ”.
Trong mấy ngày Tết Nguyên đán vừa qua, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới Hồ Văn và Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để xin chữ. Hàng chục “ông đồ” thổi hồn xuân vào những cây bút lông thảo từng con chữ thăng hoa trên nền giấy dó, giấy điệp. Các thư pháp gia có đủ thành phần: già – trẻ, nam – nữ. Văn tự Hán - Nôm là những chữ mà các thư pháp gia thường viết tặng người đi xin ở đây.
Việc “phố ông đồ” được đưa vào hoạt động trong khu vực Hồ Văn và Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã hạn chế tình trạng nhốn nháo, kinh doanh con chữ, gây mất mỹ quan đô thị. “Ông đồ” Vũ Thành Như, cho biết bản thân gắn với “phố ông đồ” đến nay đã được 6 năm. Trước đây, “ông đồ” Như viết chữ ở vỉa hè phố Văn Miếu, đến năm 2014 ông cùng các thành viên trong câu lạc bộ di dời vào khuôn viên Hồ Văn.
Việc cho chữ, xin chữ kể từ đó đến nay đã trở nên quy củ hơn. “Ông đồ” Như cũng bảo rằng, viết chữ, viết câu đối ở đây vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền không chỉ là cho chữ, mà qua con chữ, bản thân còn muốn truyền và hướng dẫn người xin chữ hiểu thêm ý nghĩa của chữ thư pháp. Ẩn sau mỗi nét chữ thư pháp còn là sự tài hoa, thổi hồn xuân trên từng trang giấy.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một trong những thư pháp gia gắn liền với việc cho chữ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ khi đang là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện chưa xác định cụ thể tục cho chữ xuất hiện ở đâu, vào thời điểm nào.
Chỉ biết rằng, cho chữ, xin chữ đã có từ rất lâu rồi. Mọi người xin chữ, câu đối dịp đầu xuân đều có mong muốn có một năm mới bình an, vạn sự như ý, đắc tài đắc lộc. Mặt khác, các thư pháp gia có mặt ở Hồ Văn, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám bên cạnh việc tặng chữ cho người dân còn hy vọng được giao lưu văn hóa, được sử dụng cái sở học của mình trước đó phục vụ, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân.
Không khí xuân ấm áp đã và đang lan tỏa nơi các con phố. Những “ông đồ” – thư pháp gia lại tiếp tục thổi hồn xuân vào từng con chữ, làm say lòng người. Một nét đẹp văn hóa đặc sắc.
2. Mừng tuổi sách: Gieo mầm tri thức và nâng niu văn hóa đọc
Vài năm trở lại đây, mừng tuổi sách đang trở thành một xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn. Thay vì mừng tuổi bằng tiền mặt, nhiều người đã dày công lựa chọn tỉ mỉ từng đầu sách phù hợp để chuẩn bị cho việc mừng tuổi các cháu nhỏ với mong muốn gieo mầm tri thức, lan tỏa niềm say mê đọc sách cho các thế hệ tương lai.
Chị Vũ Thanh Mai, một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, thay vì mừng tuổi cho các con, các cháu trong gia đình bằng phong bao lì xì, chị đã tìm đến những cuốn sách. Từ thói quen trong gia đình, việc tặng sách cũng được lan tỏa ra lớp học khi trong dịp Tết Nguyên đán 2019, chị Mai đã xin phép cô giáo chủ nhiệm cho phép gia đình chị được mừng tuổi sách cho các con trong lớp mà con gái chị đang theo học.
Theo chia sẻ của chị Mai, qua quan sát chính những đứa trẻ trong gia đình của mình, bản thân chị nhận thấy, khi tặng một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi cho các cháu, các cháu rất thích và thường mở ra đọc rất say sưa.
“Vậy tại sao ngày đầu năm chúng ta không tặng trẻ những cuốn sách có giá trị nhân văn, tri thức, làm đẹp tâm hồn trẻ. Tất nhiên, không phải cháu nào ngay lần đầu tiên được mừng tuổi sách cũng sẽ hào hứng ngay. Chúng ta cũng phải kiên trì vì để xây dựng, duy trì được một thói quen tốt, cần cho trẻ thời gian để thích ứng”- chị Mai chia sẻ.
Mừng tuổi sách cho học sinh tại Quảng Trị.
Từ năm 2017 đến nay, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đều đặn mua sách để mừng tuổi cho các cháu trong gia đình và một số bệnh nhân thân thiết. Tuy nhiên, Tết nguyên đán năm 2019, bác sĩ Khánh cho biết, anh và một số thành viên đã quyết định mở rộng đối tượng mừng tuổi sách sang các em học sinh, sinh viên đại học.
Theo quan điểm của bác sĩ Khánh, nếu như các món quà tặng cho nhau đa phần là sách sẽ góp phần thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Việc lan tỏa thói quen tặng sách và mừng tuổi sách sẽ thúc đẩy thói quen đọc sách cho cả người lớn và trẻ em bởi sách là “trí khôn” của nhân loại, người lớn hãy cho trẻ con cơ hội được tiếp cận với sách nhiều nhất có thể.
Sau 3 năm thí điểm tặng sách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế trong đêm giao thừa và trong năm mới cũng như tặng sách đầu xuân cho các trường học ở Thái Bình, từ năm 2018, anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam đã quyết định phát động phong trào mừng tuổi sách trên quy mô toàn quốc.
Theo anh Nguyễn Quang Thạch, tục mừng tuổi đã bị biến tướng trong những năm gần đây khi đời sống khấm khá hơn, nhưng hình như người ta đã quên đi ý nghĩa tốt đẹp đằng sau tục mừng tuổi. Người xưa chỉ tặng chữ, tặng nhau câu đối vào những dịp Tết Nguyên đán mà thôi. Đó cũng là lý do để chương trình “Mừng tuổi sách” được ra đời.
Với sự lan tỏa của chương trình, trên khắp cả nước đã hình thành nên các nhóm “mừng tuổi sách” tại các tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Nam Định, Ninh Bình… để không chỉ mừng tuổi cho người quen, mà mừng tuổi cả cho những người đi đón Giao thừa, tạo niềm vui bất ngờ cho các em nhỏ.
“Thông điệp mà chương trình “Mừng tuổi sách” muốn truyền tải là người lớn hãy hình thành thói quen mừng tuổi sách thay vì mừng tuổi bằng phong bao lì xì, để gieo mầm tri thức cho con em mình. Khi mừng tuổi sách, người lớn sẽ có cơ hội tìm hiểu sở thích của trẻ nhỏ, qua đó sẽ giúp người lớn hiểu rõ hơn về trẻ con, cha mẹ cũng sẽ gần gũi con cái nhiều hơn” - anh Nguyễn Quang Thạch nhấn mạnh.
Với sự nỗ lực của các thành viên “Mừng tuổi sách” trên toàn quốc, nhiều cá nhân và tổ chức đã cùng chung tay với chương trình, vận động được bạn bè, đồng nghiệp tổ chức mua hàng trăm cuốn sách mừng tuổi cho trẻ em, người lớn tại các địa phương.
Anh Nguyễn Văn Thương, một thành viên của chương trình “Mừng tuổi sách” cho biết: “Còn nhớ vài năm trước, khi tụi mình mang túi sách đi mừng tuổi bị nhìn như "người ngoài hành tinh" giờ thì “Mừng tuổi sách” đã được nhiều người xem là một nét văn hóa đẹp đầu năm.
Đặc biệt, mới đây, hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mừng tuổi sách cho học sinh tại Hưng Yên trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội đã tạo nên hiệu ứng tích cực về phong trào này. Chỉ nghĩ đến viễn cảnh, sách ngập tràn trong các gia đình, nhà trường trong dịp đầu năm mới, tất cả các thành viên trong nhóm chúng tôi ai cũng cảm thấy hạnh phúc dâng trào”.
Nguồn Công An Nhân Dân