Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những ngôi nhà đất độc đáo ở Say Sán Phìn
Thứ tư: 08:58 ngày 28/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai nằm trên lưng chừng núi có gần 50 hộ người Mông sinh sống. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường lạnh giá, sương mù về mùa đông và nắng gắt về mùa hè nên bà con nơi đây không làm nhà gỗ hoặc xây nhà, mà ở nhà tường trình đất.

Điểm tạo nên nét đặc biệt ở Say Sán Phìn là dù kinh tế phát triển, nhưng các hộ trong thôn vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống. Đi dọc tuyến đường bê tông dẫn lên thôn, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà đất yên bình trong màn sương.

Theo ông Giàng Seo Phổng - người cao tuổi trong thôn - để làm được một ngôi nhà tường trình đất, mất khoảng 1 tháng. Khi làm nhà, gia chủ cần đặc biệt lưu ý đến các yếu tố, đó là đất phải đạt độ kết dính, trình phải đều và chắc tay.

“Đặc biệt, mái che và hệ thống rãnh thoát nước xung quanh nhà rất quan trọng, nếu không xử lý tốt, cả ngôi nhà có thể bị hư hỏng chỉ sau một trận mưa to” - ông Phổng bảo.

Những ngôi nhà đất ở Say Sán Phìn bình dị trong làn sương sớm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, che trú cho gia chủ, những ngôi nhà đất của đồng bào Mông còn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Vì để làm được ngôi nhà đất rộng cả trăm mét vuông, gia chủ chỉ có cách nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Mỗi ngôi nhà tường trình đất được hoàn thiện, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Khác với nhà tường trình (nhà nấm) của đồng bào Hà Nhì, nhà tường trình đất của đồng bào Mông cao, rộng hơn, có gác xép (tầng 2) để trữ ngô, lúa và gian bếp tách biệt với nhà ở; các phòng trong ngôi nhà chính được ngăn cách với nhau bằng ri-đô hoặc ván mỏng. Chính nhờ có thêm phần gác cao và những cửa sổ mà ngôi nhà thoáng, nhiều ánh sáng hơn.

Trước đây, bà con thường sử dụng cỏ gianh để lợp mái, ngày nay, phần mái được thay thế bằng những tấm fipro xi măng. Do tấm fipro xi măng có các rãnh nhỏ nên việc thoát nước mưa dễ dàng hơn, nhờ đó, độ bền của các ngôi nhà đất ở Say Sán Phìn cũng được nâng lên.

Đưa chúng tôi đi tham quan một số ngôi nhà được làm cách đây vài chục năm, ông Phổng cho biết thêm, thôn có 47 nếp nhà, thì 100% là nhà tường trình, duy có điểm trường mầm non, tiểu học là xây dựng bằng bê tông xi măng. Có những ngôi nhà tuổi thọ đã được gần 100 năm, với 2 - 3 thế hệ sinh sống.

Một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn, tường đất có độ dày đạt 50 cm, đất kết dính thành khối chắc như xi măng, mái nhà đảm bảo độ vươn cách tường ít nhất 1 m, hệ thống rãnh thoát nước phía chân tường hoạt động tốt, không để nước ngấm gây lở tường.

Được biết, gần 10 năm trở lại đây, nhiều hộ trong thôn dù có kinh tế khá nhưng cũng không có ý định xây nhà bê tông. “Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, chúng tôi muốn giữ lại nếp nhà tường trình truyền thống để con cháu đời sau hiểu, từ đó biết trân trọng, giữ gìn văn hóa của dân tộc mình”- ông Phổng tâm sự.

Dạo bước trên con đường bê tông chạy giữa thôn Say Sán Phìn, tôi ngắm nhìn những ngôi nhà đất với mái fipro xi măng đã chuyển màu thời gian dọc hai bên đường, trên tường nhà, những vết chân chim chạy ngoằn ngoèo trông thật lạ mắt… Tất cả tạo nên bức họa vùng cao thật bình dị mà đẹp đến nao lòng…

Nguồn baolaocai

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục