BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người “ăn cơm nhà vác tù và”… xây tổ tự quản

Cập nhật ngày: 14/04/2015 - 05:26

Ông Phạm Hoàng Nho và vợ tại gia đình.

Theo thông báo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, năm 2014, trên toàn tỉnh có 6.894 tổ tự quản được đánh giá xếp loại mạnh (78,82%), chỉ có 2,86% số tổ hoạt động trung bình.

Hầu hết tổ trưởng tổ tự quản hoạt động vì tinh thần cống hiến, vì sự bình yên của mọi người và của chính gia đình mình; trong đó có một số người vừa làm tổ trưởng vừa kiêm nhiều công tác khác ở địa phương.

Qua sự hướng dẫn của ông Lê Văn Chương- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoà Thành, chúng tôi đến gia đình ông Phạm Hoàng Nho- đã gần 70 tuổi, ngụ tổ 6, khu phố 1, thị trấn Hoà Thành. Ông Nho vui vẻ kể lại một số chuyện xảy ra trong tổ, nhờ có sự “can thiệp” kịp thời của Ban điều hành tổ và khu phố nên mọi việc được giải quyết êm đẹp.

Tổ 6, khu phố 1 (cửa 8 Trung tâm thương mại Long Hoa) có 40 hộ gia đình, hầu hết đều sống bằng nghề kinh doanh thương mại và dịch vụ. Những năm trước đây tình hình trật tự khá phức tạp, nhưng từ khi thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” thì tình làng nghĩa xóm được duy trì, an ninh trật tự được ổn định.

Ông Nho cho biết, được kết quả như vậy, trước tiên là nhờ vào sự gương mẫu của các thành viên Ban điều hành tổ và những cán bộ, đảng viên có gia đình trong tổ thực hiện trước để người dân làm theo.

Hơn 20 năm làm tổ trưởng, ông Nho không còn nhớ mình đã trực tiếp vận động, hoà giải thành bao nhiêu cuộc tranh chấp. Ông chỉ nhớ trong tổ có gần chục đôi vợ chồng lục đục nhau dẫn đến ý định ly hôn.

Ông và những người trong Ban điều hành tổ bỏ công tìm hiểu, khuyên can và trực tiếp hoà giải thành các vụ này, nay họ vẫn sống hạnh phúc với nhau và làm ăn thành đạt. Trong nhiều năm qua, địa bàn tổ 6, khu phố 1, thị trấn Hoà Thành luôn là điểm dân cư an toàn tiêu biểu của địa phương.

 Ông Võ Hoàng Phi ở tổ 2, ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá (Dương Minh Châu) cũng là người có nhiều năm làm tổ trưởng tổ tự quản- dù bản thân trở thành người khuyết tật sau một vụ tai nạn. Năm 1988, ông Phi cùng gia đình vào đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng lập nghiệp, tại đây, ông được người dân tín nhiệm cử làm tổ trưởng tổ tự quản.

Khi Nhà nước có chủ trương di dời dân khỏi đảo Nhím, ông Phi là người đầu tiên chấp hành nghiêm túc và vận động người thân, người trong tổ cùng làm theo. Ngay khi đến định cư ở tổ 2, ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, ông Phi tiếp tục được người dân nơi đây cử làm tổ trưởng tổ tự quản.

Nhờ vào sự năng nổ, tích cực của người tổ trưởng nên các phong trào tại tổ 2 có nhiều chuyển biến tích cực, hơn hẳn các tổ khác trong cùng ấp. Vừa qua, ông Phi được Chi hội Người cao tuổi của ấp tín nhiệm cử giữ thêm nhiệm vụ Chi hội phó. Dù việc đi lại rất khó khăn, nhưng ông Phi luôn có mặt kịp thời mỗi khi trong tổ hay trong Chi hội có việc cần.

Còn ở tổ tự quản số 24, khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh thì luôn duy trì được sự nề nếp, quy cũ và có nhiều nét nổi trội hơn so với nhiều tổ tự quản khác. Tổ có 53 hộ gia đình, trong đó có 5 hộ kinh doanh hơn 50 phòng trọ, vì vậy nên số người tạm trú rất nhiều, có thời điểm còn nhiều hơn số người thường trú, từ đó tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do sự năng nổ của Ban điều hành tổ- mà cụ thể là tổ trưởng Nguyễn Tấn Khanh, tổ đã ổn định.

Ông Nguyễn Tấn Khanh là cựu Trung tá bộ đội Biên phòng nghỉ hưu, được bầu làm Bí thư chi bộ khu phố 1, rồi lại được người dân trong tổ 24 bầu kiêm nhiệm tổ trưởng tổ tự quản đã hơn 8 năm qua. Sau đó ông Khanh đã bàn giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ cho người khác để chuyên làm Tổ trưởng tổ tự quản số 24.

Mỗi quý tổ họp toàn thể tổ viên (hộ gia đình) một lần, riêng Ban điều hành thường xuyên gặp gỡ, trao đổi công tác với từng hộ khi có việc cần. Bên cạnh đó, Ban điều hành thường xuyên phân công nhau đến từng hộ gia đình thông báo, nhắc nhở, vận động người dân nêu cao cảnh giác với các loại tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT; không xả rác bừa bãi; không cho vật nuôi ra đường…

Hằng năm tổ 24 họp thống nhất mức đóng góp của từng hộ gia đình để lập quỹ chung của tổ, dùng vào việc thăm hỏi các gia đình có người bệnh đau, người qua đời; sửa chữa đường điện chiếu sáng và chi những việc thiết yếu khi cần.

“Làm tổ trưởng tổ tự quản không được hưởng khoản phụ cấp nào, nhưng được góp phần làm cho địa bàn bình yên, nhân dân vui vẻ, đoàn kết… thì bản thân và gia đình mình cũng được hạnh phúc”- ông Khanh nói.

KHẮC LUÂN