Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người con liệt sĩ, thương binh ở Sư đoàn 5 

Cập nhật ngày: 27/07/2018 - 19:55

BTN - Ðến thăm Sư đoàn 5 vào một ngày cuối tháng 7.2018, tôi được gặp, trò chuyện cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ là con của liệt sĩ, thương binh của Sư đoàn. Thật cảm động, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, song họ đều chung một ý chí, nguyện vọng được phục vụ, trưởng thành trong quân đội.

Trung tá chuyên nghiệp Đỗ Hồng Tươi- Y sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5 theo dõi sức khoẻ bệnh nhân tại đơn vị.

Thượng tá Nguyễn Doãn Nam- Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn cho biết: “Hiện nay, toàn Sư đoàn có 3 cán bộ là con liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ, một nữ quân nhân chuyên nghiệp là con liệt sĩ thời chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và trên 100 cán bộ, chiến sĩ là con thương binh, bệnh binh.

Cán bộ, chiến sĩ là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh luôn được cấp uỷ, chỉ huy các cấp quan tâm, ưu tiên tạo nguồn quy hoạch và phấn đấu rất tốt. Trong đó, có những người đã phát triển trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn dù tuổi đời còn trẻ”.

Tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung tá chuyên nghiệp Ðỗ Hồng Tươi chậm rãi kể, thời chiến tranh, mẹ anh tham gia du kích và là cán bộ Hội Phụ nữ xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Bà hy sinh tháng 9.1969, khi anh vừa được hơn một tuổi. Theo lời ngoại anh kể lại, khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển, cứu chữa thương binh, mẹ anh hy sinh ngay tại căn hầm bố trí ở khu vườn nhà ngoại trong một đợt máy bay Mỹ rải bom.

Lúc ấy, khu vườn nhà ngoại là cả một hệ thống hầm quân y của lực lượng vũ trang địa phương. Ngày mẹ hy sinh, ba anh- đang là bộ đội thuộc Ðoàn 559 của Quân khu 5 đóng quân xa nhà nên không về bên mẹ được.

Mẹ hy sinh, ba công tác xa, anh về ở với ngoại, người chị gái về ở với bà nội. Hơn 50 năm qua, anh chỉ hình dung về hình ảnh của mẹ qua lời kể của ngoại và người thân.

Bởi, bom đạn chiến tranh đã thiêu rụi hết nhà cửa bên bà ngoại, bà nội, nên một tấm hình của mẹ cũng không còn. Học xong trung học phổ thông, Ðỗ Hồng Tươi từ chối đi một số ngành học thuộc diện được địa phương xét cử tuyển từ tiêu chuẩn con liệt sĩ và có cả bà nội, bà ngoại đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Với mong ước trở thành bộ đội, công tác trong ngành Y để được chăm sóc, cứu chữa thương, bệnh binh, chăm lo sức khoẻ bộ đội như mẹ đã từng làm, năm 1986, Ðỗ Hồng Tươi tình nguyện nhập ngũ và được cử đi học khoá đào tạo y sĩ tại Trường trung cấp Quân y II theo đúng nguyện vọng. Ðến nay, hơn 30 năm công tác tại Sư đoàn 5, Ðỗ Hồng Tươi luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tươi còn cho tôi xem một bài thơ có tựa “Viết về mẹ” do anh mới sáng tác, dài kín hai khổ giấy A4 toát lên nỗi nhớ da diết cùng niềm tự hào về mẹ, về ba và lời hứa phấn đấu của bản thân để xứng đáng với sự hy sinh của bà nội, bà ngoại, của mẹ, sự chung thuỷ, chịu thương, chịu khó nuôi dạy con cái của ba.

Thượng uý chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Thuý- nhân viên nuôi quân thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5, quê xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành, ba đi bộ đội hy sinh (năm 1977) trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam khi chị mới hơn 2 tuổi và người em trai mới được gần 3 tháng tuổi.

Ao ước được làm bộ đội để tiếp nối sự nghiệp mà ba đã chọn, Thuý đã mạnh dạn làm đơn dự tuyển công nhân viên quốc phòng và đã phấn đấu trở thành người quân nhân của sư đoàn.

Trở về gia đình sau khi đất nước thống nhất (1975), cha của Trung tá Ðinh Nam Ðàn- Chính uỷ Trung đoàn 4 vừa là thương binh, vừa là một bệnh binh nặng.

Trung tá Ðinh Nam Ðàn kể, ba hay bị những cơn đau vật vã do vết thương và căn bệnh do di chứng của chiến tranh tái phát hành hạ. Những lúc thời tiết chuyển mưa, sấm chớp nổi lên là ba lại ngỡ bom dạn chiến tranh và nhanh chóng tìm vị trí trú ẩn rồi “sẵn sàng chiến đấu”.

Vậy mà, lúc tỉnh táo là ba lại say sưa kể về truyền thống quân đội, chuyện đơn vị, về các trận chiến đấu và đồng đội. Những câu chuyện của ba, tình đồng chí đồng đội của ba, đã dẫn dắt Trung tá Ðinh Nam Ðàn chọn và gắn bó với “nghề” bộ đội.

Sự chịu đựng đau đớn từ vết thương và bệnh tật của ba, đồng đội của ba, những câu chuyện về người lính nhắc nhở, tạo thêm động lực để anh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2018), tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, chúc những người con liệt sĩ, thương binh đang là cán bộ, chiến sĩ công tác tại Sư đoàn 5 luôn vững vàng ý chí phấn đấu, tiến bộ, phát triển, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Xuân Thu