BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người đàn bà 'Vác tù và hàng tổng'!

Cập nhật ngày: 06/03/2009 - 11:09

Các thi sinh đoạt giải tại cuộc thi cán bộ Hội cơ sở giỏi vòng tỉnh

@ Người tạo nên cổ tích!

Kỷ niệm mà suốt đời chị Trinh – Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Hưng (Trảng Bàng) không thể quên là một bi kịch đẫm nước mắt! Anh Lê Văn Đ. vốn là một người đàn ông hiền lành chất phác, nhưng sau khi vợ mất anh trở nên bê tha, ăn chơi trác táng. Có lẽ chính vì vậy mà bà con lối xóm không ai dám lại gần mà anh ta cũng chẳng cần ai. Nhưng một ngày anh bỗng dưng phát bệnh nặng. Đến lúc này anh mới thấy cần một lời khuyên của một người tin cậy, anh nhớ tới chị Trinh, chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhỏ xíu nhưng nhân hậu. Anh tìm chị khóc: “Tôi biết mình bị bệnh nặng lắm chắc không qua nổi, nhưng chỉ thương cho bà già tui đang bại liệt, ba đứa con gái không ai săn sóc”. Nhìn người đàn ông ốm yếu, xác xơ, thân hình da bọc xương, hạch nổi đầy miệng, chị Trinh khuyên: “Cậu đi thành phố khám bệnh đi, rồi có gì về chị em mình lo tiếp”. Theo lời chị, anh Đ. đi khám bệnh, và đúng như chị lo lắng, Đ. đã vướng phải căn bệnh thế kỷ: AIDS! Vừa về đến nhà, Đ. cho con gái gọi chị Trinh, vừa thấy dáng chị ngoài cổng, Đ. đã lao ra, té nhào dưới chân chị, khóc lớn: “chị ơi, em bị Sida, chắc  chết rồi, xin chị lo…”. Chị Trinh bàng hoàng, chỉ biết khóc. Đám tang anh Đ. Hội Phụ nữ xã đứng ra lo liệu. Sau đám tang, chị Trinh còn phải chạy đôn chạy đáo lo cho một người già bị bệnh liệt và ba con trẻ nhà Đ. Anh Đ. chết, trong nhà không một hột gạo, nhà cửa thì rách nát. Người ta tránh xa căn nhà có người chết vì AIDS, tránh xa ba đứa con gái Đ. như tránh dịch bệnh.Mấy tháng trời, chị Trinh đi giáp vòng xã xin gạo cho mấy đứa nhỏ nhưng chẳng ai chịu cho, thấy chị, người ta còn tránh mặt! Không nản lòng, vừa tuyên truyền về căn bệnh AIDS, chị vừa gõ mọi cánh cửa để tìm niềm hy vọng cho gia đình khốn khổ. Chị gõ và cửa đã mở. Một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh vốn quê Lộc Hưng đã góp tay xây một mái ấm tình thương, lập một sổ tiết kiệm cho bọn trẻ. Xã cũng hỗ trợ thêm chút ít. Đến nay, cái gia đình bất hạnh ở ấp Lộc Phước, đã trở lại bình yên sau cơn sóng gió. Ba đứa trẻ con anh Đ. đang theo học lớp mười hai, mười một và lớp chín. Hơn tất cả, chúng được sống trong vòng tay thân ái của làng xóm. Một bi kịch đã trở thành chuyện cổ tích đẹp với bà tiên Ngô Thị Trinh!

@ Biết đứng lên!

Chị Nguyễn Thị Định – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Thạnh (Gò Dầu) hiện nay nhớ mãi chuyện ngày đầu tiên đi tuyên truyền nghị quyết chín năm trước. Làm cán bộ Hội phụ nữ là phải biết cách khai hội, biết tuyên truyền. Để chuẩn bị bài tuyên truyền, Định soạn bài, tập nói mấy ngày trời. Đến ngày, chị tự tin tiến lên bục diễn giả và… đứng như trời trồng. Buổi nói chuyện thất bại, chị chủ tịch Hội bấy giờ phải lên nói thay. Hết hội nghị, Định buồn bã ra về mới nhớ trời đã quá trưa. ở nhà chưa nấu cơm, đứa con nhỏ lại bị bệnh đang khóc ngằn ngặt. Chị vừa bước vào nhà, chưa kịp giải thích, người chồng vì quá bực bội đã xáng cho chị bạt tai. Chị cảm thấy quá thất vọng về bản thân: việc nhà thì không làm tròn, việc công cũng chẳng ra sao! Suốt một đêm suy nghĩ, Định làm đơn xin nghỉ việc! Trên đường gởi đơn, Định gặp cô Tám, một cựu cán bộ Hội, không biết có phải để động viên cô cán bộ hội trẻ không mà tự dưng cô Tám nhắc chuyện công tác Hội ngày xưa với những vấp ngã của cô, và cô bảo: công tác Hội là vậy đó, phải có bản lĩnh chịu đựng và học hỏi! Do vậy, nếu không có tâm, không có bản lĩnh, không làm cán bộ được đâu! Lời cô Tám như tiếp thêm sức mạnh, chị quay về, tự buộc mình phải học nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa. Nhờ vậy, đến nay, Hội Phụ nữ Tây Ninh đã có thêm một chủ tịch Hội giỏi.

@ “Nhưng để trở thành chủ tịch Hội giỏi, dứt khoát phải có một điểm tựa vững chắc!”.

Chị Nguyễn Thị Bùi – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 1, Thị xã Tây Ninh khẳng định. Chị kể, chị tham gia công tác Hội từ năm 1995, đến năm 2001 chị làm chi hội trưởng kiêm công tác dân số của khu phố 5, phường 1. Đến 2004, chị giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ phường. Suốt ngày “vác tù và”: nào giải quyết bạo hành trong gia đình đến chăm lo đời sống của chị em khó khăn, vận động quỹ học bổng Trần Thị Sanh,  lại còn tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ không sinh con thứ ba… Một lần, nhằm ngày đứa con trai thi vào lớp mười trường chuyên, chị đã hẹn đón con nhưng công việc quá nhiều, chị mải mê nên quên mất. Mười hai giờ trưa về, thấy con đã ở nhà. Con không trách một lời nhưng chị cảm thấy xấu hổ vô hạn. Đến tối, ông xã chị nhỏ nhẹ bảo: “Hồi trưa có chị trên phường điện kiếm em nhưng em chưa về, anh bực bội quá nên hơi nặng lời với chỉ là: nhà này không phải nhà bà Bùi, nhà bà Bùi trên phường 1 á. Thôi, mai em lên phường cho anh gởi lời xin lỗi chỉ nghen”. Nghe anh nói mà chị trào nước mắt. Suốt đêm không sao ngủ được, nghĩ mình muốn làm tốt chuyện công thì phải trọn vẹn việc tư mới được. Nghĩ vậy là làm vậy, chị thay đổi phương pháp làm việc sắp xếp cho hợp lý hơn để có thời gian lo gia đình. Hiện nay, con trai lớn của chị đang là kỹ sư xây dựng ở TPHCM, con út đang học đại học. Chồng chị vẫn là điểm tựa vững chắc của chị. Phong trào Hội Phụ nữ phường 1 nhiều năm liền đứng đầu toàn Thị xã. Hội viên của chị khen: chủ tịch của tui đúng là “giỏi việc nước, đảm việc nhà nghen”, còn chị cười rạng rỡ: “công của ông nhà tui đó, nếu mà không có ổng thì…!”.

Chuyện những người đàn bà “vác tù và hàng tổng” như chị Trinh, chị Định, chị Bùi còn nhiều không làm sao kể hết. Cán bộ Hội Phụ nữ nhiều người không mịn màng làn da, không lụa là quần áo nhưng họ luôn biết làm đẹp cho mình bằng cách làm đẹp cho cuộc sống. Vì vậy, mỗi lần nhìn họ, tôi lại muốn thốt lên: thương quá cán bộ Hội ơi!

LÊ DUY