Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong hành trình cuộc đời mình, tôi không thể nhớ hết đã qua bao nhiêu lần trên dòng sông tri thức. Mỗi lần qua sông đều có một con đò thầm lặng, một người lái đò cần mẫn lặng lẽ chống con sào phấn trắng bảng đen hoàn thành thiên chức đưa đò của mình. Có thể người lái đò không nhớ hết bao nhiêu khách đã qua sông, nhưng những người khách chắc sẽ nhớ mãi những người đưa đò ấn tượng. Tôi cũng thế, có những người thầy đã để lại trong cuộc đời tôi dấu khắc đậm nét không thể quên.
Ngày đầu tiên vào lớp năm trường làng (lớp một bây giờ), có vị giáo già uy nghiêm đã khiến thằng bé sáu tuổi là tôi luôn trong tâm trạng cung kính lẫn sợ sệt. Khắp cả làng Thái Bình thuở đó không ai không biết thầy giáo Khánh nổi tiếng khó tính nhưng dạy giỏi. Giọng thầy sang sảng, rành rọt từng câu, từng chữ và cực kỳ nghiêm khắc. Tôi nhớ mãi bàn tay đầy vết đồi mồi của thầy nắm bàn tay nhỏ bé của tôi nắn nót từng chữ cái. Nhớ cả cái thước kẻ bằng gỗ gõ lạch cạch lên mặt bàn giữ nhịp trong giờ đọc thuộc lòng. Nhớ luôn cảm giác đau rát khi bị khẽ tay vì lười, hay nỗi sung sướng khi được thầy vò đầu khen vì học tốt. Ra đường, gặp thầy từ đằng xa bọn tôi đã đứng khép nép bên lề chờ thầy đi qua khoanh tay cúi chào rồi mới đi tiếp. Từng con chữ trở nên quen thuộc, từng con số cộng trừ trở nên trơn tru dần cho đến cái ngày hoa phượng nở rực sân trường. Những năm sau dù không còn học với thầy nữa, nhưng chúng tôi vẫn giữ thái độ kính cẩn khi gặp thầy.
Lên bậc trung học, có một người thầy cao tuổi cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Thầy chính là giáo sư Anh văn Tạ Cao Huê (ở miền Nam lúc đó giáo viên dạy trung học gọi là giáo sư). Năm chúng tôi học lớp mười, thầy đã ở tuổi sáu mươi, đầu bạc trắng, nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Bọn tôi gọi thầy bằng biệt danh “Ông ngoại”. Hồi đó sinh ngữ chỉ là môn phụ, hệ số thấp nhưng tiết học của thầy luôn nghiêm túc, hoàn thành đúng giáo án. Điều đọng lại trong chúng tôi đến bây giờ chính là những bài giảng về đạo đức, cách đối nhân xử thế không nằm trong chương trình. Có hôm “Ngoại” dành cả hai tiết học “lên lớp” chúng tôi về chuyện học hành, thi cử, về sự quan trọng của việc trang bị kiến thức cho hành trang tương lai. Thầy gọi chúng tôi bằng trò và xưng tôi rất rạch ròi, trân trọng. Những bài giảng về đạo đức đôi lúc làm lũ học trò nghịch phá ngán ngẩm, nhưng khi đã trưởng thành nghĩ lại mới thật sự thấm thía giá trị những lời răn dạy của thầy. Thầy đã mất cách đây nhiều năm nhưng mỗi lần họp mặt bạn bè cũ, chúng tôi hay nhắc về thầy với lòng nhớ thương kính trọng.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi vào học ở Trường trung học Nông nghiệp tỉnh, khoá đầu tiên. Giáo viên chủ nhiệm lớp là thầy Trần Ngọc Ẩn. Thầy dạy môn Văn, một trong những môn cơ bản ôn lại trước khi học các môn chuyên ngành. Nhỏ nhẹ, hiền lành, giọng nói truyền cảm, thầy đã tạo cho lớp chúng tôi thành một khối đoàn kết, gắn bó với nhau. Thầy quan tâm và thấu hiểu từng hoàn cảnh của học trò. Lớp chuyên nghiệp, học viên đến từ tứ xứ, nhiều thành phần, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng thầy vẫn yêu thương đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Những năm tháng khốn khó, lương giáo viên không đủ sống, vợ chồng thầy phải bán từng bịch sinh tố, bọc bánh ngọt, chắt chiu để có thêm thu nhập. Vậy mà đến thăm nhà thầy, chúng tôi luôn được thầy dành cho những phần quà ngon bắt phải ăn hết thầy mới vui lòng. Chính thầy là người đã động viên tôi theo con đường viết văn, thầy bảo văn làm đẹp cho tâm hồn… Vì một lý do tế nhị, thầy xin nghỉ dạy. Ngày chia tay thầy đã khóc vì phải từ giã cái nghề mình yêu thích, từ biệt những đứa học trò thân thương. Chúng tôi bùi ngùi lặng ngồi nghe thầy khuyên bảo những điều hay lẽ phải khi bước vào đời. Bốn mươi năm rồi chưa gặp lại thầy, nhưng hình ảnh thầy cùng nụ cười thật hiền của thầy vẫn đọng mãi trong lòng chúng tôi.
Sắp bước vào cái tuổi “nhi nhĩ thuận”, có lẽ không còn dịp nào để “qua sông” lần nữa. Chợt ngậm ngùi tiếc là đã quá hờ hững với những chuyến đò đưa mình sang bờ tri thức ngày nào. Chút hoài niệm thay một nén nhang tưởng nhớ, một yêu thương gửi về những người thầy đã đi qua cuộc đời tôi. Xin cảm ơn thầy.
PHƯỚC HỘI