Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi điều dưỡng phải luôn theo sát bệnh sơ sinh 24/24 giờ. Họ không tiếp xúc với bên ngoài nên nhiều khi người nhà của bệnh nhân cũng không thể biết ai làm những công việc đó. Sự hy sinh của điều dưỡng đơn nguyên sơ sinh rất lớn.
Điều dưỡng Lâm Thanh Thơm (bên trái) chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh Khoa Nhi.
Theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, giọt máu cho đến việc bơm sữa, vệ sinh, thay tã, chăm sóc hằng ngày cho trẻ sơ sinh... là những công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng các điều dưỡng Phòng Đơn nguyên sơ sinh (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)- những người mẹ thứ hai đã âm thầm giúp trẻ sơ sinh vượt qua bệnh tật, được trở về bên vòng tay yêu thương của gia đình.
Công việc thầm lặng
Chắc nhiều người còn nhớ, vào giữa tháng 11.2023, Khoa Nhi BVĐK tỉnh đã tiếp nhận một bé sơ sinh nặng 900g bị bỏ rơi trong bệnh viện ngay khi vừa lọt lòng mẹ. Nhờ sự tận tâm chăm sóc ngày đêm của bác sĩ, điều dưỡng, sau gần 2 tháng điều trị, bé được khoẻ mạnh, tăng cân, được rút ống thở, cơ thể phát triển bình thường và rất đáng yêu. Mọi người đặt tên cho bé gái là Võ Diễm Phúc. Võ là họ của mẹ Võ Lệ Hằng (sinh năm 1985)- Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi, Diễm Phúc là cái tên mà các “mẹ” luôn hy vọng, mong muốn bé khoẻ mạnh, hạnh phúc với “mái ấm” mới.
Mới đây, ngày 31.1.2024, bé Diễm Phúc đã được một gia đình bác sĩ ở Hà Nội nhận nuôi và đang hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật. Tin vui về bé Diễm Phúc khiến cho đại gia đình Khoa Nhi, nhất là “mẹ” Lệ Hằng, “bà ngoại” điều dưỡng Võ Thị Thanh Như rất xúc động. Chính nhờ tình yêu thương vô điều kiện, bé Diễm Phúc mới có thể khoẻ mạnh và đón nhận gia đình mới như hôm nay.
Hơn 17 năm làm công việc trực tiếp chăm sóc trẻ sơ sinh, nhẹ cân, non tháng, bệnh tật... Điều dưỡng trưởng Võ Lệ Hằng ấn tượng nhất là khi tiếp nhận chăm sóc và điều trị cho bé Diễm Phúc. Bởi vì đây là trường hợp “hiếm hoi” ở khoa, bé sinh non tháng, chỉ nặng 900g, lại bị bỏ rơi, không có người thân chăm sóc.
“Ở Phòng Đơn nguyên sơ sinh, hầu hết các bé sơ sinh đều có ông bà hoặc cha đến thăm nom, chăm sóc, nhưng chỉ mỗi bé Diễm Phúc đơn độc, thiếu tình thương. Suốt gần 3 tháng ngày đêm điều trị và thay nhau chăm sóc cho bé, tuy rất vất vả nhưng chúng tôi thật hạnh phúc khi nhìn thấy bé khoẻ, tự thở mà không còn sự hỗ trợ của máy, tăng cân mỗi ngày, có mái ấm mới”- chị Hằng nói.
Nhớ những ngày đầu tiếp xúc với các bé sơ sinh phải xa mẹ ngay khi vừa chào đời tại Phòng đơn nguyên sơ sinh Khoa Nhi, chị Hằng không khỏi xúc động. “Mỗi khi nắm đôi bàn tay nhỏ xíu của các bé, tôi rất lo lắng vì lúc đó tôi còn khá trẻ, không biết mình có làm cho các bé bị đau hay không.
Qua thời gian, tôi đã quen với nhịp sống tại nơi này. Nhìn các bé lớn khoẻ lên từng giờ, được trở về bên vòng tay ấm áp của mẹ, tôi cảm thấy việc làm của mình càng có ý nghĩa”- chị nói tiếp- “Cũng có khá nhiều bạn bè và người thân hỏi tôi tại sao lại chọn nghề điều dưỡng vất vả như vậy.
Tôi trả lời là tôi thích chăm sóc cho người khác, cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp được cho nhiều người, nhất là những người mình chăm sóc được vui vẻ, khoẻ mạnh. Khi làm việc ở Khoa Nhi, thấy các bé còn nhỏ nhưng phải chịu đau đớn vì bệnh tật... tôi quyết tâm gắn bó với nghề nhiều hơn”.
Tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh Khoa Nhi, hầu hết là các trẻ non tháng, nhẹ cân, bệnh bẩm sinh...
Vì yêu…
Khoa Nhi hiện có 8 bác sĩ và 18 điều dưỡng. Đối với các điều dưỡng ở Phòng Đơn nguyên sơ sinh, mỗi ca trực đêm gần như thức trắng, chưa kể mỗi lần trẻ quấy khóc, hay khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. “Khó khăn của nghề điều dưỡng sơ sinh nhiều và còn áp lực nữa, nhất là khi chăm các bé điều trị tiêm thuốc lâu ngày, bé bệnh nặng, thở máy...
Việc tìm mạch tiêm thuốc đối với các trẻ non tháng, nhiều bệnh, thở máy rất khó khăn. Nhiều người vì lo lắng và không hiểu công việc của chúng tôi mà có những lời nói, thái độ khó chịu. Nhưng chúng tôi chỉ buồn một chút thôi! Những lúc như vậy, chúng tôi ân cần giải thích, động viên để họ an tâm, bớt lo lắng”- Điều dưỡng trưởng Võ Lệ Hằng chia sẻ.
Còn với điều dưỡng Lâm Thanh Thơm (sinh năm 1987), trong 16 năm công tác, chị đã trực tiếp chăm sóc không ít bệnh nhi có “hoàn cảnh đặc biệt”. Chị Thơm cũng đã 2 lần cứu sống 2 bé sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi trong khuôn viên bệnh viện khi đang trực đêm.
Hiện các bé nay đã lớn, khoẻ mạnh, được nuôi dưỡng tại một cơ sở bảo trợ xã hội. Chị cho biết, từ khi bước chân vào trường y khoa đào tạo điều dưỡng, chị đã đặt tình cảm và trách nhiệm của mình với bệnh nhân, với bệnh viện, với nghề mà mình gắn bó; chấp nhận những khó khăn, vất vả, nhận về mình không ít thiệt thòi.
“Chăm sóc bệnh nhi, bệnh nhi sơ sinh phải có tình cảm, tình yêu thương đặc biệt mới có thể làm được. Có những bé vì quá nhỏ, mỏng manh nên mỗi khi tiêm thuốc, rất khó tìm thấy ven, nhiều bé giãy khóc khiến người nhà rất lo lắng, thậm chí cáu gắt, thúc giục, chúng tôi phải nhẫn nhịn, ôn hoà. Đối với trẻ sơ sinh phải nằm trong lồng kính, điều dưỡng chúng tôi phải luôn là “người mẹ thứ hai” để các con sớm khoẻ mạnh”- điều dưỡng Lâm Thanh Thơm nói.
Chị Thơm tâm sự, ngoài ca trực ở Khoa Nhi bệnh viện, chị còn dành thời gian cho 2 con nhỏ ở nhà. Vì điều kiện gia đình, một mình chị tất bật vừa đưa rước con cái, chăm sóc gia đình, vừa làm “mẹ” của nhiều trẻ sơ sinh.
Công việc vất vả, thường xuyên trực đêm, không riêng chị Thơm, các nữ điều dưỡng có con nhỏ phải gửi người thân trông coi, đưa rước giùm. Những ngày lễ, tết, các chị cũng hiếm hoi được quây quần với gia đình. “Dù vất vả, nhưng chúng tôi vẫn có niềm vui riêng. Hằng ngày được chăm sóc các bé mới sinh, nghe tiếng khóc đầu đời của trẻ, chúng tôi như quên hết nhọc nhằn”.
Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc của điều dưỡng càng áp lực hơn, mọi người đều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. “Nhiều lúc vì quá áp lực, tôi muốn bỏ cuộc, nhưng cũng không hiểu sao có thể vượt qua được.
Có lẽ là vì còn yêu nghề, nhìn các em nhỏ đau đớn vì bệnh tật, tôi không thể kìm lòng. Mỗi bé là một sinh mệnh, đó là một trong những thử thách lớn của chúng tôi. Nếu không yêu nghề, không dành tình thương cho các bệnh nhi thì không thể gắn bó”- chị Thơm tâm sự.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Nhiều người ví von, nghề điều dưỡng là “làm dâu trăm họ”, bởi tính chất công việc của họ là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình. Hầu hết khối lượng công việc tại bệnh viện đều do điều dưỡng thực hiện.
Từ nhận bệnh, thăm khám sơ bộ, nhận định đánh giá nhu cầu của người bệnh, đo các dấu hiệu sinh tồn, phối hợp với bác sĩ thực hiện y lệnh trong ngày, theo dõi người bệnh, giúp bác sĩ phát hiện những bất thường để xử lý...
Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chia sẻ, trong công tác khám, chữa bệnh, vai trò của đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% sự thành công của quá trình chăm sóc và kết quả điều trị đối với bệnh nhân.
Phần lớn thời gian của điều dưỡng đều dành cho bệnh nhân, đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, nhiều đêm phải thức trắng để theo dõi sát sao người bệnh. Có lúc cùng đồng nghiệp giành lại sự sống cho người bệnh khi ở giữa lằn ranh tử thần. Người điều dưỡng không chỉ đơn giản là theo dõi tình hình bệnh tật của bệnh nhân mà còn như một người thân, người nhà động viên, chia sẻ, thuyết phục.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, đặc thù của Phòng Đơn nguyên sơ sinh là điều dưỡng phải chăm sóc trẻ thay cho người mẹ- từ chăm sóc, bơm sữa, thay tã... Ngoài kiến thức chuyên môn về sơ sinh đã được đào tạo, họ còn được bồi dưỡng những kỹ năng thực tế, tích luỹ thêm kinh nghiệm để quen những việc sẽ phải làm.
“Trẻ sơ sinh không thể như trẻ lớn, do diễn tiến rất nhanh, người điều dưỡng phải ở cạnh chăm sóc từng giây và phải biết cách chăm sóc sao cho phù hợp, nhất là việc dùng thuốc, tính đơn vị thuốc... Công việc điều dưỡng ở Phòng Đơn nguyên sơ sinh rất cực nhọc và thầm lặng.
Mỗi điều dưỡng phải luôn theo sát bệnh sơ sinh 24/24 giờ. Họ không tiếp xúc với bên ngoài nên nhiều khi người nhà của bệnh nhân cũng không thể biết ai làm những công việc đó. Sự hy sinh của điều dưỡng đơn nguyên sơ sinh rất lớn. Nhưng bù lại, họ nhận được nhiều niềm vui từ công việc mà mình yêu thích”- bác sĩ Tâm nhận định.
“Vẫn biết, chọn nghề điều dưỡng là lựa chọn con đường nhiều vất vả và áp lực, nhưng trong mỗi người, ai cũng có lòng yêu nghề, sự tận tâm và tình yêu thương, trách nhiệm đối với người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhi, trẻ sơ sinh. Họ là những bông hoa thầm lặng toả hương trong vườn hoa y tế”- bác sĩ Tâm bày tỏ.
“Chăm sóc bệnh nhi, bệnh nhi sơ sinh phải có những tình cảm, tình yêu thương đặc biệt mới có thể làm được. Có những bé vì quá nhỏ, mỏng manh nên mỗi khi tiêm thuốc, rất khó tìm thấy ven, nhiều bé giãy khóc khiến người nhà rất lo lắng, thậm chí cáu gắt, thúc giục, chúng tôi phải nhẫn nhịn, ôn hoà".
Điều dưỡng Lâm Thanh Thơm
Tâm Giang