Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
Những người mở đường
Thứ sáu: 21:27 ngày 24/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh Ngô Trần Ngọc Quốc - Giám đốc Công ty vận tải Trần Quốc cho biết, dù đang là chủ doanh nghiệp chuyên lĩnh vực vận tải hàng hoá, nhưng đứng trước xu hướng phát triển chung của tỉnh, nhất là chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh lại muốn thử sức mình.


Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cùng đoàn viên, thanh niên. Ảnh: K.K

Điều khiến anh Quốc đau đáu và quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lúc nhận vận chuyển nông sản đến chợ đầu mối (trong đó có trái mãng cầu), anh thấy xót cho nông dân khi chứng kiến nhiều chuyến hàng không đạt chất lượng bị thương lái trả về, đổ bỏ. Vì thế, anh Quốc quyết định bắt tay vào làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trái mãng cầu. Hai câu hỏi được anh Quốc đặt ra là: Làm sao để nâng cao giá trị loại trái cây này? Làm thế nào để người nông dân luôn có lãi?

Khi anh cùng vài người bạn bắt tay vào thành lập Công ty Natani, nhiều nông dân chưa mấy mặn mà với việc hợp tác trồng mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Lúc đầu, sản phẩm của công ty đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn vì trước đó, do lối canh tác mạnh ai nấy làm, trái mãng cầu Tây Ninh không đạt chất lượng, làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng.

Cuối cùng, với nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đến nay, trái mãng cầu Natani đã có được thương hiệu, có mặt trong nhiều hệ thống siêu thị nổi tiếng. Quan trọng hơn là, nông dân đã thấy được hiệu quả từ việc hợp tác với công ty trồng mãng cầu đạt chuẩn VietGAP. Hiện, diện tích mãng cầu của công ty hợp tác với nông dân trồng trên địa bàn thành phố Tây Ninh hơn 100 ha, nhưng sản phẩm vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường.

Anh Quốc cho biết, trong thời gian tới, Công ty Natani có thể đầu tư trồng rau vị, rau ăn lá… Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà, anh tin rằng Tây Ninh sẽ trở thành “thủ phủ” của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, anh mong muốn tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, đưa Tây Ninh trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và điều quan trọng là, nông dân Tây Ninh sẽ làm giàu được, từ chính mảnh đất của mình.

Chăm sóc dưa lưới tại nông trại của anh Đoàn Việt Cường. Ảnh: Lê Đức Hoảnh

Là một doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất chế biến cao su, anh Đoàn Việt Cường - Phó Giám đốc Công ty cao su Liên Anh cũng rẽ hướng sang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Anh Cường đầu tư trang trại trồng dưa lưới với diện tích 3.000m2 tại khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Anh Cường cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống gắn với sinh kế của hơn 70% người dân Việt Nam.Tuy nhiên, nông sản Việt đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc đua hội nhập.  Theo anh Cường, để đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cần rà soát các cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với từng vùng nguyên liệu, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng; có chính sách, cơ chế, phương án xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa phương nơi áp dụng và từng sản phẩm.

Mãng cầu Natani. Ảnh: Thuý Hằng

Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương có chất lượng tốt, an toàn, có thị trường và hiệu quả kinh tế để có hướng xây dựng các chuỗi liên kết; nghiên cứu xu hướng thế giới, tiêu thụ trong nước, trong khu vực để có phương án, chính sách phù hợp; định hướng cho doanh nghiệp  tham gia thị trường xuất khẩu; có chính sách mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản.

Theo doanh nhân Võ Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Green Vina (huyện Tân Châu), hiện nay, HTX đầu tư trồng lúa đạt chuẩn VietGAP, cung cấp giống và hướng dẫn người nông dân sản xuất theo quy trình.

Anh Nhơn cho biết,Tây Ninh là một vùng đất trù phú, có hồ Dầu Tiếng và hệ thống thuỷ lợi rất tốt, cùng hệ thống kênh rạch lưu thông dẫn nước tưới rất thuận tiện trong việc sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, Trung ương và tỉnh rất quan tâm, đưa ra một số chính sách và khuyến khích thiết lập chuỗi giá trị phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đây là một quyết sách đúng đắn. 

Tuy nhiên, trong thực tế còn cần nhiều hơn thế, như nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong xu thế mới; vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp; chính sách khuyến khích, hỗ trợ quỹ khuyến nông công nghệ xanh, quỹ sản xuất bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu… làm đòn bẩy cho nền nông nghiệp phát triển bền vững. 

THẾ NHÂN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục