BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người nhìn vaccine Covid-19 nửa tin nửa ngờ 

Cập nhật ngày: 19/08/2020 - 18:59

Từ khi Covid-19 bùng phát, Julia Wei liên tục theo dõi tin tức về vaccine, tin rằng vaccine là con đường duy nhất trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc trở thành một trong những nước dẫn đầu cuộc đua, sở hữu 4 "ứng viên" tiến vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, Wei cho biết bà và con gái 6 tuổi cảm thấy do dự trước khả năng tình nguyện tiêm chủng.

"Tôi đọc được rằng quá trình phát triển vaccine thường mất nhiều năm, nhưng với Covid-19, thời gian rút ngắn còn vài tháng. Như vậy là quá nhanh. Tôi không muốn trở thành chuột bạch. Tôi sẽ đợi cho đến khi biết chắc về độ an toàn và hiệu quả", bà nói.

Wei không thuộc nhóm bài xích vaccine (anti-vax). Bà đã cho con gái theo các chiến dịch tiêm phòng miễn phí của chính phủ, chủng ngừa cả một số loại bên ngoài chương trình mà bà cho là cần thiết. Tuy nhiên, Wei vẫn cảm thấy nghi ngờ về vaccine Covid-19.

Một tình nguyện viên tiêm thử vaccine tại Mỹ, tháng 5/2020. Ảnh: AP

Nỗi lo ngại đến từ những người như Wei đang gây khó khăn cho việc tiêm chủng, là trở ngại trên đường đến mục tiêu "miễn dịch cộng đồng", bình thường hoá hoạt động xã hội.

Không chỉ ở Trung Quốc, thái độ do dự cũng len lỏi tại nhiều nước khác. Trong cuộc khảo sát của Viện Gallup, hơn 35% người Mỹ cho biết họ không muốn tiêm phòng, ngay cả khi vaccine Covid-19 được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, cung cấp miễn phí.

Kết quả tương tự được ghi nhận ở Canada. Viện Angus Reid báo cáo khoảng 32% người được hỏi tỏ ra do dự, cho biết sẽ chờ đợi trước khi chủng ngừa. 14% thậm chí tin rằng thế giới sẽ không có vaccine Covid-19.

Năm 2019, ngay trước đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố: trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng khi đã có vaccine là một trong 10 mối đe dọa về sức khỏe toàn cầu.

Một ví dụ có thể xem xét là bệnh sởi. Số trường hợp mắc sởi trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng trong vài năm qua. Dù lý do không hoàn toàn là vì làn sóng tẩy chay vaccine, song virus đã quay trở lại ở một số quốc gia tưởng chừng loại bỏ mầm bệnh từ lâu.

Trong buổi hội thảo trực tuyến với Đại học Bắc Kinh hồi tuần trước, Margaret Hamburg, cựu uỷ viên FDA, phát biểu: "Chúng tôi đã đề cập đến rủi ro sản xuất, có thể dẫn tới mối nguy tài chính. Chính phủ các nước đang dồn lực vào việc sản xuất vaccine số lượng lớn, để chúng nhanh chóng được phân phối ngay khi chứng minh độ an toàn và hiệu quả. Nhưng rủi ro tăng thêm khi mọi người nghi ngờ vaccine".

Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang khi ra đường ngừa Covid-19, tháng 5/2020. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cho biết thái độ e ngại là điều dễ hiểu, song cũng trấn an cộng đồng về quá trình phát triển vaccine. Wilbur Chen, giáo sư y khoa tại Đại học Y Maryland, nhấn mạnh các cơ quan quản lý sẽ không cắt giảm bất cứ tiêu chuẩn nào trong quá trình về phê duyệt, bởi hướng dẫn của FDA về vaccine đã rất rõ ràng, toàn diện.

"Mọi người không nên lo lắng về tính an toàn hoặc độ hiệu quả của vaccine Covid-19. Chúng được cấp phép dựa trên cơ sở nghiên cứu nghiêm ngặt, tuân thủ quy định của FDA", ông nói.

Giáo sư Chen cũng giải thích có thể những phản ứng phụ rất hiếm gặp sẽ xuất hiện sau khi tiêm chủng diện rộng, song điều này tương đối bình thường, có thể xảy ra đối với vaccine Covid-19 hay bất cứ loại nào khác.

Nguồn VNE (Theo SCMP)