Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người phụ nữ bình dị quanh tôi
Thứ ba: 16:52 ngày 09/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy tháng nay, tầm sáu giờ sáng, chị lại chở một xe đầy các loại rau cải nhà trồng ra bày ở góc chợ. Ðám rau cải tươi xanh chị trồng trên mảnh đất mấy chục mét vuông quanh nhà. Mùa nào trồng loại nấy, cải quăn, cải bẹ xanh, cải ngọt… nên chị có rau bán quanh năm. Ðến khoảng 9 giờ là chị dọn hàng về, nghỉ ngơi cơm nước xong là quay ra chăm bẵm vườn rau, chuẩn bị cho buổi chợ sớm hôm sau.

Góc chợ quê.

Chị lấy chồng năm 20 tuổi, đẻ ba đứa con- trai gái đủ cả. Giờ hai đứa đầu đã có gia đình riêng, công ăn việc làm ổn định; thằng út cũng mới ra quân dịp trước tết. Trước, chị bán ở chợ Long Hoa, gần đây chị mới về khu chợ sáng gần nhà bán cho tiện.

Ngoài chiếc cub cánh én cà tàng của những năm 80 thế kỷ trước, đồ nghề của chị là tấm bạt nhựa lót đất để đặt đám rau, một cái cân, mớ bịch nylon và cái nón lá. Cận tết, thấy chị bán đắt, một mình loay hoay, tôi hỏi “ổng” đâu, làm gì mà sao không ra phụ? Chị bảo, “ổng” của chị chỉ biết nhậu, xưa giờ có bao giờ ra chợ phụ chị bán buôn, cuộc sống cả nhà bao nhiêu năm qua phụ thuộc hoàn toàn vào gánh rau này.

Ngồi đối diện với chị ở góc chợ là một chị bán rau khác. Chồng mất khoảng ba tháng, để lại cho chị đứa con trai đang học lớp 6 và khoản nợ kha khá sau đám tang. Mấy năm qua, ngày nào cũng như ngày nấy, đúng 2 giờ sáng là chị đi chợ Long Hoa sang rau củ về bày bán. Thằng con trai của chị, những ngày nghỉ học theo mẹ ra chợ phụ bán. Lúc còn sống, năm thì mười hoạ mới thấy chồng chị xuất hiện ở chợ. Ổng gầy nhom, thường xuyên bệnh vì… nhậu lâu ngày.

Trước tết, chồng chị bệnh nặng, phải phẫu thuật mấy lần, chị nghỉ bán hơn cả tháng. Chị tần tảo bao năm với sạp rau củ này để lo cho cả nhà, từ ăn uống, sinh hoạt, đến học hành cho con, trị bệnh cho chồng. Giờ mỗi sáng chị bán rau củ ở chợ, trưa về nhận thêm mấy chục tờ vé số để tối hai mẹ con tranh thủ đi bán kiếm thêm chút đỉnh.

Khu chợ sáng gần nhà tôi chỉ rộn ràng vài tiếng đồng hồ. Người bán đa phần là nữ giới, mỗi người mỗi cảnh tụ về, nhường nhau vài tấc đất để mưu sinh. Người bán mớ rau, người bán đám hoa, người bán mớ hột vịt, người bán thau cá đồng, người bày rổ bầu bí…

Vậy mà có người nuôi con vào đại học, có người đã thay chồng gánh vác vai trò “trụ cột” kinh tế trong nhà. Và, chả mấy khi tôi thấy bóng dáng các ông chồng xuất hiện phụ các bà, các chị dọn hàng hay chào bán. Chỉ là phụ nữ với nhau, mọi người dễ cảm thông, có khi người này bán phụ người kia, ngó chừng hàng hoá lẫn nhau, theo kiểu “chia nhau mà sống”.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 đang đến gần, nhưng với các bà, các chị ở khu chợ sáng nhà tôi có lẽ ngày nào cũng như ngày nấy. Những “trụ cột” trong nhà các chị có thể không khi nào bước ra chợ để hiểu nỗi vất vả cực nhọc của người phụ nữ “chân yếu tay mềm”, đã âm thầm hy sinh cả đời để gánh vác trách nhiệm lo cho chồng, cho con.

KN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục