Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người thầy dẫn lối hoàn lương
Thứ ba: 17:40 ngày 19/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trực tiếp tiếp xúc với phạm nhân, cùng họ lao động, và quan trọng nhất là thấu hiểu những số phận, những mảnh đời, những tâm tư, góc khuất… để giúp họ hoàn lương, về đời, khó mà đong đếm được bao nhiêu công sức của tập thể cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh.

Trung tá Phan Thế Bảo- Phân trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Tây Ninh hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất.

Chỉ cách thành phố Tây Ninh khoảng 4km, ít ai biết rằng cả khu vực trại giam rộng mênh mông (toạ lạc tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) xưa kia hoang vắng, cằn cỗi, bây giờ dày đặc cây xanh, phủ đầy bóng mát, chạy dài từ đầu cánh cổng tới cuối hàng rào trại.

Thượng tá Nguyễn Trung Thái- Giám thị Trại giam cho biết: “Trại tạm giam Công an Tây Ninh được đưa vào hoạt động từ tháng 5.2005. Để có được cơ sở khang trang như hôm nay, nhiều thế hệ đi trước đã phải dày công lao động.

Ngoài khu làm việc, khu biệt giam còn có khu vui chơi, giải trí, sân bóng đá, bóng chuyền dành cho CBCS sau những làm việc mệt nhọc. Hướng tới, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu công tác chuyên môn và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp phục vụ tốt công tác giáo dục can, phạm nhân.

Tập thể đơn vị luôn luôn thực hiện đúng chính sách, đúng quy định với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, đặc biệt chế độ chính sách, chế độ ăn uống, y tế, ngoài ra cũng hỗ trợ tăng cường thực phẩm, nâng cao thể trạng cho phạm nhân.

Ngoài công tác giáo dục cải tạo, CBCS nơi đây còn tạo không khí vui tươi phấn khởi, đặc biệt trong năm đề ra hai đợt phát động thi đua cho phạm nhân tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao để phạm nhân phần nào bớt nhớ nhà, yên tâm cải tạo, cố gắng sau này về gia đình, xã hội để trở thành người lương thiện có ích cho xã hội, đặc biệt là không tái phạm tội”.    

Có đến đây, chúng tôi mới thấu hiểu công việc của những người thực thi nhiệm vụ ở trại tạm giam. Giáo dục những con người “tay trót nhúng chàm” không dễ, để cải tạo họ hoàn lương càng khó hơn nhiều, CBCS quản lý bảo vệ trại giam một lúc phải làm tốt ba chức năng: cảnh vệ, giáo dục và cải tạo lao động phạm nhân. Đối với cán bộ quản lý tại trại giam, dường như sự cảnh giác đã ăn sâu vào máu, họ phải thường xuyên theo dõi từng "đường đi nước bước" của phạm nhân. Nhiều đêm mưa gió, cả khu trại tối như bưng, can phạm nhân đã chìm vào giấc ngủ, nhưng ngoài hành lang ánh đèn pin vẫn chiếu, các cán bộ quản giáo vẫn thay nhau canh gác để giữ an toàn cho khu trại.

Trung tá Phan Thế Bảo- Phân trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân với kinh nghiệm 18 năm “trong nghề” cho chúng tôi biết: "Nếu ai đã vào đây một lần thì họ mới thông cảm và chia sẻ với chúng tôi.

Thú thật, vất vả lắm! Với công việc "ngày không giờ, tuần không thứ", nhiều lúc gia đình có công việc cũng không về được. Bởi ngày nào cũng phải làm đủ các khâu từ quản lý phạm nhân, tổ chức sản xuất, giáo dục can phạm đến giải quyết những tình huống phát sinh.

Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, vì phạm nhân lúc mới vào tư tưởng không ổn định. Có lúc chúng tôi rất cứng rắn nhưng có lúc cũng phải ứng xử rất ôn hoà. Muốn họ hoàn lương phải giải thích cho họ hiểu được luật pháp. Khi họ hiểu được, sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình”.

Trung tá Phan Thế Bảo dẫn chúng tôi tiếp xúc các phạm nhân đang miệt mài lao động, người nhổ cỏ, người hái rau… Vừa đi anh vừa tâm sự, phạm nhân ở đây đủ mọi vùng quê, mọi lứa tuổi và mọi cá tính. Lao động không chỉ giúp cho phạm nhân dẻo dai về sức khoẻ, quên dần nỗi buồn từ quá khứ, giúp cho họ hiểu giá trị chân chính nhất của con người là hạnh phúc bắt đầu từ lao động.

Chúng tôi tới khu chăm sóc cây kiểng, từng luống, từng hàng thẳng tắp, hỏi thăm hoàn cảnh phạm nhân, họ đều không ngần ngại kể về lỗi lầm của mình. Gặp H.M.L, sinh năm 2001, với vẻ ngoài thư sinh, dáng người thanh mảnh, ăn nói nhẹ nhàng, thoạt trông, khó có thể hình dung nổi anh ta phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

“Chỉ vì lúc đó lười nhác không biết cố gắng, khi thấy đồng tiền có được quá dễ dàng, không suy nghĩ đúng sai nên đã ra tay cưỡng đoạt tài sản của người dân. Khi bị bắt giữ, được cán bộ nơi đây giáo dục mới nhận ra hành vi sai trái của mình, để có được đồng tiền phải tạo ra từ chính sức lao động của mình.

Được cán bộ cảm hoá, động viên trong quá trình cải tạo, mới dần vơi bớt mặc cảm, bản thân cũng đã suy nghĩ chín chắn hơn, cố gắng rèn luyện, để sớm được về với gia đình, hoà nhập với cộng đồng”– H.M.L chia sẻ. Phạm nhân này còn cho biết, anh thích làm thợ cắt tóc, sau này ra trại sẽ đi học, làm nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc.

Phạm nhân T.V.N, sinh năm 1993 chia sẻ: “Năm 2020, em bị TAND huyện Gò Dầu tuyên án phạt tù do cố ý gây thương tích. Những ngày đầu vào trại, em mặc cảm, ngang bướng không chấp hành nội quy. Hơn hai năm ở đây, được sự quản lý, giáo dục của Ban giám thị và các quản giáo, em đã nhận ra tội lỗi của mình, nay yên tâm cải tạo để mong được hưởng chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước. Qua quá trình cải tạo, rèn luyện, em được xét, đề nghị giảm án. Nếu được ra trại, về đoàn tụ với gia đình, đó là hạnh phúc lớn nhất của đời em". N hứa sau này trở về sẽ trở thành người tốt, kiếm việc làm nuôi vợ con và cha mẹ.

Theo Trung tá Phan Thế Bảo- Phân trại trưởng Phân trại quản lý phạm nhân, nghề quản giáo vất vả, nặng nhọc. Trong quá trình quản lý, giáo dục các phạm nhân, quản giáo phải đi sâu tìm hiểu, nắm bắt được bản chất của từng phạm nhân, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người, để từ đó động viên, thuyết phục họ phát huy cái tốt, mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo.

Cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam thường nói vui, làm công tác quản giáo như làm những người thầy dạy dỗ, uốn nắn “học sinh cá biệt”. Càng khó khăn, thành quả đạt được càng trở nên ý nghĩa.

Làm quản giáo, niềm vui mà họ luôn mong đợi là khi thấy “những học trò ngỗ ngược” dần khôn lớn, trưởng thành, biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Mỗi một mảnh đời hoàn lương, trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng, tìm được công việc ổn định không chỉ là nỗ lực của bản thân họ, mà còn là thành quả tốt đẹp trong công tác quản lý, giáo dục can, phạm nhân và là niềm tự hào của toàn thể cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam Công an Tây Ninh.

Phạm Công – Tấn Lực

Báo Tây Ninh
Thiết kế biệt thự mái thái đẹp
Tin cùng chuyên mục