Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những người Việt ở tâm dịch Daegu
Thứ hai: 10:29 ngày 24/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghe tin số người nhiễm nCoV tăng gần gấp đôi sau một đêm, Thanh Hoài, 28 tuổi (quê Hà Nội) vừa xếp vali vừa khóc, trong đầu chỉ có ý nghĩ muốn về Việt Nam.

Bật TV nghe bản tin lúc 10h sáng ngày 22/2, Hoài được biết thành phố Daegu nơi cô đang ở đã có 346 trường hợp dương tính với nCoV, trong khi một ngày trước mới là 204. Bệnh nhân số 31 - người được mệnh danh là "siêu truyền nhiễm" bởi mang virus nCoV trong người nhưng vẫn đi ăn buffet với bạn, đi nhà thờ và lây cho người giao sữa - nhân vật tiếp xúc với hầu hết các văn phòng trong khu vực. Bệnh nhân số 31 còn lây cho một ông lão, người đi tới 5-6 siêu thị trong một ngày...

Nghe đến đâu, Ngô Thanh Hoài, hoảng sợ tới đó. Chân tay bủn rủn, trong đầu chỉ muốn về Việt Nam ngay hoặc chạy sang thành phố khác. Bỗng có tiếng gọi mẹ của con trai hơn một tuổi, Hoài sực tỉnh. "Tôi không thể bỏ chồng, bỏ gia đình chồng giữa cơn hoạn nạn này được", cô nói và quyết định ở lại chống dịch. 

"Dù không chống được thì cũng không thể làm lây cho cộng đồng", cô gái từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Kongju, hạ quyết tâm.

 

Đường phố xung quanh nhà Thanh Hoài vắng vẻ hôm 22/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Daegu là thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc, với 2,5 triệu dân. Thanh Hoài sống ở quận Namgu, cách nhà thờ Shincheonji mà bệnh nhân số 31 đi lễ hàng tuần, chỉ hơn một km. Bên cạnh quận Namgu là bệnh viện đông y nơi bệnh nhân số 31 điều trị và gia đình bà này cũng ở gần đó.

"Ba ngày nay chỗ tôi vắng như chùa Bà Đanh", Thanh Hoài nói về quận Namgu. Hàng quán ế ẩm. Mọi người đều lo lắng nên tự cách ly trong nhà, nếu có ra ngoài cũng đi bằng phương tiện cá nhân. Cảnh sát và đội khử trùng đi lại liên tục. Các trường trì hoãn kỳ học mùa xuân. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Khoảng 90% người dân đeo khẩu trang.

Sau khi bệnh nhân số 31 làm bùng dịch, một số siêu thị lớn tại Daegu hết đồ ăn, kênh shopping online bị quá tải và tê liệt, ngừng hoạt động trong vài giờ. Khẩu trang không có để mua, nếu có thì một hộp 50 chiếc là 60.000 won (khoảng 1,2 triệu đồng).

"Hai hôm đầu bùng dịch cả nhà cuống cuồng, mất ăn mất ngủ", Hoài chia sẻ. Sang đến hôm nay, tâm trạng bố mẹ chồng Hoài và cô đã bình tâm hơn, cố gắng ăn ngủ điều độ.

Hôm 23/2, Hoài chở mẹ đi mua đồ ăn tại một tạp hóa nhỏ và tránh xa các siêu thị. Thực phẩm mua có thể dùng trong 3 tuần. "Nhà tôi có 2 tủ lạnh 2 buồng và một tủ kim chi, không lo thiếu chỗ chứa", cô chia sẻ.

Thanh Hoài cũng nghĩ đến những điểm tích cực. Mẹ chồng không ra ngoài mà chuyển sang làm việc online, cả gia đình có thời gian dành cho nhau nhiều hơn bình thường. Chồng cô làm việc tại một thành phố khác, cách nhà 1,5 tiếng chạy xe. Từ khi Daegu "thất thủ", anh đã không thể về nhà vì sợ ảnh hưởng đến công ty. Anh cũng muốn đón mẹ con Hoài đến chỗ mình, song cô từ chối vì không muốn gây nguy hiểm cho chồng.

Tivi bật cả ngày, ngoại trừ lúc ngủ, để cập nhật tin tức. Thông qua việc theo sát tin tức, cô "yên tâm phần nào vì cảm nhận rõ chính phủ đang quyết liệt phòng chống".

 

Ngoài lên thư viện lấy tài liệu, Vinh hạn chế ra ngoài thời điểm này. Anh cũng tích trữ đồ ăn và nấu nướng tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nôn nóng trước những diễn biến nhanh của dịch corona là tâm trạng của Vũ Vinh (quê Quảng Ninh), sinh viên cao học tại Đại học Yeungnam, thành phố Gyeongsan, cách nhà thờ Shincheonji 20 km. Từ bệnh nhận số 31, dịch đã tăng lên rất nhanh. Có những ngày số ca nhiễm tăng lên tới 200 người. "Tôi cảm nhận dịch đến rất gần mình", Vũ Vinh, chia sẻ.

Sống ở Hàn 7 năm, lần đầu tiên Vinh thấy tàu điện ngầm rất ít người. "Người Hàn đang lo lắng. Ai ra đường cũng đeo khẩu trang. Họ mua đồ ăn online nhưng tránh tiếp xúc với nhân viên giao hàng, thường thấy đồ ăn đặt trước cửa", Vinh chia sẻ.

Bạn bè, anh em của Vinh hầu hết ở tâm dịch. Mọi người cập nhật tin tức tới nhau liên tục và đều động viên nhau bình tĩnh. Nhưng cũng có những người sợ, đã bay gấp về Việt Nam. Khoảng 4 trong số 10 người bạn của Vinh đã về nước.

Vũ Hiền, quê Bắc Giang cũng đổi vé gấp về nước ngày 25/2, thay vì 10/3. "Mẹ mình bảo đã liên hệ để ngay khi mình xuống sân bay là cách ly luôn. Thà cách ly 14 ngày còn hơn chôn chân tại Daegu", cô gái 27 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Thương Mại tại Đại học Daegudae, chia sẻ.

Từ ngày 20/2 tới nay đã có 20 người bạn của Hiền ở Đại học Daegudae về nước vì sợ corona. "Thậm chí nhiều bạn bảo lưu kết quả học tập phòng trường hợp dịch càng ngày càng lan nhanh và không có dấu hiệu dừng lại như hiện nay", Hiền cho hay.

Chỉ còn vài ngày nữa là lên máy bay, nên Hiền cố thủ trong phòng, hạn chế tối đa ra ngoài. Nhưng hôm nay có việc phải ra đường, cô đeo hai khẩu trang, mang theo nước rửa tay khô và rửa tay liên tục. "Đi đường không cầm điện thoại lướt như mọi khi mà quan sát trái phải, trước sau để giữ khoảng cách với người khác", cô chia sẻ.

 

Tàu điện ngầm lúc 7 giờ tối 22/2 từ thành phố Gyeongsan lên Daegu và ngược lại vắng tanh. Ảnh: Vũ Vinh.

Nửa đêm 23/2, Thanh Hoài tỉnh sau cữ ăn đêm của con trai. Cô mở điện thoại cập nhật tình hình dịch: 6 người chết, 602 người dương tính, 8.057 người đang chờ kết quả. Hoài vỗ ngực để trấn tĩnh mình. Trên bàn trang điểm là lịch sinh hoạt một ngày của con trai cô phòng trường hợp mẹ bị nhiễm thì các thành viên còn lại trong gia đình có thể dựa vào đó để chăm sóc bé. Dưới bàn là hai vali đồ của hai mẹ con đã chuẩn bị sẵn...

Tại Daegu hiện có hơn 1.000 lao động, trong tổng số gần 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên số lượng lao động làm chui không thể thống kê được. Để nhận được hỗ trợ, công dân Việt Nam tại Hàn Quốc có thể gọi tới đường dây nóng (+82106.315.6618) và tổng đài bảo hộ công dân +84981.84.84.84.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục