Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các em có biết không khi chúng ta học tập, làm việc và sinh hoạt… đôi khi chúng ta vướng phải những sai lầm và phải trả cho nó một giá rất đắt.
An lặng lẽ rời ký túc xá, đi tìm một góc nào đó để ngồi. Đêm rằm, trăng thật tròn. Giờ này, trên sân thượng rất nhiều cặp đôi đang ngồi tâm sự. Nếu không có lá thư của Bình gởi lên hôm qua, thì một đêm lý tưởng thế này, sân thượng sẽ rộn rã tiếng cười nói của An.
Chỗ An ngồi là gốc cây tràm vàng trên con đường quen thuộc dẫn đến khu chữ U, ánh đèn đường không rọi tới nổi. Chỗ ngồi này ổn, chắc không ai phát hiện ra mình. An muốn ngồi một mình, tránh xa mọi sự ồn ào. Tụi trong phòng chắc thắc mắc lắm, mình vắng mặt, chúng nó lại đoán già đoán non, mặc kệ tụi nó!
An giơ tay đập muỗi. Bộp! Gớm, muỗi ở đâu mà lắm thế! Làm như chúng nhịn đói từ muôn kiếp nào, chỉ chờ An đến để làm thịt. Cũng may, An có mang theo cuốn giáo trình, anh phe phẩy, tụi bây tha cho tao nhờ!
Đêm, yên tĩnh, mùi hoa ngọc lan thơm nồng nàn. Lòng An rối bời, chẳng còn tâm trí để thưởng thức. An nhớ từng dòng chữ trong lá thư của Bình: “Anh Hai à! Con heo của má chết rồi, mà nó chết lạ lắm anh ơi! Trước lúc chết, trên thân của nó xuất hiện những dấu chấm đen và máu từ miệng trào ra rất nhiều.
Con heo chết, má buồn lắm! Má nói là con heo này sắp đẻ, má hy vọng gầy được một bầy heo con, ráng nuôi lớn mai mốt có tiền đóng học phí cho anh Hai. Mà anh Hai biết không, nghe tin con heo chết, bà Ba Dung xúi má xẻ thịt đi, tao bán giùm cho, kiếm thêm đồng nào đỡ đồng đó! Má mình đâu có chịu đâu anh Hai.
Má nói: Rủi đây là bệnh nguy hiểm, lây sang người, bán như vậy thất đức lắm. Má sai em phụ với má, đi đào một cái hố lớn để chôn. Hai mẹ con kéo con heo đi, nặng muốn chết!
Má vừa lấp đất, má vừa khóc.
Thương lắm anh Hai ơi!”.
An nghe như trong tim mình có ai đó đang bóp thật chặt. Tuần trước, về quê, trước khi đi má có gọi An lại và nói: - Con học Đại học Nông lâm, ngành Thú y, con xem giùm má, con heo này bệnh gì mà nó sốt, ăn ít lắm.
- Má ghé cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn gia súc của ông Tư Cào nói với ổng là con heo bị cảm sốt, mua vài phần thuốc cho nó uống- An vừa đi vừa trả lời.
- Vậy hả con?- Má nhìn theo An với ánh mắt đầy yêu thương và có phần tự hào.
An ngồi và hình dung ra nét mặt đau khổ của má. Tại con, tất cả là do con má ơi! Do con không đủ kiến thức, lại hời hợt trả lời qua loa, thiếu trách nhiệm. Tại sao lúc đó con không nói với má con chỉ mới học năm ba, chưa đủ kiến thức để chẩn đoán bệnh, má mời bác sĩ thú y khám. Sao con lại trả lời má như thế! Rồi những ngày tiếp theo tiền đâu để má trang trải. Gánh nặng đóng học phí đè lên đôi vai còm cõi của má. Kiểu này, buồn rầu, lo lắng chắc là má đổ bệnh quá.
Trời đã khá khuya, gió hơi lạnh. An rảo bước về lại phòng.
Thằng Tâm trề cái môi dài cả thước ra hỏi:- Đi trốn nợ hả mậy?
Tài “sún” tiếp lời:- Không phải trốn nợ đâu! Nó trốn “ẻm”.
Minh phụ hoạ:- Thấy “ẻm” đi tìm mày mà tội nghiệp ghê, em ấy chạy khắp nơi, hỏi tụi tao là mày đi đâu?
Chí bước lại vỗ vỗ vào vai An: - Có thật sự chia tay với nàng thì công bố một tiếng để tao vô nhe mậy!
Mặc cho các bạn ghẹo chọc, An không trả lời. Nó leo lên giường ở tầng 2, thế giới riêng của nó.
Nãy giờ, duy nhất chỉ có Phong là chưa lên tiếng. Phong nhìn nó, ánh mắt như muốn hỏi: Có chuyện gì vậy An? An lắc đầu nhè nhẹ, tránh ánh nhìn của người bạn thân nhất.
Phong là vậy đó, anh chàng gốc Nha Trang đáng yêu. Thâm trầm, tế nhị, nhẹ nhàng, biết quan tâm, sẻ chia... Nói chung là một ngàn lẻ một cái tốt, xứng đáng với cái chức trưởng phòng.
Thấy thái độ hơi khác thường của An, Phong lên tiếng:- Tụi bây học bài hay ngủ đi, đừng chọc ghẹo nó nữa!
An nhắm mắt lại, đầu óc quay cuồng với bao nhiêu hình ảnh. Những dãy rừng cao su bạt ngàn ở Tân Châu, một ngôi nhà nhỏ với người cha bị tai biến nhẹ, một người mẹ tần tảo, luôn tay, luôn chân, tất bật với hàng đống công việc.
Nhiều đêm thanh vắng, cả một khu vườn rộng lớn chỉ có bóng dáng lầm lũi của hai mẹ con cặm cụi cạo mủ. Rồi cao su rớt giá thê thảm, người ta đốn bỏ loại cây một thời từng giúp họ đổi đời. Mẹ trồng mì, trồng lang, trồng các loại rau đem ra chợ bán.
Mỗi ngày, trước khi đi bán, mẹ đều chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Nhiều lúc bó rau phụ mẹ, An nghe cả tiếng thở dài. Rồi, chắc là sắp đến ngày đóng lãi cho ngân hàng hay là đóng tiền điện hoặc đến ngày thuê xe đưa ba đi tái khám…
An nắm bàn tay đầy vết chai cúa mẹ và hỏi: - Sao mẹ có thể làm ngần ấy việc, mẹ giỏi quá!
- Không phải là giỏi, nhưng mẹ không làm thì ai làm đây con? Tụi con ráng học giỏi, có nghề nghiệp ổn định mẹ sẽ đỡ cực hơn.
An nhớ như in lời mẹ nói: Con heo này đẹp mã, ráng nuôi để nó đẻ. Con heo chết, cũng tại mình. Những giọt nước mắt lăn dài trên mặt An.
Một đêm không ngủ, nghe thời gian thật dài.
Có lẽ nỗi ân hận xót xa, dằn vặt tâm hồn khiến lương tâm trở mình thức dậy, kéo theo miền ký ức tuôn trào.
Từng gương mặt thân quen dần hiện ra. Lớp học 12P5 vào những ngày cuối tháng ba. An nhìn qua cửa sổ, sân trường khá ồn ào. Một số lớp vắng tiết do giáo viên đi tập huấn công tác ôn thi tốt nghiệp, học sinh ra ghế đá ngồi học bài.
Nắng vàng rực. Lá rụng nhiều ngập sân. Những bông hoa móng bò màu hồng phơn phớt nở thật đẹp. Hai hàng dương nghiêng nghiêng trong gió. Xa xa, ruộng rau muống với một màu xanh non mơn mởn.
Các em tập trung! Nhìn lên bảng chép tựa bài vào và chuẩn bị nghe thầy giảng, đừng ngồi mơ màng.
An giật mình, ngồi ngay ngắn lại khi nghe tiếng thầy Châu vang lên. Trên bảng tựa đề NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ SAI LẦM.
Thầy Châu là giáo viên dạy văn, kiêm luôn dạy đạo đức và cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp An. Mỗi lần có tiết của thầy là lớp chia ra làm 2 phe rõ rệt. Tụi con gái và thằng Phi thì mừng ra mặt, chúng nó mong đợi đến tiết. Khi thầy giảng bài, tụi nó ngồi nghe say sưa như nuốt từng lời, còn đám con trai ngồi bàn cuối thì tha hồ làm đủ trò.
Thằng Tư mang bộ truyện chưởng Kim Dung theo để đọc. Tụi thằng Thi thì ngồi giải bài tập toán hoặc nghĩ ra trò nào đó để quậy. Tiết học này chúng đang chuẩn bị trò cột đuôi. Một tờ giấy tập gấp đôi với dòng chữ “Ở đây có bán heo con” được phết một ít keo và treo thật nhẹ nhàng vào lưng áo Hoa.
Con bé hoàn toàn không hề biết mình đang là tâm điểm của trò đùa. Những tiếng cười ngặt nghẽo vang lên từ cuối lớp, mấy đứa ngồi bàn trên cũng ngoái cổ xuống nhìn. Thầy Châu từ từ rời bục giảng bước xuống.
Tờ giấy được thủ tiêu thật nhanh. Tiếng cười im bặt. Dù giận tím mặt, thầy Châu cũng ráng bình tĩnh trở về ghế ngồi. Thầy vừa quay lưng đi thì những tiếng cười lại nổi lên. Lớp trưởng la to: - Các bạn trật tự nhe.
Thầy Châu ngồi yên trên ghế, nhìn bao quát lớp, không nói một tiếng nào, không khí dường như đóng băng. Thấy tình hình đầy vẻ căng thẳng, cả lớp im phăng phắc. Độ hai phút sau, thầy bắt đầu nói:
- Các em à! Thầy biết các em đang đùa! Tinh nghịch, đùa vui, hiếu động… là bản chất của học trò, ngày xưa thầy cũng như vậy, nhưng mình phải biết đùa đúng chỗ, đúng lúc. Các em nhìn lên bảng đi, tiết học đạo đức hôm nay mình học bài gì? Hôm qua, ngồi soạn bài để dạy cho các em mà thầy phải tấm tắc vì nội dung bài quá hay, rất thiết thực cho các em khi vào đời.
Các em có biết không khi chúng ta học tập, làm việc và sinh hoạt… đôi khi chúng ta vướng phải những sai lầm và phải trả cho nó một giá rất đắt. Người ta phân tích các sai lầm rơi vào 3 nguyên nhân chính sau đây;
Một, người tiến hành công việc có kiên trì, có cố gắng, tận tâm, tận lực… giải quyết vấn đề nhưng do thiếu kiến thức nên dẫn đến kết quả sai.
Hai, họ có đầy đủ kiến thức, có năng lực… nhưng thiếu sự cẩn thận, lòng kiên trì, ôm đồm rất nhiều việc cùng một lúc, giải quyết vấn đề trong tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung, dựa trên cảm xúc nhất thời, không bao quát hết các tình huống… cuối cùng kết quả cũng là sai sót, thất bại.
Ba, họ có kiến thức, có năng lực, tỉ mỉ, sắc sảo, cẩn thận… nhưng kết quả cuối cùng vẫn sai vì đây là dạng người có tâm địa xấu, có tài nhưng không có đức, họ cố tình đưa ra kết quả sai để đạt một mục đích nào đó.
Chỉ còn vài tháng nữa là các em bước vào kỳ thi quan trọng nhất của mình, để đạt kết quả cao, tránh sai sót các em nhớ cho thầy hai điều quan trọng: một là học đầy đủ các kiến thức trọng tâm mà thầy, cô truyền đạt; hai là phải làm bài thật kỹ lưỡng, cẩn thận. Đừng bao giờ phải nói hai tiếng “giá như…”. Mai kia các em ra đời thì ngoài ấy đầy những yếu tố bất ngờ đang chờ đón các em. Hãy nhớ kỹ bài học hôm nay để hạn chế bớt sai lầm các em nhé.
Từng lời, từng chữ của thầy Châu như vang lên trong đêm khuya thanh vắng.
An thầm nghĩ: so với các nguyên nhân mà thầy đưa ra thì mình còn tệ hại hơn. Ở nguyên nhân một, ngưởi ta thiếu kiến thức mà còn có lòng kiên trì, tận tâm, tận lực... còn mình chẳng những thiếu kiến thức, lại hời hợt, vô tâm, sĩ diện…
Dù sao thì mọi việc cũng xong rồi!
Có đay nghiến bản thân cũng không thay đổi được điều gì!
Thôi! Hãy dồn hết tâm huyết vào việc học!
Hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Ngoài kia, bình minh đang ló dạng.
N.T.T.H