BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những nông dân tự học để thành công 

Cập nhật ngày: 16/06/2024 - 04:30

BTN - Là những nông dân chân chất nhưng họ đã không ngừng nỗ lực học tập, mang lại thành quả, kinh nghiệm cho bản thân và mong muốn chung tay góp sức cho cộng đồng.

Vợ chồng ông Vinh với niềm vui từ những quả bầu nghệ thuật.

Tự học để nâng cao kiến thức

Học đến lớp 9 rồi ra đời kiếm sống, ông Trần Công Vinh (62 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Bến Cầu) đã trải qua nhiều nghề để nuôi gia đình. Ngày trẻ, ông Vinh làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước, sau khi lập gia đình ông bắt đầu làm ruộng với kiến thức là con số không về nông nghiệp. Ông Vinh cảm nhận rằng mình rất có “duyên” với nghề nông. Nhiều năm trước, khi từ Gò Dầu chuyển đến sinh sống tại Bến Cầu, ông bắt đầu tự học cách trồng thuốc lá vàng.

Từ một người “ngoại đạo”, sau hơn một năm ông trở thành kỹ thuật viên và được mời hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất hàng chục héc-ta thuốc lá vàng tại Châu Thành. Đó là một nghề giúp ông nuôi sống cả gia đình trong khoảng thời gian 8 năm mà không qua một trường lớp nào. Theo ông Vinh, đó là kết quả của việc vừa học vừa làm từ những người có kinh nghiệm tốt nhất. Ông Vinh tự nhận, ông có nhiều may mắn trong việc tự học, khi cơ hội đến ông luôn kịp thời nắm bắt, vừa làm vừa học vì dù đã có kỹ thuật rồi vẫn phải học tiếp.

Khi trồng thuốc lá vàng bắt đầu thoái trào, ông Vinh cùng vợ chuyển sang buôn bán. Được một thời gian, ông lại bén duyên với nghề điêu khắc sản phẩm từ trái bầu hồ lô. Lần này vẫn là tự học, ông Vinh bắt đầu với việc tự mày mò, học tập để thoả mãn niềm đam mê của bản thân, ông đã tự học vẽ tranh, khắc hình lên từng trái bầu tạo thành những sản phẩm độc đáo.

Có thể nói để đi từ một sản phẩm trái bầu với những hình khắc đơn giản ban đầu cho đến hiện tại là những sản phẩm nghệ thuật nức tiếng gần xa, ông Vinh đã trải qua một quá trình tự học đầy kiên trì.

“Với việc tự học, tôi đã dành nhiều thời gian và công sức. Vì tự học nên việc gặp rủi ro nhiều nhưng tôi đã nỗ lực để học tập, tích luỹ kinh nghiệm cho riêng mình”- ông chia sẻ.

Nghề điêu khắc quả bầu mở ra cho ông Vinh không gian tự học mới. Ông Vinh bắt đầu tận dụng tiện ích của internet, mạng xã hội để phục vụ công việc. Qua đó, đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức để ứng dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật. Với niềm đam mê nghề, ông Vinh suy nghĩ sáng tạo sản phẩm, nâng cao kỹ thuật và hiệu quả sản xuất. Hiện tại ông vẫn đang miệt mài tìm hiểu về những máy móc, kỹ thuật hiện đại hơn.

Ông Vinh cho biết: “Nghề điêu khắc quả bầu đã mang đến cho tôi nhiều thứ, từ niềm đam mê nghệ thuật đến ổn định cuộc sống. Tôi cũng biết nhiều hơn và đi đây đi đó nhiều hơn. Mỗi một chuyến đi, sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến, tôi có thêm bài học mới như: khi ra Bắc tôi lại có dịp tìm hiểu thêm về kỹ thuật điêu khắc của nước bạn; hay đối với với những vùng, miền có đặc trưng riêng thì cần có những sản phẩm phù hợp thị hiếu, kỹ thuật”.

Ông Vinh làm việc với niềm đam mê.

Cũng nghỉ học từ năm lớp 9, anh Đặng Hồng Thanh (44 tuổi, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) là một nông dân đầy nỗ lực trong học tập.

Với 20 năm trồng mãng cầu, anh Thanh đã quen thuộc và “có nghề” trong sản xuất. Anh nói rằng mình tự học, tích luỹ kinh nghiệm qua từng năm sản xuất, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Dẫu vậy, đôi khi anh cũng gặp khó khăn vì vấn nạn bọ trĩ hoặc thời tiết không thuận lợi khiến năng suất không cao, có khi thất mùa.

Anh Thanh luôn cô gắng tìm tòi học hỏi thêm những kỹ thuật mới trong sản xuất. Hơn một năm trước, anh mạnh dạn thử nghiệm kỹ thuật thụ phấn cho cây mãng cầu và đạt được kết quả tốt.

Anh Thanh chia sẻ: “Tôi hay lang thang trên mạng để xem thông tin, kỹ thuật sản xuất mới. Kỹ thuật này tôi tìm thấy trên mạng xã hội và ứng dụng khi vườn cây có nguy cơ thất trắng vì bọ trĩ”.

Anh Thanh vẫn nhớ hơn một năm trước khi lần đầu tìm hái những bông hoa, tách cánh, cạo phấn hoa, cho vào ống tiêm và bơm cho từng nhuỵ hoa để thụ phấn trước ánh mắt hoài nghi của nhiều người. Nhưng hiệu quả ngoài mong đợi, cây đậu trái tốt bất kể dịch bệnh hoành hành, trái mãng cầu cũng to, đều, đẹp hơn so với cách tách cánh thông thường.

Vậy là những vườn xung quanh cũng bắt đầu áp dụng kỹ thuật này để thụ phấn, tỷ lệ đậu trái đạt khoảng 90% so với cách tách cánh, thời gian đậu trái cũng nhanh hơn so với trước; người nông dân chỉ cần tập trung chăm sóc tốt cây và không còn nhiều nỗi lo như trước nữa.

“Mình rất vui với hiệu quả từ cách làm mới này, nông dân mà, mình được mùa, những người xung quanh cũng được mùa thì mừng vui lắm”- anh Thanh nói.

Thành quả từ việc tự học

Với ông Trần Công Vinh, quá trình tự học đã mang đến cho ông những thành quả khi sản phẩm điêu khắc trên trái bầu hồ lô của ông được chứng nhận sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh nhiều năm liền. Ông cũng đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 12. Ông Vinh là nông dân sản xuất giỏi được UBND tỉnh tặng bằng khen… Mới đây, ông cũng là cá nhân tiêu biểu được nhận học bổng Học không bao giờ cùng của Hội Khuyến học tỉnh. Đầy xúc động, ông Vinh nói: “Sau hàng chục năm rời xa ghế nhà trường, được nhận học bổng tôi cảm thấy rất vui. Với tôi đây là một sự động viên, khích lệ cho sự cố gắng học tập của mình hàng chục năm qua. Tôi luôn trân quý những kiến thức mình học được dù chỉ ở trường đời mà không qua trường lớp”.

Anh Thanh tại vườn mãng cầu của mình.

Từ 3, 4 năm nay, cơ sở sản xuất bầu nghệ thuật của ông Vinh thường xuyên tiếp những vị khách xa đến, có những người từ ngoài Bắc vào tận nơi để tham quan. Theo ông Vinh, tại huyện Bến Cầu chưa có nhiều điểm du lịch, nên ông mong muốn cơ sở của mình sẽ là một điểm cho khách ghé qua, tham quan. Hiện ông đang thiết kế một số mẫu là biểu tượng đặc trưng của Tây Ninh như núi Bà, hồ Dầu Tiếng… để khắc lên sản phẩm và mong muốn những sản phẩm của mình có thể trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Tây Ninh. Ông Vinh và niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc bầu hồ lô đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người ở nhiều nơi khởi nghiệp với sản phẩm từ quả bầu hồ lô.

Còn với anh Đặng Hồng Thanh, năm 2023, anh kết hợp với Hội Nông dân xã viết đề tài “Hiệu quả ứng dụng kỹ thuật thuật thụ phấn nhân tạo trên cây mãng cầu ta tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh” đạt giải Ba, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 năm 2022-2023. Mới đây, anh cũng được nhận học bổng Học không bao giờ cùng của Hội Khuyến học.

Theo anh Thanh, khi viết đề tài tham gia hội thi anh chỉ mong muốn chia sẻ về một kỹ thuật làm mới, có hiệu quả đến nhiều người hơn. Anh Thanh cho biết: “Giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật và học bổng góp phần thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi nghĩ rằng dù là ai mình cũng phải không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Và đây cũng là động lực cho tôi tiếp tục tìm tòi, học hỏi những điều mới để phục vụ sản xuất”. Anh Thanh cũng chia sẻ, hiện anh đang nghiên cứu cách diệt bọ trĩ mới từ chế phẩm thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Vi Xuân