Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Những “ông gốc” trong tín ngưỡng dân gian
Thứ ba: 04:41 ngày 27/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong tín ngưỡng dân gian người Việt ở nhiều nơi, có chuyện một gốc cây trôi giạt có biểu hiện lạ lùng nào đó, nên được gọi trân trọng bằng đại từ nhân xưng như với con người. Ở Tây Ninh, vật lạ có biểu hiện linh thiêng này thường được gọi là ông Gốc.

HTML clipboard

Trong tín ngưỡng dân gian người Việt ở nhiều nơi, có chuyện một gốc cây trôi giạt có biểu hiện lạ lùng nào đó, nên được gọi trân trọng bằng đại từ nhân xưng như với con người. Ở Tây Ninh, vật lạ có biểu hiện linh thiêng này thường được gọi là ông Gốc.

Người Việt hồi khai cơ mở đất phương Nam ở vùng Khánh Hoà từng có chuyện về sự tích bà Thiên y -  Ana - nguyên là một vị nữ thần Chăm: Pô-Naga. Nhà văn Sơn Nam đã chép lại trong sách “Đình miếu và lễ hội dân gian”, tóm lược như sau: - Vùng Đại An tỉnh Khánh Hoà có vợ chồng bác tiều phu bắt được cô gái chuyên lấy trộm dưa ở rẫy nhà mình nhưng không giận, đem về nuôi dưỡng. Cô gái nguyên là cô tiên lạc xuống trần nên nhớ cảnh tiên, thường lấy đá sắp đặt hình non bộ để chơi. Bác tiều phu thấy, liền quở mắng. Gặp lúc có gốc cây trầm hương giạt trôi gần đó, cô gái bèn nhập vào rồi nổi trôi theo sóng biển giạt đến tận Trung Hoa. Khúc trầm quá nặng không ai vớt nổi. Riêng có thái tử Trung Hoa đến, lại vớt được nhẹ nhàng, đem về để gần dinh. Người đẹp có lần hiện ra, bị thái tử bắt gặp nên không trở lại gốc trầm được nữa, bèn chịu làm vợ chàng, sinh được hai con, trai là Tri, gái là Quý. Một bữa kia lòng bỗng nhớ quê Việt, bèn cùng hai con nhập lại gốc trầm trôi về bến cũ. Nhưng cha mẹ nuôi là vợ chồng bác tiều phu đã mất. Tiên nữ bèn ở lại chăm lo đời sống dân lành, trừ thú dữ, dạy nghề mới, sau mới trở lại chốn bồng lai tiên cảnh. Từ đấy dân lập đền thờ. Nhiều đời vua Nguyễn đã phong thần là “A Na Diễn Ngọc Thánh Phi”“Hồng nhơn phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”. Nhiều tỉnh miền Trung cũng có những chuyện khúc cây hay tượng gỗ trôi giạt, để từ đó có những đền chùa miếu mạo dân gian thờ phụng tới ngày nay. Tất cả đều có chung một phần câu chuyện liên quan đến một thân cây gỗ nổi trôi trên mặt nước.

Ngôi thờ ông Gốc

Tương tự như thế nhưng ở Tây Ninh, những truyền thuyết về ông Gốc lại thường nảy sinh trong các thời kỳ có hoạ ngoại xâm. Như chuyện của tác giả Huỳnh Minh chép trong sách Tây Ninh xưa về miếu thờ ông Gốc (trang 59 Sđd- Nxb Thanh Niên 2001). Xin tóm tắt lại câu chuyện: - Thời quân Pháp chiếm tỉnh Tây Ninh (1862-TV), quân triều đình chạy tứ tán. Có ông quan võ là Nguyễn Phương Hồng dẫn một tốp binh lính tới ngọn rạch Cái Răng bên phía tả ngạn rạch Tây Ninh, thuộc xã Thanh Điền, Châu Thành. Pháp truy bắt, ông chôn súng gươm rồi chia lương thực cho binh lính, còn mình tự gieo xuống nước chết để không sa vào tay giặc. Hồn thiêng của ông không mất mà nhập vào một gốc cây to nổi trôi lập lờ trên mặt nước gần nơi ông tự vẫn. Khoảng năm 1920, dân địa phương lập miếu thờ, sau đó miếu đã bị chiến tranh tàn phá không còn nữa.

Giờ là chuyện ở miền đất huyện Bến Cầu, từng được vinh danh là miền đất Ngũ Long (do 5 làng có chữ Long làm đầu). Theo các cụ giỏi Hán tự thì Long đây không phải Rồng, mà có nghĩa là thăng hoa, phát triển. Ở chùa Bửu Long (Bàu Tượng) có huyền thoại về viên đá nổi, cũng đã được vớt lên thờ phụng trong chùa. Còn chuyện ông Gốc thứ thiệt, tức là nguyên một gốc cây trôi nổi lạ lùng là ở xóm Dầu, làng Long Chữ, nay là ấp Long Thạnh. Theo vợ chồng cụ Nguyễn Ngọc Cẩn (83 tuổi) và Trần Thị Sương (80 tuổi) hiện ở Long Thạnh, thì miếu thờ ông Gốc nay vẫn còn bên bờ rạch Vàm Bảo được coi là rất linh thiêng. Bà Sương còn nhớ hồi mình mới 14 tuổi (khoảng năm 1944), lúc mới cùng gia đình mẹ cha chuyển cư tới Bến Cầu, vẫn còn thấy dân làng rủ nhau đi coi ông Gốc nổi. Ông từ đâu trôi đến thì không ai biết. Chỉ biết là trôi đến bờ Vàm Bảo thì ông quẩn quanh nơi ấy. Khi nước ròng thì ông lội ngược dòng nước đi lên, nước lên ông lại chạy xuống rất nhanh, người chạy theo không kịp. Người dân cho rằng, ông Gốc nơi đây chính là do Huỳnh Công Nghệ- em trai Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản nhập vào. Họ bèn xin phép được vớt ông Gốc lên bờ lập một miếu nhỏ phụng thờ ở cạnh nơi có đền thờ “Quan Lớn Vàm Bảo”. Hiện còn chưa rõ vị quan được thờ ở đấy là ai.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục