Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Những quy định mới về bảo hiểm y tế: Chuyển khám chữa bệnh ban đầu về tuyến xã, huyện
Thứ năm: 02:45 ngày 17/09/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - * Tái thực hiện việc người bệnh cùng chi trả ở một số đối tượng * Người bị tai nạn giao thông mà không do lỗi của mình sẽ được thanh toán BHYT theo quy định

Ông Nguyễn Văn Quá

Luật Bảo hiểm y tế đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2009. Tại Tây Ninh Luật này đã được ngành BHXH tổ chức triển khai đến đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh mà trước tiên là toàn thể cán bộ, công chức viên chức của ngành, tập trung nhiều nhất ở đội ngũ y bác sĩ làm công tác giám định BHYT, các chuyên quản thu BHYT và các cán bộ làm công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách BHYT. Bài phỏng vấn dưới đây giữa phóng viên và ông Nguyễn Văn Quá- Giám đốc Bảo hiểm xã hội Tây Ninh nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề có liên quan.

- Trước đây có quy định về việc người bệnh cùng chi trả chi phí điều trị, sau đó bãi bỏ, bây giờ Luật Bảo hiểm y tế lại tái thực hiện việc này. Vậy theo ông, điều này có khả thi không?

Đây là quy định của Luật, nên tất cả chúng ta đều phải chấp hành. Thực hiện việc người bệnh cùng chi trả có mục đích là buộc người dân thấy được trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khoẻ cho chính bản thân mình, tránh ỷ lại quá nhiều vào Nhà nước mà điều này chúng ta đã mắc phải trong việc áp dụng Thông tư 14 trước đây: Chỉ đợi đến khi có bệnh, người dân mới quan tâm đến sức khoẻ của mình, lúc đó mới nghĩ đến chuyện bảo hiểm y tế.

Theo tôi, việc thực hiện người bệnh cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh cũng là một trong những giải pháp góp phần cân đối an toàn quỹ khám chữa bệnh BHYT.

- Thông tư 09 (hướng dẫn thực hiện Luật BHYT) có quy định thanh toán BHYT khi bị tai nạn giao thông, vậy đối với trường hợp người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông thì sao, thưa ông?

Trường hợp người có thẻ BHYT khi bị tai nạn giao thông mà được xác định là không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông thì quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn giao thông tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH để thanh toán theo quy định. Thủ tục thanh toán bao gồm: giấy đề nghị thanh toán của người bệnh có thẻ BHYT, giấy ra viện hoặc hồ sơ bệnh án, thẻ BHYT, chứng từ hợp lệ trong khi điều trị (đơn thuốc, sổ y bạ, hoá đơn mua thuốc, hoá đơn thu viện phí,... và các chứng từ có liên quan khác).

Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông do vi phạm pháp luật về giao thông và trường hợp người bị tai nạn giao thông nhưng thuộc phạm vi thanh toán theo quy định của pháp luật về tai nạn lao động.

- Hiện nay, một số cơ sở khám chữa bệnh công lập ở Tây Ninh luôn trong tình trạng quá tải, vậy người bệnh có thẻ BHYT muốn đi khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính (ngày lễ, ngày nghỉ) thì có được thanh toán không? Nếu được thì mức thanh toán như thế nào?

Trường hợp cơ sở y tế do quá tải, phải tổ chức khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính, khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ, ngày lễ thì người có thẻ BHYT vẫn được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương tự như quy định đối với khám bệnh, chữa bệnh trong ngày làm việc; Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh thống nhất chỉ đạo thực hiện đối với các cơ sở y tế thuộc địa phương cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.

- Có những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT không, thưa ông?

Việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế trong thời điểm này đã là thuận lợi cho ngành BHXH chúng tôi, vì đã tạo điều kiện cho những người làm công tác BHYT cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng có một hành lang pháp lý để thực thi chính sách của Đảng về chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.

Tuy nhiên, do Luật bổ sung quá nhiều điểm mới so với trước đây, trong khi đó, đặc thù địa phương mỗi nơi mỗi khác, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế ở nông thôn không thể bằng khu vực thành thị mà vẫn phải áp dụng theo lộ trình thực hiện chung như quy định của Luật nên khó khăn là điều không tránh khỏi.

Trước mắt có thể thấy, Luật quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu chuyển về tuyến xã, huyện (bắt đầu từ 1.10.2009) liệu các trạm y tế tuyến xã có đáp ứng nổi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân không hay là phải lặp lại tình trạng chuyển tuyến,

Thực hiện việc người bệnh cùng chi trả có mục đích là buộc người dân thấy được trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khoẻ cho chính bản thân mình, tránh ỷ lại quá nhiều vào Nhà nước.

vượt tuyến? Điển hình như các xã: Phước Lưu, Phước Chỉ của huyện Trảng Bàng, Tân Hà của huyện Tân Châu hay xã Biên Giới của huyện Châu Thành, toàn là những địa bàn thuộc diện Chương trình 135, trang thiết bị y tế làm sao đáp ứng nổi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là những trường hợp cấp cứu? Tuy vậy, theo tôi, việc chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về tuyến xã có thể xem là một cơ hội để ta nâng dần điều kiện khám chữa bệnh của tuyến xã. Đồng thời, cán bộ y tế cơ sở là người có điều kiện nắm bắt, quản lý tình hình sức khoẻ của người dân tại cộng đồng, khi không may xảy ra những rủi ro về sức khoẻ, người dân sẽ được khám chữa bệnh kịp thời, không phải đi xa, giảm được tốn kém về tài chính, thời gian mà còn kéo giảm được áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuyến trên có điều kiện tập trung vào nghiên cứu chuyên môn, nâng cao trình độ điều trị chuyên sâu, cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo.

Mặt khác, khi số thẻ BHYT tăng thêm, lượng bệnh nhân nhiều hơn thì để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, buộc cán bộ y tế cơ sở phải tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của tuyến cơ sở và đầu tư mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người bệnh.

Luật BHYT cũng quy định người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh tại tuyến xã sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí. Đây là một điểm thuận lợi để khuyến khích người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến xã.

Ngay khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Trong đó có Chương trình 1816 về tăng cường cán bộ y tế, hỗ trợ trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đây được coi là cơ hội thuận lợi cho y tế tuyến dưới trưởng thành, vững vàng hơn, đảm đương tốt nhiệm vụ, để thực hiện các quy định của Luật BHYT.

- Xin cám ơn ông!

LÂM DIỆU ANH

(thực hiện)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục