Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khoảng 80 ha đất nông nghiệp đang cần thoát nước:
Những “tấc vàng” đang bị bỏ không
Thứ tư: 11:10 ngày 22/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần 3 năm nay, cánh đồng sản xuất nông nghiệp từ kênh N12 cặp theo kênh N10 đổ dài đến tỉnh lộ 784, thuộc địa bàn ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu luôn trong tình trạng ngập úng, không có đường thoát.

Cánh đồng khó thoát nước thuộc ấp 2, xã Bàu Đồn.

PHẢI CHĂNG CHỈ VÌ MỘT HỘ DÂN ?

Theo ngành chức năng, tổng diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng cục bộ ở khu vực trên lên đến cả trăm ha. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho nhiều hộ dân làm ruộng trong khu vực. Hiện giờ đã là cuối tháng Giêng, thông thường thời điểm này vào những năm trước, nước ở cánh đồng nói trên đã rút cạn, đất đai được nông dân sử dụng trồng cây bắp lai hay đậu phộng. Nhưng năm nay chỉ một số diện tích có thể trồng lúa, còn lại là… những khoảng trống mênh mông nước.

Nhiều thửa đất bị bỏ không, cỏ dại mọc đầy, thế chỗ cho cây nông nghiệp là lưới và dớn đặt cá. “Khoảng 3 năm về trước, bà con chúng tôi đều canh tác được 2 vụ lúa, một vụ đậu hoặc bắp hay hoa màu trong năm. Hiện nay, chỉ còn canh tác được 1 vụ lúa, nhưng phải tốn rất nhiều công sức mà cũng chưa chắc thu hoạch được gì. Nhiều hộ cố gắng đắp bờ, bơm nước ngày đêm với quyết tâm sạ lúa, nhưng cuối cùng đành phải chịu thua “bà thuỷ”, đành bỏ ruộng hoang”, anh Đinh Văn Lâu, một nông dân ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn nói.

Cũng có người thử vận may bằng cách đắp đất cao lên để trồng cây ăn trái nhưng rồi vẫn thất bại, như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tròn (Út Tồn), ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn. Ông Tròn đã đầu tư khoảng 150 triệu đồng để trồng 1 ha bưởi da xanh và mãng cầu xiêm, kết quả… vườn cây chết sạch (!). Ông Tròn kể: “Cánh đồng này trước đây thoát nước theo hai hướng. Hướng thứ nhất, nước đổ dồn về bàu Thâm Vô rồi chảy ra một con kênh tiêu giáp ranh với xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu). Hướng này hiện nay đã bị tắc, do người dân ngăn bờ bao để nuôi thuỷ sản. Hướng thứ hai, nước tiêu luồn qua đường 784, tiếp tục đổ vào hố vật liệu (hầm đào để lấy đất đắp kênh) cặp kênh N10, sau đó hợp dòng theo một con kênh tiêu chảy xuống suối Bàu Đồn. Tuy nhiên, đường thoát nước này hiện đang có một hộ dân tên Võ Thị Dung lập “chướng ngại vật” cản trở, bà cho rằng kênh đào đi ngang qua đất của gia đình bà nhưng gia đình bà chưa được đền bù.

“Từ khi làm kênh N10 (khoảng đầu thập niên 80) cho đến nay sao bà Dung không có ý kiến gì? Năm vừa rồi mưa nhiều gây ngập úng cục bộ, cả cánh đồng đang trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” thì bà Dung lại ngăn cản đòi quyền lợi. Chỉ vì một hộ dân “làm khó” mà hàng chục hộ khác phải thất thu mùa màng, bỏ ruộng hoang, như vậy có quá đáng lắm không? Bà con chúng tôi đã hùn tiền lại để nạo vét mương thoát đến chỗ đất của bà Dung thì bị cản trở”, một nông dân có ruộng bị ngập úng bức xúc trình bày.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy bà con ở đây đã hùn tiền lại để nạo vét mương tiêu nước luồn qua đường 784, đoạn mương đã được khơi thông khoảng 200m, đến chỗ đất của bà Dung thì bị chắn ngang bởi một “con đập” làm bằng cừ tràm và san lấp đất khá kiên cố. Được biết, ngày 3.11.2016, bà Dung có đơn đề nghị gửi cơ quan chức năng, nội dung nêu rõ: “Gia đình tôi sử dụng đất từ trước ngày 15.10.1993, đất không có tranh chấp và quy hoạch, do đó tôi có quyền sử dụng và yêu cầu cấp giấy CNQSDĐ… Kính mong cơ quan chức năng xem xét giải quyết thoả đáng cho gia đình tôi: Thu hồi đất phải đền bù theo quy định của pháp luật”.

Ông Võ Văn Rô, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Bàu Đồn nêu ý kiến: “Được biết, từ những năm 1990 trở về trước, công trình thuỷ lợi xây dựng đến đâu thì dân phải giao đất đến đó mà không được đền bù. Kênh N10 đi ngang đất của bà Dung cũng nằm trong khoảng thời gian đó”. Ông Huỳnh Đại Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh (Công ty KTTLTN) giải thích: “Đúng là vào thời điểm trước năm 1993, công trình thuỷ lợi đi qua đất nông nghiệp của dân không phải đền bù, có chăng chỉ là đền bù hoa màu. Đây là thực tế chung trong giai đoạn đó chứ không riêng gì cá nhân nào. Năm 2013, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 49 về việc ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh. Nếu đất của bà Dung nằm trong phạm vi đó thì sẽ không được đền bù”.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn nhìn nhận: “Thật ra, cũng không thể đổ lỗi hết cho bà Dung, bởi vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng. Lúc trước khi còn là kênh đất, nước thoát một cách tự nhiên, nên đơn vị thi công kênh không tính đến việc đặt cống tiêu luồn qua kênh N10. Khi kênh được bê tông hoá, bà con không thể khai nước thoát ngang như trước”. Được biết, vừa qua chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, tìm thêm hướng thoát nước khác cho cánh đồng bàu Thâm Vô.

ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021, cử tri đã có ý kiến, kiến nghị về vấn đề ngập úng cục bộ tại khu vực bàu Thâm Vô. Ngày 16.2.2017, Công ty KTTLTN đã có Công văn số 24/TLTN-QLN về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh. Theo đó, phương án giải quyết được đề xuất là lắp cống tiêu luồn qua kênh N10, làm kênh tiêu dẫn nước cặp theo kênh N10-3, xuôi dòng về hướng Bàu Trâm thuộc khu vực kênh tiêu T4B-2, sau đó đổ thẳng ra suối Bàu Đồn. Bên cạnh đó, đối với đường thoát nước hố vật liệu qua kênh N10 (tiêu luồn qua tỉnh lộ 784 qua đất của bà Dung- PV) thì vẫn tiếp tục thực hiện.

Công văn còn nêu rõ, để xây dựng mới hệ thống kênh tiêu hiện nay cần có hai điều kiện rất quan trọng. Thứ nhất, về vấn đề giải phóng mặt bằng, chỉ có chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên ngành mới có chức năng này, Công ty KTTLTN chỉ tham gia, phối hợp nếu có yêu cầu. Thứ hai, về kinh phí đền bù đất đai, Công ty KTTLTN không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, kinh phí này chỉ có trong kế hoạch vốn nếu dự án xây dựng công trình được lập và cấp thẩm quyền phê duyệt. UBND xã Bàu Đồn cần lập đề nghị gửi UBND huyện Gò Dầu, để huyện có cơ sở đề nghị UBND tỉnh lập dự án làm kênh tiêu thoát nước cho khu vực Bàu Trâm qua kênh tiêu T4B-2.

Đường thoát nước bị chặn khi đi ngang đất của bà Dung.

Ông Trần Quang Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Công ty KTTLTN giải thích cụ thể hơn: “Chúng tôi chỉ được cấp kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình hiện có, chứ không đầu tư làm mới. Bởi nếu đào mới kênh tiêu thì phát sinh thêm chi phí đền bù giải toả. Nguồn kinh phí từ thuỷ lợi phí mà UBND tỉnh giao cho (trước đây tự thu, bắt đầu từ năm 2008, Nhà nước nộp thay cho nông dân), sau khi trừ mọi chi phí cung cấp dịch vụ tưới, tiêu… theo quy định phải dành riêng 30% để nâng cấp, sửa chữa công trình. Như hiện nay, nguồn kinh phí này vào khoảng 23,5 tỷ đồng/năm. Công ty KTTLTN đang quản lý cả hệ thống kênh tưới lẫn kênh tiêu lên đến hơn 1.700km. Thế nên, chúng tôi còn phải cân đối sắp xếp sửa chữa công trình theo thứ tự ưu tiên. Mặt khác, theo quy định, nguồn thuỷ lợi phí tuyệt đối không được sử dụng để đền bù”.

Nhằm hướng dẫn Công ty KTTLTN tổ chức thực hiện việc đầu tư kênh tiêu khu vực bàu Thâm Vô thuộc ấp 2, xã Bàu Đồn, mở rộng cống tiêu trên kênh T4B-2 vị trí K2+895, ngày 15.2.2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Công văn số 269/SNN-CCTL gửi công ty, đề nghị đơn vị khảo sát thực tế và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, căn cứ theo Nghị định 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 19.12.2016 của UBND tỉnh Tây Ninh, ban hành quy định về phân cấp quản lý và thực hiện dự án đầu tư công, dự án xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Huỳnh Đại Hưng, quy trình này có thể mất khá nhiều thời gian, khoảng từ 1 đến 2 năm.

Cánh đồng bàu Thâm Vô đã gần 3 năm bị “bà thuỷ” làm khó, người dân vẫn từng ngày trông chờ vào một hệ thống thoát nước hiệu quả để sản xuất vụ mùa, bảo đảm cuộc sống. Rất mong những “chướng ngại” nêu trên sẽ được cấp có thẩm quyền và ngành chức năng vào cuộc tháo gỡ, giúp bà con nông dân thoát khỏi cảnh ngậm ngùi nhìn đất sản xuất bị bỏ hoang.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh