Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những tấm lòng dành cho cậu học trò nghèo

Cập nhật ngày: 05/02/2012 - 05:47

Trần Quang Tấn, học sinh lớp 11B6, Trường THPT Tây Ninh có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Năm Tấn học lớp 6, ba mẹ Tấn chia tay nhau. Tấn và em gái phải về ở với ông bà nội tại ấp Hiệp Thạnh, xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh. Ông bà nội của Tấn đã già cả còn phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi hai cháu ăn học. Cách đây vài năm, căn nhà ọp ẹp của ông bà nội bị gió thổi bay nóc nên cả nhà phải chuyển về ở trên phần đất cạnh nhà người bác ruột của Tấn ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Người bác của Tấn dựng cho ông bà nội em một căn nhà lá đơn sơ để sống tạm qua ngày. Ít lâu sau, người bác của Tấn qua đời, bác gái lấy chồng khác và để lại cho ông bà nội thêm 3 đứa cháu đang tuổi ăn học. Ông nội già đã 82 tuổi lại tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi 5 đứa cháu tội nghiệp. Tài sản duy nhất của ông nội Tấn là miếng đất nhỏ để trồng mì. Vì gia cảnh nghèo khó, một người anh họ của Tấn đã phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp ông bà nuôi các em.

Tấn và cô Huệ

Dù nhà nghèo nhưng Tấn luôn phấn đấu học giỏi để ông bà nội vui lòng. Từ năm lớp 1 đến lớp 9, Tấn đều đạt học sinh giỏi. Khi còn học trung học cơ sở, ngoài giờ học, Tấn còn đi bấm nhánh mãng cầu, mót mì... để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tốt nghiệp THCS, Tấn đăng ký thi vào Trường THPT Tây Ninh. Trong lúc chờ kết quả, Tấn chỉ mong mình... thi rớt vì sợ theo học ở trường lớn chi phí sẽ cao và xa nhà hơn. Tin Tấn trúng tuyển vào Trường THPT Tây Ninh làm em vừa mừng lại vừa lo. Thế nhưng, Tấn đâu thể ngờ rằng, chính nhờ học tại Trường THPT Tây Ninh, em đã được gặp cô Huệ và cô Lan, hai vị mạnh thường quân đã giúp đỡ Tấn rất nhiều.

Đầu năm học lớp 10, hằng ngày, Tấn phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị tinh thần đạp xe hơn 20 cây số đến trường. Nhắc lại chuỗi ngày đạp xe ấy, Tấn cười buồn: “Mỗi khi đạp xe đến trường là em “đuối” hết học nổi nhưng phải cố gắng thôi”. Những ngày có học buổi chiều, Tấn ghé nhà trọ của người bạn để nghỉ mệt lấy sức chiều học tiếp. Sau vài lần ghé nhà trọ để nghỉ trưa, Tấn đã gặp cô Lâm Thị Huệ, chủ nhà trọ gần Trường THPT Trần Đại nghĩa. Cô Huệ có hai người con đều học ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn chồng cô đi làm xa nhà nên cô thường cho học sinh ở trọ cho vui nhà. Cô Huệ chính là chị ruột của cô Lâm Thị Kim Lan, Uỷ viên của Hội Khuyến học Thị xã. Cô Lan làm công tác khuyến học đã lâu. Cô thường xuyên đi điều tra, nắm tình hình các em học sinh nghèo, khó khăn để tìm cách giúp đỡ. Tấn chính là một trong những trường hợp đó.

Cô Lan đã tìm đến nhà Tấn và đã cảm thông với nỗi khó khăn, vất vả của cậu học trò nghèo hiếu học. Sau đó, cô Huệ đã cho Tấn đến ở trọ miễn phí từ tháng 10.2010 cho đến bây giờ. Không dừng lại ở đó, cô Lan còn tìm cách xin cho Tấn một suất học bổng “Bạn tôi - Người vượt khó” trị giá 4 triệu đồng của Báo Tuổi Trẻ. Cũng thông qua một bài viết về Tấn trên Báo Tuổi Trẻ, em lại được một mạnh thường quân ở Úc tài trợ số tiền 350.000 đồng/tháng cho đến giờ. Đối với Tấn, sự giúp đỡ và cưu mang của cô Lan và cô Huệ là hết sức to lớn. Tấn chia sẻ: “Hai cô Lan và Huệ như người mẹ thứ hai của em”. Các cô Lan và Huệ thường xuyên động viên Tấn phải học giỏi để sau này có thể tự chăm lo cho bản thân. Dù không phải họ hàng thân thích nhưng sống chung nhà, cô Huệ xem Tấn như con cái trong nhà. Tấn cảm thấy rất hạnh phúc vì nhận được tình thương từ những người như cô Huệ, cô Lan. Cô Huệ cho biết: “Tấn rất chăm ngoan, học giỏi và siêng năng. Em không hề quậy phá hay đi chơi khuya bao giờ, đặc biệt là Tấn không biết... xài tiền”. Từ tiền học bổng đến tiền trợ cấp hằng tháng Tấn đều đưa cô Huệ giữ giùm vì sợ mất. Tiền trợ cấp hằng tháng, Tấn góp vào phụ cô Huệ chi phí cơm nước. Tấn đi học cũng không dùng tiền trừ những lúc đóng tiền quỹ lớp.

Ước mơ của Tấn là sẽ thi vào một trường đại học để sau này có việc làm ổn định, chăm lo cho ông bà nội và đền đáp lại công ơn của những người đã giúp đỡ em.

Thuỳ Dương