Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu không điều trị đúng và thay đổi lối sống sẽ rất nguy hiểm. Để kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là một trong những cách an toàn để duy trì huyết áp ổn định.
Thay đổi lối sống và dinh dưỡng góp phần kiểm soát tăng huyết áp
Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu gây tai biến mạch não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác như phồng tách động mạch chủ, biến chứng về mắt, biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần điều trị để kiểm soát huyết áp ở mức an toàn.
Để kiểm soát tốt huyết áp, trước tiên người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, bỏ thuốc lá, tránh lo âu, căng thẳng…
Tập luyện đều đặn giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng tiêu thụ đường, giảm nguy cơ kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp và duy trì huyết áp ổn định hơn.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng và điều trị tăng huyết áp. Việc thay đổi lối sống và tuân thủ chế độ ăn phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ góp phần kiểm soát và ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Tăng huyết áp không được kiểm soát dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, người bị tăng huyết áp cần chú ý ăn nhạt, giảm ăn muối. Không ăn mỡ động vật và phủ tạng. Ăn dầu thực vật vừa phải. Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây ít ngọt.
Nên uống sữa tách béo không đường hoặc các loại sữa hạt không đường. Không uống rượu bia, hút thuốc…
Đối với người bị thừa cân, béo phì cần giảm cân để duy trì trọng lượng bình thường bằng cách giảm lượng tinh bột, đường, chất béo…
Những thực phẩm tự nhiên giúp hạ huyết áp an toàn
Ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, dầu ô liu và các chất béo lành mạnh là một cách tuyệt vời để tăng lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Những chất dinh dưỡng này được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, những người ăn chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật có chỉ số huyết áp thấp hơn so với những người ăn thịt có khả năng tiêu thụ ít sản phẩm tươi hơn.
Flavanol là các hợp chất được tìm thấy trong thực vật như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc và quả hạch. Chúng hoạt động như các chất chống oxy hóa và có tác dụng chống viêm mạnh. Những hợp chất này được phát hiện mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm hỗ trợ giảm nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim mạch, hạ huyết áp, hội chứng chuyển hóa và một số bệnh ung thư.
Các loại rau
Ăn nhiều rau sẽ rất có lợi cho người bệnh tăng huyết áp. Các loại rau là nguồn thực phẩm tự nhiên lành mạnh chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là chất xơ và chất chống oxy hóa.
Tiêu thụ nhiều chất xơ đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa tăng huyết áp, ngoài ra nó có thể kiểm soát sự thèm ăn và tránh tình trạng tăng đường huyết, mệt mỏi, tiêu hóa kém...
Natri là một loại chất điện giải được cân bằng bởi kali và magiê để giữ huyết áp khỏe mạnh. Kali giúp giảm huyết áp bằng cách giúp thận đào thải natri dư thừa. Kali cũng giúp giảm căng thẳng trong thành mạch máu và giảm huyết áp. Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, xà lách, cải bẹ xanh… là những thực phẩm giàu kali giúp duy trì huyết áp ổn định.
Trái cây tươi
Ăn trái cây tươi là một cách hiệu quả để tăng lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng tốt cho huyết áp như: vitamin B, C, kali, magiê, phốt pho… và chất chống oxy hóa giúp giảm huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Các loại trái cây tốt nhất cho người bệnh tăng huyết áp bao gồm: cam, quýt, các loại quả mọng, táo, dưa hấu, chuối…
Các loại đậu
Các loại đậu là nguồn cung cấp protein thực vật dồi dào cũng như chất xơ, vitamin B và một số chất chống oxy hóa. Không giống như protein động vật, các loại đậu không chứa nhiều chất béo, đặc biệt không chứa chất béo bão hòa và cholesterol , nguyên nhân gây bệnh tim.
Nguồn chất xơ hòa tan và không hòa tan, bao gồm cả tinh bột kháng tự nhiên có trong các loại đậu có thể giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
Ăn rau quả tươi và các loại hạt giúp duy trì huyết áp ổn định.
Chất béo lành mạnh
Các loại hạt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh hoàn hảo, đồng thời chúng cũng bổ sung protein và chất xơ cho cơ thể. Loại chất béo này có lợi ích chống viêm, ổn định lượng đường trong máu và tốt cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài các loại hạt và quả hạch, còn một số thực phẩm khác chứa nhiều chất béo lành mạnh như quả bơ và dầu ô liu nguyên chất.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm nên có trong chế độ ăn uống của người bệnh tăng huyết áp vì chúng là nguồn cung cấp chất xơ và một số khoáng chất có lợi cho huyết áp.
Chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp bằng cách tăng cường hệ sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột. Trong đó, yến mạch là loại thực phẩm tốt vì chúng chứa một loại chất xơ được gọi là beta-glucans. Ăn loại chất xơ này có liên quan đến cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương thấp hơn.
Nguồn SKĐS