BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những tiếng nói lạc lõng

Cập nhật ngày: 14/10/2022 - 01:30

BTN - Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, được bạn bè quốc tế công nhận. Chả hiểu sao lại có vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi “thư ngỏ” cho các quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam?

Tư nè, hình như cách nay mấy bữa, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ Việt Nam là đại diện duy nhất của Hiệp hội ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, được bạn bè quốc tế công nhận. Chả hiểu sao lại có vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi “thư ngỏ” cho các quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam?

- Năm ơi, chắc chắn rằng nguồn thông tin mà các tổ chức nhân danh nhân quyền này nhận được về Việt Nam hoàn toàn sai lệch vì không được mắt thấy, tai nghe, nên họ mới đưa ra kiến nghị rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)”. Nói thế, chả khác gì “tát vô mặt” Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay chính HRC khi có các báo cáo đánh giá thành tựu của Việt Nam trong những nỗ lực phấn đấu cho quyền con người.

Đơn cử như đánh giá của bà Caitlin Wiesen- Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam qua Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.

Từ nhiều năm nay, LHQ luôn lấy Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người- nhất là trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới.

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) về xoá nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn. Cũng theo bà Caitlin Wiesen, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”.

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Khi đó, những sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2016 được quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu như việc Việt Nam phối hợp cùng các quốc gia khác đưa ra: Vấn đề về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật; về bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Phát biểu tại phiên họp cấp cao Khoá họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 22.2.2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”.

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 22.9.2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan”.

- Rõ ràng việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam.

- Thì có kết quả rồi đó! Trong phiên họp ngày 11.10 vừa qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 77 đã tổ chức bỏ phiếu để bầu ra 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việt Nam nhận được 145/189 phiếu, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất. Điều đó khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Đ.H.T