Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã hội hoá cấp nước sạch nông thôn:
Những tín hiệu đáng mừng
Thứ sáu: 06:20 ngày 23/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc có nhiều nhà đầu tư tham gia hoạt động xã hội hoá nước sạch nông thôn là tín hiệu đáng mừng, góp phần cùng Nhà nước nâng cao đời sống cho người dân, nhất là trong giai đoạn các địa phương cơ sở đang nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nơi xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn do doanh nghiệp đầu tư tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu.

Những năm qua, tỉnh chú trọng xây dựng nhiều trạm cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các xã có tầng nước ngầm bị nhiễm phèn, nhằm tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thế nhưng, do chưa thể đầu tư trạm cấp nước sạch bao phủ hết vùng nông thôn, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của mọi người dân, nên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hoá.

NHU CẦU SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH Ở NÔNG THÔN KHÁ LỚN

Những ngày qua, thông tin về việc một doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu được nhiều người quan tâm theo dõi. Vì từ lâu, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào hưởng ứng.

Bà Huỳnh Thị Bích Hạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết, trên địa bàn xã hiện có Trạm cấp nước sạch nông thôn tại ấp Long Phi thuộc Trung tâm Nước sạch nông thôn tỉnh.

Tuy nhiên, trạm này chỉ có khả năng cung cấp nước sạch cho 614 hộ dân tại ấp Long Phi. Trong khi đó, xã có tới 2.310 hộ dân, nhu cầu sử dụng nước sạch khá nhiều, do không ít nơi trong xã, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn không thể sử dụng. Ở đây, người dân buộc phải sử dụng nước giếng khoan, bị nhiễm phèn phải lọc nên rất khó khăn.

Trước đây, huyện có hỗ trợ một số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trong xã Long Thuận hơn 10 máy lọc nước. Thế nhưng, giải pháp lọc nước qua các lớp than, sạn hay máy lọc nước nào khác cũng không thuận lợi bằng việc có hệ thống trạm cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Theo Bộ tiêu chí mới của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, ở khu vực miền Đông Nam bộ phải có 98% hộ dân trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định 65% trở lên sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 - Bộ Y tế. Đây là vấn đề các địa phương vùng nông thôn có đất nhiễm phèn hết sức “đau đầu”.

Cũng theo bà Bích Hạnh, mới đây, một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền đồng ý cho đầu tư trạm cấp nước sạch trên địa bàn xã (địa điểm xây dựng phía sau trụ sở UBND xã). Doanh nghiệp này hiện đang tiến hành triển khai dự án, dự kiến đến cuối năm 2017, trạm cấp nước sạch sẽ đi vào hoạt động.

Tại Tân Biên, lãnh đạo hai xã Mỏ Công và Tân Phong cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất cao. Trong khi đó, những trạm nước sạch nông thôn do Nhà nước đầu tư tại địa phương hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nên rất cần nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.

NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐANG TÌM HIỂU ĐỂ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ

Theo Giám đốc doanh nghiệp đầu tư dự án Trạm cấp nước sạch nông thôn ở xã Long Thuận, dự án đang được triển khai thực hiện nhưng do thiếu sót một số thủ tục nên công trình tạm ngưng.

Doanh nghiệp đang tích cực hoàn chỉnh thủ tục để nhanh chóng triển khai xây dựng, kịp thời đưa nước sạch phục vụ người dân địa phương vào cuối năm nay. Khi đi vào hoạt động, Trạm cấp nước này có thể cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 - Bộ Y tế cho gần 1.000 hộ dân Long Thuận qua hệ thống ống dẫn nước qua các trục đường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể đấu nối, sử dụng.

Theo tính toán, khi tham gia đấu nối, chi phí khoảng từ 1 - 1,2 triệu đồng, bao gồm tiền gắn đồng hồ nước, tiền ống nước... Còn mức thu tiền sử dụng nước thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh đối với nước sạch nông thôn là 4.000 đồng/m3.

Ông Lê Anh Tâm- Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng Trạm cấp nước sạch tại huyện Bến Cầu, hiện nay, cũng có nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu để xúc tiến dự án xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn tại 3 xã Trà Vong, Mỏ Công và Tân Phong, huyện Tân Biên; Trạm cấp nước sạch nông thôn ở ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng; Trạm cấp nước sạch nông thôn ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này để ngày càng có nhiều hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Theo ông Tâm, các nhà đầu tư Trạm cấp nước sạch nông thôn khi vào hoạt động phải thực hiện việc thu tiền sử dụng nước của người dân đúng theo quy định của UBND tỉnh. Do đó, người sử dụng nước do trạm cấp nước của Nhà nước đầu tư hay trạm cấp nước do doanh nghiệp đầu tư đều trả tiền sử dụng nước với mức giá ngang nhau. Phần lớn các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được sửa chữa, nâng cấp từ năm 2014-2016 đều đạt tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT. Chỉ còn lại một vài công trình cấp nước đã xây dựng lâu năm, công nghệ lạc hậu chưa bảo đảm chất lượng.

Trong năm 2016, với 67 trạm cung cấp nước sạch nông thôn tại các xã trong tỉnh, đã có 15.620 hộ dân sử dụng nước. Khối lượng tiêu thụ nước sạch của khách hàng vùng nông thôn là 1.940.627m3/2.464.596m3, đạt 78,74% khối lượng nước sản xuất.

Năm 2017, ngoài việc đầu tư, nâng cấp, thay thế một số hạng mục tại công trình cấp nước được đầu tư xây dựng lâu năm, có biểu hiện xuống cấp, Trung tâm dự kiến đầu tư thêm trạm cung cấp nước sạch nông thôn ở 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, cùng một số địa điểm tại các địa phương khác.

Việc có nhiều nhà đầu tư tham gia hoạt động xã hội hoá nước sạch nông thôn là tín hiệu đáng mừng, góp phần cùng Nhà nước nâng cao đời sống cho người dân, nhất là trong giai đoạn các địa phương cơ sở đang nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hy vọng thời gian tới, người dân nông thôn trong tỉnh đều được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

THIÊN TÂM

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục